Đối trị 5 triền cái

Năm triền cái là năm món, năm thứ làm trói buộc, ngăn cho trì trệ tâm hành giả đến với an lạc, giác ngộ, giải thoát. Đầu tiên, chúng ta cần thấy rõ thật kỹ và nhận ra chỗ ẩn nấp của chúng, để ta có phương pháp loại trừ.

1. Nhận diện năm triền cái

Trong quá trình tu tập Chánh Niệm, phương pháp quán niệm hơi thở (anapana sati) bằng cách định tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra, thiền sinh thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát. Khi thực tập, định sẽ có mặt do quán hơi thở, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, là an tịnh và cao thượng, là trú xứ an lạc vô nhiễm, loại trừ và làm cho an tịnh các tư duy bất thiện ngay khi chúng khởi lên.

Ðối tượng của thực hành Thiền là loại bỏ Năm triền cái sau bước điều hòa thân và điều hòa hơi thở. Đầu tiên, thiền sinh bước vào giai đoạn hành thiền là tạm thời đè nén chúng để đắc thiền-na và phát Tuệ minh sát, là 2 yếu tố then chốt cho việc đoạn trừ Năm triền cái, bước tiếp theo thiền sinh dần dần chế ngự chúng một cách vĩnh viễn qua công phu phát triển Bát Chánh Đạo.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vì sao gọi là triền cái? Thuật ngữ mà thiền sinh bắt gặp trong Tứ Niệm Xứ là nivarana, tức là ngăn che, đó chính là triền cái. Năm triền cái là Năm chướng ngại ngăn che làm cho hành giả thực hành thiền không thấy được tâm an tịnh, xả ly và giải thoát. Theo kinh nghiệm của Đức Thế Tôn thông qua bài Kinh Tứ Niệm Xứ, toàn bộ pháp hành đưa đến Giác ngộ có thể được diễn tả như một nỗ lực để vượt qua năm chướng ngại này. Năm chướng ngại đó là:

i. Tham dục (Kamachanda),

ii. Sân hận (Vyapada),

iii.  Hôn trầm (Thiramiddha),

iv. Trạo cử (Udhaccakukucca),

v. Nghi ngờ (Vicikiccha).

Khi tâm không được tu tập nghiêm túc và không an tịnh thì thường bị Năm triền cái này chi phối, và không thể tiến bộ trong công phu thiền quán. Hành thiền là tu tập đoạn trừ Năm triền cái và thay thế bằng Năm thiền chi (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm). Nhờ Tầm đối trị được Hôn trầm-thụy miên; nhờ Tứ đối trị được Nghi; nhờ Hỷ đối trị được Sân; nhờ Lạc đối trị được Trạo cử và nhờ Nhất tâm đối trị được Tham dục. Vì vậy, trọng việc thực hành Thiền định, đoạn trừ Năm triền cái tức là đã chặn đứng một cách vĩnh viễn chướng ngại chính cản trở sự thành tựu Thiền-na và phát triển Tuệ giác. Lộ trình tu tập giải thoát là sự trải qua của những quá trình thấy rõ các khía cạnh vô thường của Năm chướng ngại, chúng nguy hiểm, khổ đau và không có tự ngã.

2.  Ðối tượng của tu thiền là loại bỏ năm triền cái

2.1. Tham dục

Đối tượng thứ nhất của hành thiền là Tham dục, là sự tham muốn các tham ưu ở đời. Tu tập đoạn trừ Tham dục là đi ra khỏi các tham ưu ở đời. Dục(kāma) này gồm có năm loại: (i) Sắc dục, tức là tham đắm về nét đẹp liên hệ đến thân vật lý hoặc cảnh trần; (ii) Thanh dục: tham đắm âm thanh như du dương trầm bổng hoặc tiếng vừa ý liên hệ đến nhĩ căn; (iii) Hương dục: tham đắm về mùi liên hệ đến tỷ căn; (iv) Vị dục: tham đắm về vị ngọt liên hệ đến thiệt căn; (v) Xúc dục: tham đắm về xúc chạm liên hệ đến thân căn. Theo Kinh Ví Dụ Con Rắn (số 22) trongTrung Bộ Kinh, Đức Thế Tôn đã khẳng định “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn”và đưa ra mười ảnh dụ về sự nguy hiểm của dục:

“… (i) ví như khúc xương; (ii) ví như một miếng thịt; (iii) ví như bó đuốc cỏ khô; (iv) ví như hố than hừng; (v) ví như cơn mộng (vi) ví như vật dụng cho mượn; (vii) ví như trái cây (viii) ví như lò thịt; (ix) ví như gậy nhọn; (x) ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn”.

