Bậc thầy trị liệu tâm lý vĩ đại
Nhiều người lý giải Phật giáo như một tôn giáo giàu triết lý và có nhiều tín đồ từ thời cổ đại. Ngày nay, Phật giáo là một kho tàng phương pháp trị liệu thực tiễn theo nghĩa phổ thông và được nhiều người áp dụng để chữa lành những vấn đề tâm lý đang nổi cộm hiện nay.
Đức Phật đã dạy và áp dụng một hệ thống trị liệu vô cùng vĩ đại. Trong đó, Ngài thực sự là một nhà trị liệu tâm lý có một không hai trên cuộc đời này. Tâm lý trị liệu ở đây có nghĩa là chữa lành các rối loạn cảm xúc, hành vi và nhân cách của con người chủ yếu dựa vào lời nói hoặc những thể hiện phi ngôn ngữ.
Chúng ta phải công nhận rằng không ai có thể vượt qua Ngài ở khía cạnh này, bởi Ngài đã giúp vô số người vượt qua căng thẳng, điên loạn, các vấn đề về tâm lý, giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh cũng như tạo sự hòa hợp cho nhiều cộng đồng. Hơn thế nữa, những phương pháp của Ngài đem đến cho nhân loại hạnh phúc đích thực và tối thượng, không phải loại thú vui tạm bợ tầm thường từ những lạc thú trần gian. Sự tu tập theo con đường Phật giáo không những chữa lành những vấn đề tâm lý ngay trong đời này mà còn tạo ra niềm hạnh phúc và an lạc cho tương lai.
Trong ngành tâm lý học hiện đại, vào năm 1901, Tiến sĩ Sigmund Freud, nhà tâm lý học đưa ra phương pháp tiếp cận tâm động học đối với tâm lý học, đã xem xét các động cơ vô thức để giải thích hành vi của con người. Ông đã giới thiệu liệu pháp nổi tiếng mang tên Phân tâm học nhằm điều trị các vấn đề của bệnh nhân bằng cách thảo luận với họ về những trải nghiệm trong quá khứ, bởi những điều này có thể dẫn đến các vấn đề bệnh lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của họ trong thời điểm hiện tại.
Sau khi thu được những dữ liệu cần thiết, thì những hành động và lựa chọn của người đó trong hiện tại và tương lai đều có thể lý giải và dự đoán được. Phương pháp phân tâm học cũng cố gắng đi đến tận cùng gốc rễ và nguyên nhân của vấn đề thông qua việc phân tích mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa bệnh nhân và bác sĩ trị liệu.
Không cần đến những phương pháp kỹ thuật hiện đại, từ thời xa xưa cách đây hơn 26 thế kỷ, với sự chứng ngộ của mình, Đức Phật đã phân tích kỹ lưỡng và tìm ra nguyên nhân cũng như gốc rễ sâu xa của phiền não và lậu hoặc, những thứ khiến cho nhân loại khổ đau từ đời này sang đời khác, sau đó “điều trị” thành công và triệt để các căn bệnh tâm lý đặc biệt và đem đến sự giải thoát hoàn toàn đối với tâm trí của con người.
Ở mức độ cao hơn, để trị liệu triệt để cho đối phương, Ngài còn thấy được cả những kiếp trước của mỗi người. Liệu pháp như vậy hiện nay còn được gọi là phương pháp hồi quy; với phương thức này, bệnh nhân có thể hoàn thành những trải nghiệm đau thương trong quá khứ và kích thích cảm xúc mà ở mức độ vô thức vẫn chưa giải quyết được.
Ngày nay, liệu pháp tìm lại kiếp trước rất phổ biến ở phương Tây, bởi nó cho phép bệnh nhân giải quyết các vấn đề trong quá khứ trong môi trường trị liệu bằng các phương pháp lâm sàng. Nhà trị liệu nổi tiếng với việc áp dụng phương pháp này là Edgar Cayce, người đã thực hiện hơn 14.000 lần đọc ký ức của người khác trong vòng 43 năm. Edgar Cayce đã thể hiện khả năng kỳ lạ là đưa mình vào một kiểu thôi miên nào đó và ông có thể trả lời các câu hỏi của bệnh nhân về các vấn đề của họ.
Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy) hoạt động dựa trên việc đạt được cái nhìn sâu sắc về những cảm xúc nảy sinh trong vô thức và chủ yếu tập trung vào những suy nghĩ, giả định và niềm tin. Liệu pháp cảm xúc hợp lý (Rational Emotive Therapy) của Albert Ellis là một ví dụ về liệu pháp nhận thức. Theo đó, Ellis xem những cảm xúc mạnh mẽ là kết quả của sự tương tác giữa các sự kiện trong môi trường cũng như niềm tin và mong muốn của đối phương.
