“Oán tắng hội khổ” là gì?

Thù oán mà gặp lại nhau thì khổ. Quí vị ghét ai đó cay đắng mà họ cứ ngồi trước mặt mình hoài, có khổ không?

 

Chắc khổ lắm. Bây giờ chúng ta đừng thèm ghét ai hết thì không còn khổ.

Không khổ tức là vui rồi.

Như vậy vui từ đâu lại, khổ từ đâu ra? Tại mê muội mà khổ, bỏ mê muội đi thì vui. Chúng ta thật là đáng thương.

Tôi thường nói, như có số người đang đi trên một chiếc thuyền qua biển, sóng gió chòng chành làm thuyền muốn lật.

Lúc ấy mọi người có rảnh rỗi để cãi vã, giận hờn nhau không, hay ai cũng lo làm sao cho khỏi chết?

Tại sao lại có tâm ganh ghét và làm thế nào để diệt nó?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng vậy, trên thế gian này ai ai cũng có bao nhiêu thứ hoạn nạn đang chực chờ, nên ai cũng là người đáng thương.

Mình đã đáng thương rồi, mọi người xung quanh lại càng đáng thương hơn.

Vì vậy thương nhau không hết, có đâu giận hờn làm khổ cho nhau.

Ai ưa giận hờn, người đó khôn hay dại?

Vậy mà thế gian không chịu khôn cứ giận hoài, có người còn nói:

“Tôi giận người đó mấy chục năm rồi chưa hết!”

Vị ấy đâu biết ôm ấp giận trong lòng là mình đang chứa những hòn lửa than, nó sẽ thiêu đốt ta gầy mòn héo hon, vậy mà còn khoe tôi giận mấy chục năm.

Giận nhiều thì hại nhiều, không có lợi ích gì cả.

Việc qua rồi chúng ta nên xí xóa với nhau rồi cười vui, cuộc đời tạm bợ mà!

Thường trong lòng chúng ta luôn có hai hạng người khó quên:

Một là những người mình thương; hai là những người mình ghét. Nên sau khi chết sẽ gặp lại hai nhóm này. Thương gặp lại và ghét cũng gặp lại.

Nên người biết tu phải xả hết giận hờn, không oán thù ai hết.

Thật ra chúng ta còn là phàm phu, bảo đừng giận thì chưa được, song có giận nên bỏ mau một chút.

Kinh Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc”, tức Tăng giận không quá một đêm.

Chúng ta cũng giận khi nghe lời trái tai, nhưng giận một chút rồi bỏ để mai kia không gặp trở lại.

Nếu ai ôm ấp giận hoài, đó là nguyên nhân để mai sau gặp lại.

Chúng ta chấm dứt tâm oán hờn thì chúng ta được an vui.

HT. Thích Thanh Từ