Những ức chế, lòng ham muốn, sự sinh ra những cảm giác mong ước tìm kiếm khoái lạc trong những hoạt động sắc dục hoặc và bao gồm lòng ham muốn thay thế các cảm giác khó chịu, đau đớn bằng các cảm giác dễ chịu; sự nảy sinh theo sau dục khởi này là lòng ham muốn được có cảm giác thoải mái. Trong một quá trình nảy sinh và biến thiên của các hoạt động tâm tiêu cực như thế, những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, hành giả nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác trong hơi thở: thở ra, thở vào biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng, hành giả vượt ra các tham ưu ở đời.

Vì sao thiền sinh không nếm được hỷ, lạc của thiền vị? Vì các dục khởi lên bên trong các hoạt động của tâm và quấy nhiễu làm cho tâm và thân xao động, cuốn theo các cảm thọ. Vì vậy trong khi hành thiền là hành giả đang đối diện với tâm của mình. Quán Tâm là chú ý đến các tâm pháp đang hiện hành, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (các hoạt động của Tâm sở), để chặn đứng các tâm hành; ở đây là những tâm hành Tham dục.

Khi thực tập, định sẽ có mặt do quán hơi thở, khi được tu tập, được làm cho sung mãn tức là an tịnh. Sự tỉnh giác trong hơi thở: thở ra, thở vào, cũng như tỉnh giác trong bốn oai nghi của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi. Thiền sinh trú chánh niệm, tỉnh giác. Thiền sinh khi đi tới, khi đi lui, đều tỉnh giác; khi nhìn tới, khi nhìn lui, đều tỉnh giác; khi co cánh tay, duỗi cánh tay, đều tỉnh giác; khi đắp y, khi mang y bát, đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai nếm, đều tỉnh giác; khi đi tiểu tiện, đại tiện, đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, đều tỉnh giác. Thiền sinh vượt qua lòng tham dục bằng cách buông xả mọi quan tâm về thân thể và hoạt động của năm giác quan, biết rõ sự nguy hiểm của dục. Đến đây thiền sinh nên khéo léo phát khởi ý niệm về hạnh phúc, an lạc của Thiền định và sự cần thiết của một căn bản Thiền định để đi sâu vào tuệ giác; chính trạng thái tâm hành tích cực này là niềm phấn khởi hân hoan đi vào Thiền định, dễ dàng buông thả dục lạc rơi lại phía sau.

Như vậy, trong một quá trình kiểm soát thân-tâm có mặt của thiền lực và chánh niệm thiền sinh nếm được hỷ-lạc nhờ có tỉnh giác. Đến đây, thiền sinh vui hưởng hạnh phúc hỷ lạc của Thiền-na (jhana) nhờ biết xả ly các quan tâm về thân và năm giác quan của nó. Sự nảy sinh tuệ giác theo sau pháp vị Thiền-na. Vì vậy, trong bài Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Thế Tôn nói tu tập đoạn trừ Tham dục là đi ra khỏi các tham ưu ở đời, nghĩa là “ly dục, ly ác pháp bất thiện pháp”.

2.2. Sân hận

Chức năng của việc đem tâm an trú vào các tầng thiền-na (jhana), một chi phần Chánh Định của Bát Chánh Đạo là để đoạn tận tất cả năm Triền cái để giúp triển khai tuệ giác của thiền lực trong quá trình thực hành. Nhưng vì định lực và thiền lực không mạnh mẽ và đầy đủ nên tâm hướng theo các hoạt động hướng ngoại, gây nên sự tham ưu và thù oán hoặc nảy sinh ý niệm tự ngã, làm cho sân phiền não xâm chiếm tâm.

