Vấn đáp về thiền Vipassanā với Thiền sư Kim Triệu

Với kinh nghiệm thực chứng, đạo hạnh thanh cao, tư cách khiêm cung bình dị, tràn đầy từ tâm cộng với sự hướng dẫn tận tụy, khéo léo, Ngài đã giúp thiền sinh và Phật tử hưởng nhiều lợi lạc của Giáo Pháp và để lại trong tâm mọi người có duyên lành gặp Ngài một niềm kính mến vô bờ.

Hòa thượng Thiền sư Kim Triệu đã dành gần một thế kỷ cống hiến cho Chánh Pháp. Ngoài trí tuệ sắc bén được mài giũa qua nhiều thập niên nghiên cứu và thực hành thiền, cũng như quá trình học tập trực tiếp từ các thiền sư lỗi lạc của thế giới như các Ngài Goenka, Shwe Oo Min, Mahasi, Munindra, Dipa Ma… Sư Kim Triệu còn tỏa ra lòng từ bi vô điều kiện với các học trò năm châu, dù căn cơ người ấy cao hay thấp, thân phận sang hay hèn.

Những câu hỏi được một thiền sinh (TS) trình lên Ngài thiền sư trong khóa thiền 10 ngày và được Ngài trả lời.

Một đời trọn vẹn vì thiền – Ngài Thiền Sư Kim Triệu.

Một đời trọn vẹn vì thiền – Ngài Thiền Sư Kim Triệu.

TS: Bạch Thầy, tại sao Thầy dạy chúng con Thiền Vipassanā mà không phải là thiền khác?

Đức Phật đã nói rằng Thiền Vipassanā là cách ngắn nhất và trực diện nhất để đạt tới sự giải thoát khỏi ràng buộc của Tham Sân Si ngay khi ta còn sống. Điều may mắn là Đức Phật dạy ta đúng cái cách mà chính Ngài đã từng thực hành để đạt đến giác ngộ, vì vậy cứ yên mà đi theo.

TS: Bạch Thầy khi tham thiền phải quan sát hơi thở và bụng phồng xẹp để làm gì?

Nhà của tâm là thân. Nhưng tâm của con thường xuyên vắng nhà để đi phiêu lãng trong quá khứ, tương lai và tưởng tượng. Quan sát hơi thở để dẫn cái tâm về với nhà của nó. Thiền tập nhằm mục đích chữa bệnh cho tâm, nên ta phải mời nó về nhà thì chữa mới tốt được.

TS: Bạch Thầy, con đã từng tập Vipassanā theo cách của ngài Goenka nhưng thấy cơ thể mệt mỏi, co cứng.

Vipassanā có 4 đối tượng để quán sát là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Phương pháp của thầy Goenka là quán Thọ có thể không phù hợp với người nhiều ham muốn như con. Chính sư từng học ngài Goenka nên sư biết sự này.

TS: Bạch Thầy, hầu hết Phật tử đều từng nghe đến cụm từ Giới Định Tuệ. Có người nói với con là sau khi có Giới thì phải học Thiền Định rồi mới đến Thiền Tuệ.

Vipassanā là thiền tuệ, nhưng trong nó đã có sát-na Định. Vậy con không cần học thêm thiền định trước khi học thiền tuệ. Nhưng nếu con muốn học thêm thiền định thì cũng tốt thôi, có nhiều thiền sư giỏi cả 2 loại thiền. Nhưng nhớ rằng thiền tuệ là con đường ngắn nhất đi tới giải thoát.

TS: Bạch Thầy, con chạy half-marathon không hụt hơi, vậy mà chỉ đi thiền vài vòng hoặc ngồi thiền vài phút đã thấy tức ngực như thiếu oxy.

Là do tâm tham đó con. Đừng ham muốn phải đạt được điều này điều nọ khi hành thiền, hãy ghi nhận, và ghi nhận mà thôi.

TS: Bạch Thầy, con đã bắt đầu quan sát thấy những ý nghĩ xấu khởi lên trong tâm mình. Nhưng mỗi lần như vậy lại thấy tức bụng.

Là do tâm Sân đó con. Còn phán xét là còn Sân, dù là phán xét chính mình hay người khác. Hãy ghi nhận, và ghi nhận mà thôi.

TS: Bạch Thầy, con đã bắt đầu biết ghi nhận những gì đang diễn ra trong tâm mình. Nhưng có lợi gì từ việc đó?

‘Ghi nhận đúng’ trong tiếng Pali là Samma Sati, còn gọi là chánh niệm. Ở đâu có chánh niệm thì có ánh sáng, xua đi bóng tối của Tham Sân Si. Con không cần ghét Tham Sân Si vì nó là những thứ tồn tại tất yếu trong vũ trụ, chỉ cần thắp sáng chánh niệm thì bóng tối kia sẽ tự tan đi.

TS: Bạch Thầy, chúng con nên tập thiền Vipassanā khi nào?

Nên tập mọi nơi mọi lúc: khi đi – đứng – nằm – ngồi, khi ăn hoặc ngủ, khi làm việc hoặc tắm giặt, thậm chí khi đại tiểu tiện. Cứ quan sát và ghi nhận quá trình tâm khởi lên ý định làm việc gì, rồi tiến trình ta thực hiện việc đó. Nếu trong khi quan sát mà thấy xuất hiện 1 suy nghĩ hoặc cảm giác nào đó thì hãy tiếp tục ghi nhận nó mà đừng phán xét. Dần dần các con sẽ thấy thích thú với việc quan sát này, rồi trí tuệ sẽ phát sinh, đừng sốt ruột.

TS: Bạch Thầy, Đức Phật nói Bát Chánh Đạo là con đường 8 nhánh để thoát khổ. Vậy Vipassanā có liên quan gì đến Bát Chánh Đạo?

Tập Vipassanā là để trau dồi Chánh niệm, chính là sự ghi nhận đúng. Có ghi nhận đúng sẽ có suy nghĩ đúng (Chánh tư duy), từ đó sẽ có nhận thức đúng (Chánh kiến) mà dẫn tới lời nói đúng (Chánh ngữ), hành động đúng (Chánh nghiệp) và đời sống đúng (Chánh mạng).

TS: Bạch Thầy, con đang trên chuyến bay về nhà, không còn được ở bên Thầy để hỏi những câu ngốc nữa, nhưng con sẽ cố gắng tu tập để chữa bệnh cho cái tâm đầy tham sân si này, và được sống trong tỉnh giác trọn vẹn từng phút giây thay vì chết trong mê mờ từng giây phút.

5 điều dặn dò của Thiền sư Kim Triệu

YT