Đến đây, thiền sinh đối mặt với Sân hận triền cái, là bức màn của sân nhuế ngăn che thiền hỷ dẫn đến sự phát khởi sự tham ưu ở đời. Chỉ cho trạng thái mong muốn và khao khát báo thù, gây khổ hoặc thù ghét một người hoặc một hoàn cảnh nào đó, ở mức vi tế của nó là đề cao bản thân, lòng tự ngã, tự ti hoặc mặc cảm của mình. Thiền sinh liền bị vướng vào vòng xoáy của nóng giận, bứt rứt và khó chịu, các cảm thọ này tiêu diệt sự an tịnh và mát mẻ của thân tâm. Một biểu hiện tâm sân hận thứ hai, song song hoặc tìm ẩn với trạng thái trên trong khi hành thiền chính là tâm hành chối bỏ, sự chán ghét vào chính đối tượng thiền quán; vì sân nhuế chế ngự tâm tạo ra một năng lực mãnh liệt, mê hoặc và hấp dẫn tâm hành giả lang thang qua các nơi khác hoặc bỏ rơi sự chú tâm của ta vào đề mục chính.

Chính lúc hành thiền chưa đủ thiền lực hoặc trong các hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi hàng ngày chưa dồi dào chánh niệm làm phát sinh một loạt tâm lý vội vã, nôn nóng, nóng giận và ghét bỏ, v.v… Hãy cẩn thận, khéo léo định tâm vào hơi thở, hơi thở vào, hơi thở ra một cách điều hòa, an tịnh, từ từ sân nhuế được nhìn thấy rõ ràng hơn và hành giả nhận thấy được sự nguy hiểm của sân phiền não, hành giả phát khởi tâm từ và chánh niệm quán chiếu tham ưu của các tướng trạng tâm lý chúng vô ngã, vô thường. Tiếp theo, thiền sinh chú tâm vào hơi thở có tầm có tứ thì thiền hỷ sẽ phát sinh. Như thế, khi có sân hận trỗi dậy, sự quán chiếu bi mẫn sẽ giúp ta thấy được lỗi lầm của chính mình, khuyến khích ta tự tha thứ cho chính mình, giúp ta học được bài học đó rồi buông xả chúng. Sự từ bỏ đến ngay sau khi thấy rõ sự nguy hiểm của những gì đang ràng buộc chúng ta, đang trói buộc tâm thức chúng ta. Chính lúc thiền sinh luôn luôn giữ chánh niệm tỉnh giác trên ý niệm của hiện tại lại chính là thiền lực để nuôi dưỡng niềm vui hỷ thiền nhằm đối trị sân nhuế phiền não.

Nghệ thuật của sự chế ngự cơn giận để có an bình, tự do và hạnh phúc đích thực chính là sự nhận diện, chuyển hóa, buông xả và phát khởi tình thương. Sự nảy sinh tuệ giác theo sau pháp vị bi mẫn trong thiền vị, đi ra khỏi các tham ưu ở đời.

2.3. Hôn trầm

Hành Thiền, nếu bạn không giữ được chánh niệm, tỉnh giác thì bạn sẽ rơi vào một trong ba trạng thái tâm lý: trạo cử, hôn trầm và vô ký. Trạng thái tâm lý mệt mỏi, uể oải, lười biếng, buồn ngủ khi ngồi Thiền gọi là trạng thái hôn trầm thụy miên, trong một vài trường hợp thiền sinh ngủ hẳn đi một lát. Ở giai đoạn này, khi Thiền sinh theo dõi một đối tượng trong khoảng thời gian khá lâu, sự theo dõi có thể lơi dần, yếu dần, rồi mất dần luôn sự kiểm soát. Khi ấy, tâm lý của hành giả chìm vào hôn trầm. Trạng thái tâm lý này sẽ ngăn trở bước tiến thực hành Thiền định, vì tuệ tri và tuệ giác không có mặt, lâu dần bào mòn sự an tịnh của thân tâm. Vượt qua đối tượng này, thiền sinh cần nỗ lực đi ra khỏi hôn trầm.

Cần một chút tỉnh giác và tinh tấn để nhận diện ra được cơn hôn trầm đang diễn ra. Trong khi hành thiền, nó làm cho ta chỉ có những giác niệm rời rạc, yếu ớt và từ đó đưa đến sự ngủ gục trong lúc thiền mà ta lại không biết. Khi biết mình đang bị hôn trầm, thiền sinh liền thức tỉnh tìm cách đi ra. Đừng lo lắng hoặc chán nản, hãy theo dõi và quán niệm hơi thở, thiền lực sẽ dần có mặt nhờ sự theo dõi chú tâm và chánh niệm; để sự chú ý ngay trên đỉnh đầu một lát cho đủ tỉnh táo, rồi tự đánh thức mình ngay, khởi niệm nỗ lực ngay, trở về theo dõi chuyên sâu vào hơi thở vào ra một cách đều đặn.

Trong quá trình hành thiền và phát triển tuệ giác, các thiền sinh không chỉ cố mà hành thiền là sẽ hiệu quả, kinh nghiệm cho thấy cần một số tham khảo từ các bậc thầy Thiền sư hoặc các bài kinh liên quan đến thiền định mà Đức Phật đã giảng dạy, đó là con đường thiền định mà Thế Tôn đã đi qua. Ở đây, Một số phương pháp đối trị hôn trầm mà Thế Tôn đã dạy cho Tôn giả Mục-kiền-liên trong Tăng Chi 3A, tr 85-86, bản dịch của HT. Minh Châu, 1981, có thể tham khảo và vận dụng như sau:

i. Khi hành thiền đang ở tưởng nào mà thụy miên kéo đến thì rời khỏi tưởng ấy, đừng tác ý đến tưởng ấy, thụy miên sẽ tan đi.

ii. Nếu rời khỏi tưởng ấy mà thụy miên vẫn còn, thì tư duy các giáo lý đã nghe, đã học thuộc. Thụy miên sẽ bị loại trừ.

iii. Nếu tư duy như thế mà thụy miên vẫn không tan, thì đọc tụng Pháp như đã nghe, đã học thuộc. Thụy miên sẽ bị loại trừ.

iv. Nếu thực hiện như vậy mà thụy miên vẫn chưa tiêu, thì sẽ kéo mạnh hai lỗ tai và lấy hai tay xoa bóp tay, chân cho tỉnh.

v. Nếu làm như thế mà thụy miên vẫn tồn tại, thì sẽ rời khỏi chỗ ngồi Thiền, ra ngoài lấy nước mát rửa mặt, nhìn về phía phương trời xa xăm sáng sủa, hay nhìn lên các vì sao (nếu về đêm), thụy miên sẽ tan mất.

vi. Nhưng nếu các biện pháp trên không có kết quả, thì hãy tác ý tưởng đến ánh sáng, tưởng ban ngày. Như thế, với tâm mở rộng, không hạn chế, tu tập tâm chói sáng, sẽ là tiêu tan hôn trầm.

vii. Nếu tưởng ánh sáng… không có kết quả, thì hãy đi kinh hành, tác tưởng trước mặt và sau lưng, để tâm hướng nội, thụy miên sẽ bị loại trừ.

viii. Nếu các biện pháp đối trị khi ngồi, khi đứng, khi đi không có hiệu quả, thì hãy nằm theo dáng nằm của sư tử, nghiêng về hông phải, đôi chân gác lên nhau, giữ chánh niệm các tưởng thức dậy thật mau, không khởi niệm ham thích nằm ngủ, an trú như vậy, thụy miên sẽ tiêu tán.

Một đoạn tóm lược ngắn kinh nghiệm đối trị hôn trầm mà Đức Thế Tôn đã dạy cho Tôn giả Mục-kiền-liên hầu hết được các trường thiền ứng dụng, với mỗi hành giả độc lập cũng có thể ứng dụng phương pháp này.

Đó là một quá trình nhận diện, chuyển hóa và thoát ra khỏi cơn hôn trầm của một thiền sinh thiện xảo. Khi đang theo dõi một đối tượng, nhưng đối tượng không được liên tục bỗng lững quên đi một chốc, đánh mất sự kiểm soát của thân và tâm, không nhận diện được đề mục là lúc hành giả bị rơi vào hôn trầm. Chỉ cần tỉnh giác, định tâm vào hơi thở. Hơi thở chạm xúc vào lỗ mũi hay môi trên là nơi dễ theo dõi nhất. Ở đây, chúng ta chỉ quán niệm vào hơi thở, hơi thở có chạm xúc, mà không quán vào sự chạm xúc. Quán niệm hơi thở nầy đưa thiền sinh đến chánh niệm vững mạnh và có tuệ giác tri, liền đi ra khỏi hôn trầm ấy ngay.

Mặt khác, trong khi hành thiền sự vi tế của các trạng thái tâm cũng có thể đưa hành giả đến trạng thái vô ký. Nó là một trạng thái tâm lý không phải là tỉnh giác, không phải trạo cử, cũng không phải là hôn trầm mà chỉ hơi ngã về hôn trầm gọi là trạng thái vô ký. Không khéo tỉnh thức và chú ý đến niệm lực thì trạng thái tâm lý khờ khờ mà tâm không có khả năng ghi nhận vì có thể ngỡ là đang tỉnh táo, thiền sinh cần quán niệm tỉnh giác đánh thức mình đi ra khỏi trạng thái ấy ngay, đừng lầm lẫn nó với trạng thái tâm lý lắng đứng, an tỉnh. Vì Vô ký là biểu hiện của si tâm, tướng biểu hiện bên ngoài của hành giả là tướng trơ lặng hay thân tướng lắc lư. Chỉ cần tỉnh giác theo dõi hơi thở vào ra thì tâm lý vô ký lặn mất ngay.

Theo kinh nghiệm của Đức Thế Tôn dựa trên bài Kinh Tứ Niệm Xứ, hành giả cần nhận thức rằng: Với ai khi trú, quán thân trên thân mà hoặc thân sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán hướng ngoại, đó là vị ấy không biết nơi trú, không biết quán thân trên thân, đưa đến kết quả tệ hại; do vậy, vị ấy cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan (trong Tứ Niệm Xứ Kinh ghi nhận đó là: Thắng hỷ: pàmujjam) sinh ra. Người có lòng hân hoan, hỷ sinh ra. Người có lòng hỷ, thân được khinh an. Người có lòng khinh an, lạc thụ sinh. Người có lòng lạc thụ, tâm được định tĩnh. Vị ấy tư sát như sau: “Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui (patisamharàmi) khỏi đối tượng tịnh tín”. Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ. Vị ấy rõ biết: “Không tầm, không tứ, nội tâm chính niệm, ta được an lạc”.

Nghệ thuật nhận diện sự an tịnh của cái thấy và cái biết trong khi hành thiền để làm cho cái tâm trở nên tinh nhuệ chính là sự nhận diện được tác nhân và biết được đối tượng của chúng một cách rõ ràng, tu tập chánh niệm tỉnh giác nhiếp phục tham ưu ở đời.

2.4. Trạo cử

Nếu trong khi hành thiền, thiền sinh không thể dừng tâm vào một đối tượng đã chọn như ý muốn, tâm cứ chạy dài từ đối tượng này qua đối tượng khác, thì đấy là trạng thái tâm lý dao động, hay gọi là trạo cử. Cũng cần biết thêm ở đây là có khi thiền sinh không thể nhận rõ được năm thiền chi (ở đây là thiền chi Lạc, vì nhờ Lạc đối trị được Trạo cử), là vì lúc đó, thiền sinh vẫn còn bị các triền cái (nivarana) ngăn che trong giai đoạn này đó là trạo cử. Trạo cử là một tâm lý, gây trở ngại, ngăn cách với Thiền định. Nó là một tâm hành tiêu tốn nhiều năng lượng, vì nó diễn ra bên trong các hoạt động của tâm lẫn sự khuấy động của thân, thiền sinh cần nỗ lực vượt qua trạng thái tâm lý này.

Khi vừa nhận ra mình đang trạo cử, liền dừng suy tư, để sự chú ý theo dõi hơi thở vào ra một cách chuyên chú cho đến khi cảm thấy vừa ổn và nhận biết hơi thở một cách rõ ràng, tâm ghi nhận các hoạt động của hiện tại có mặt thiền sinh nhận diện sự có mặt của trạo cử; đến đây, thiền sinh có thể tiếp tục theo dõi hơi thở, Thiền chỉ hay trở ngại tư duy nếu thấy cần thiết. Lúc này, niệm lực của chánh niệm đã trở về lại, làm cho hành giả ý thức, ghi nhận được sự lay động của thân tâm. Với những ai bị dao động nhiều bởi tư duy lúng túng của mình, thì chỉ nên theo dõi hơi thở hay hành Thiền chỉ trong một thời gian khá lâu trước khi có thể đi vào Thiền quán, hay chỉ quán song tu.

Đến đây, niệm lực và tâm ghi nhận vẫn chưa mạnh mẽ, dẫn đến sự xuất hiện của tâm hành vi tế trạo cử bên trong dòng tâm thức. Khi kiểm soát được sự trạo cử thô bên ngoài hành giả trở về đề mục thiền định, những lo nghĩ, ưu tư của khởi lên tìm cách đi ra khỏi các kiết sử (thân, kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh) là một hình thức trạo cử vi tế bên trong tâm hành. Theo như Kinh Đại Niệm Xứ thì trạng thái tâm lý trạo cử nào dù thô hay tế cũng chướng đạo, cũng ngăn che giải thoát cả, hành giả cần nhiếp tâm chánh niệm, tỉnh giác để đi ra. Theo dõi một cách chuyên chú vào hơi thở vào ra, đình chỉ các ý niệm lao xao và chánh niệm tỉnh giác là biện pháp đối trị trạo cử một cách hữu hiệu.

Một lối sống thiểu dục, tri túc và biết ơn trong đời sống hàng ngày giúp ích nhiều cho việc hành thiền và cắt đứt trạo hối. Sự trạo cử do lương tâm cắn rứt là vì hành nghiệp của lối sống không giới đức, các thiền sinh tập sống tử tế, khôn ngoan và dịu dàng sẽ làm cho thực lực của hỷ lạc nhanh chóng có mặt trong lúc hành thiền. Một người không có đạo đức hoặc sống buông lung thì không thể nào có được các kết quả sâu sắc trong khi hành thiền.

Nuôi dưỡng và biết trân quý giây phút hiện tại chính là nghệ thuật của sự biết ơn. Lòng biết đủ và biết quý trong lúc này giúp cho thiền sinh nhận diện được thiền chi Lạc thiền, là thiền lực trong giai đoạn tiếp theo cho mỗi hành giả đoạn trừ sự lang thang trôi nổi.

2.5. Nghi ngờ

Vì sao thiền sinh hành thiền lúc thì biết rằng thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát; nhưng có lúc cũng nghĩ rằng không biết tu tập sẽ được gì, đó chính là sự xuất hiện của Nghi triền cái. Sự nghi ngờ ngăn che và vây phủ tuệ tri của thiền giả. Vì không nhận ra được mục tiêu và con đường của hành thiền nên hành giả không thể nào có sự tập trung tư tưởng. Một câu hỏi được đặt ra: Lý do tại sao nghi ngờ triền cái có mặt? Vì trong quá trình học Pháp, nghe Pháp và hành Pháp thiếu vắng sự tư duy chân chánh và Chánh kiến về Pháp; chỉ khi nào có Chánh kiến và nếm được Pháp vị thắng hỷ, tức là tịnh tín, hân hoan (đã được Đức Phật đề cập trong Tứ Niệm Xứ Kinh), lưới nghi sẽ được tháo bỏ.

Khi hành giả nhận diện được nghi ngờ triền cái đó chính là lúc sự từ bỏ đến ngay sau khi thấy rõ sự nguy hiểm của những gì đang trói buộc tâm thức chúng ta. Sự phát triển tư duy chân chánh và Chánh kiến có mặt cao lớn hơn lại đến ngay sau sự từ bỏ các ý niệm và hiện tại đang là. Trong lúc này, thiền sinh an trú tâm vào đối tượng và đi sâu, suy xét kỹ đối tượng, nhờ đó không còn nghi hoặc. Tâm cần quán sát và ghi nhận rằng sự tư duy được kéo dài ra hay tư duy được duy trì tức là sự có mặt của thiền chi Tứ; nhờ sự duy trì liên tục lên đối tượng, trú trên đối tượng nên niệm lực được rõ ràng và dứt trừ lưới nghi.

Trong khi hành thiền, nghi ngờ hoàn toàn tan biến khi tâm thức có đối tượng để ghi nhận, tin tưởng vào sự vắng lặng là không còn gây rối loạn với các đối thoại, tạp niệm bên trong. Kinh nghiệm của tuệ tri chỉ ra rằng những gì hiện hành ra bên ngoài hoặc trong tâm thức chính là kết quả của sự thấy sâu sắc cái nguy hiểm của cảnh giới vừa đi ra. Nghi ngờ cũng có tướng trạng của một quá trình của các khía cạnh vô thường, quan trọng là sự ghi nhận sự biểu hiện của các tâm hành trong giây phút hiện tại. Hành giả không mệt mỏi, bước đi những bước đi đầy tỉnh giác, hứng khởi, an tịnh và giải thoát trên con đường thiền định.

Ở giai đoạn này, hành giả cần có sự học Pháp một cách sâu sắc, bằng cách học và thực tập hai chi phần quan trọng trong Bát chánh đạo, đó là Chánh kiến và Chánh tư duy để nhận ra được sự an tịnh và giải thoát. Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo, Đức Phật định nghĩa Chánh tri kiến và Chánh tư duy như sau: “Thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy”.

Ứng dụng hai chi phần này trong lúc hành thiền tức là thiền sinh cần ổn định dứt khoát rằng pháp Niệm hơi thở vào hơi thở ra tự nó đã là pháp đối trị với các thứ vọng động, loạn tưởng (theo như kinh nghiệm của Đức Thế Tôn trong bài Kinh Tứ Niệm Xứ); đó chính là chánh niệm, pháp tu ấy dẫn đến định, có nghĩa là đi ra khỏi mọi thứ loạn động, loạn tưởng.

Nghệ thuật của sự an lạc và hạnh phúc chính là sự ghi nhận và buông xả. Nói cách khác, buông xả là buông xả tham ái và chấp trước mọi pháp được tác thành, được làm ra. Không còn nghi ngờ gì nữa hành giả đang bước đi trên con đường đạo, con đường đó là sự tự do đích thực.

3. Kết quả và lợi ích

Thực tập thiền định bằng phương pháp Quán niệm hơi thở là phương pháp đi thẳng vào tâm thức bằng nghị lực và ý chí của chính mình. Đó là con đường của sự nhận diện các tâm hành trong giây phút hiện tại, nó rất thiết thực và rất hiện tại. Khi tham dục và chấp thủ được buông xả, định lực và tuệ giác tự có mặt. Một khi từ bỏ năm triền cái và duy trì được sự an định này trong khoảng thời gian đủ dài thì thiền sinh sẽ vào Cận định (upacāra); và sẽ vào An chỉ định (appanā) khi đã làm cho sung mãn (phát triển dồi dào) năm thiền chi: tầm (duy trì tỉnh thức nơi đối tượng), tứ (an trú vững chắc nơi đối tượng), hỷ (hân hoan, vui mừng), lạc (an lạc), và nhất tâm (an định). Thiền sinh không thể nhận rõ được năm thiền chi trên, là vì lúc đó thiền sinh vẫn còn bị các triền cái (nivarana) ngăn che. Thiền sinh phải xét duyệt từng triền cái một, để xem chúng còn vương vấn trong tâm trong lúc hành thiền hay không. Chúng cần phải được loại bỏ thì việc đắc thiền mới thành tựu.

Chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm tu tập đối tượng của thiền một bài học vô vàn quý giá rằng: nếu hành giả luôn luôn giữ chánh niệm tỉnh giác trên ý nghĩa như thật của các đối tượng; chúng có tướng trạng, chúng vô thường và tướng trạng đó luôn luôn không có tự ngã, chúng tập nghiệp khổ đau, hành giả sẽ vượt nhanh qua được các ngăn cản trong Thiền định, sẽ hoàn toàn đoạn trừ được các cảm thọ lạc, khổ và các tưởng đi đến các cảm thọ lạc, khổ, sẽ hoàn toàn được tịnh chỉ.

Một kết quả thiết thực trong việc đối trị năm triền cái đó là việc tu tập nằm ở chỗ an trú trong chánh niệm về Khổ, Vô thường, Vô ngã của các pháp để xả ly tham ái và chấp thủ. Nghệ thuật của hạnh phúc là sự giải thoát khổ đau có mặt ngay trong sự buông xả.

TK. Giác Chinh