Theo quan điểm của Phật giáo, đau khổ không bắt nguồn từ những sự kiện hay tác động bên ngoài, mà là do tâm thức, thái độ và phản ứng của chúng ta đối với tác nhân bên ngoài. Thế nhưng phải đến năm 1953, nhà tâm lý học Albert Ellis mới tìm ra phương pháp trị liệu định hướng hành động của mình – liệu pháp cảm xúc hợp lý (Rational Emotive Therapy), một phương pháp cũng tương tự như những gì Đức Phật đã tuyên bố trước đó. Theo Ellis, không phải sự kiện gây ra đau khổ mà chính là niềm tin của thân chủ. Cảm xúc đau khổ của một người thực sự là do những suy nghĩ tiêu cực của họ khi đối mặt với những sự việc bên ngoài. Hơn nữa, những đánh giá không thực tế về trạng thái căng thẳng bắt nguồn từ các giả định phi lý.
Ngoài ra, bác sĩ tâm thần Aaron T Beck – người phát triển liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavior Therapy) đã nhấn mạnh những tác động của biến dạng nhận thức đối với chứng trầm cảm và lo âu. Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) là một trong những định hướng chính của tâm lý trị liệu và đại diện cho phương pháp can thiệp tâm lý đặc biệt vì nó xuất phát từ các mô hình tâm lý nhận thức và hành vi của con người.
Trong quá khứ, Đức Phật đã sử dụng nhiều loại “liệu pháp nhận thức” để chữa lành cho những người gặp các vấn đề lớn về mặt tinh thần. Trong câu chuyện về Kisagotami, Đức Phật đã sử dụng một phương pháp nhận thức hành động để đem đến một cái nhìn sâu sắc cho người mẹ trẻ mất đi đứa con trai nhỏ của mình. Tâm can của cô đã bị dằng xé bởi khổ đau và nuối tiếc. Cô đến gặp Đức Phật và mang thi thể của con trai đến để xin Đức Phật phương thuốc hồi sinh.
Đức Phật bảo cô hãy xin một hạt cải từ gia đình không có người mất. Kisagotami đi hết nơi này đến nơi khác nhưng cô không thể tìm thấy một ngôi nhà nào mà chưa có người qua đời. Vì vậy, cô dần dần có được cái nhìn sâu sắc và ý nghĩa của cái chết. Cô nhận ra cái chết là hiện tượng không thể tránh khỏi trên cuộc đời này. Và sau đó, cô trở thành một Tỳ-kheo-ni, tu tập và chứng quả A-la-hán ngay trong đời này.
Ngoài ra, Đức Phật còn sử dụng “phương pháp Socrates” để giảng dạy giáo lý của mình. Socrates (470-399 trước Tây lịch) là một triết gia người Hy Lạp, người đã đặt câu hỏi cho các học trò trong một cuộc tìm kiếm chân lý không ngừng nghỉ. Ông tìm cách để hiểu nền tảng quan điểm của học trò và đồng nghiệp bằng cách liên tục đặt câu hỏi cho đến khi mâu thuẫn được phơi bày, từ đó chứng minh giả định ban đầu là sai lầm. Đây được gọi là phương pháp Socrates.
Đối với những trường hợp đặc biệt như kẻ sát nhân Angulimala, ông hét lên yêu cầu Đức Phật dừng lại, thì Ngài đã quay lại và nói với Angulimala rằng, Ngài đã dừng lâu rồi và chỉ có Angulimala là chưa chịu dừng lại. Chỉ một vài từ như thế đã tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức trong tâm trí của Angulimala. Ông nhận ra rằng Đức Phật đã dừng lại nghĩa là Ngài đã dừng tạo tác nghiệp bất thiện từ lâu, và bây giờ là lúc để Angulimala từ bỏ những hành động sát hại của mình. Từ đó, ông vứt bỏ vũ khí của mình và trở thành một nhà sư.
Hay trường hợp của Patachara, một người phụ nữ trở nên điên loạn, một loại phản ứng căng thẳng cấp tính theo ngôn ngữ của tâm lý học hiện đại, khi chứng kiến cái chết của chồng, hai đứa con và cha mẹ của mình trong một thời gian ngắn ngủi. Bà gặp Đức Phật với một tâm trí hoàn toàn rối ren. Sau khi giúp bà có ý thức trở lại, Đức Phật đã giải thích ý nghĩa thực sự của đau khổ và bản chất của vô thường để chữa lành vết thương tâm lý của bà.
Câu chuyện về Patachara tiết lộ một trường hợp nghiên cứu xuất sắc về tư vấn sang chấn tâm lý. Phương pháp này đưa ra sự trợ giúp thiết thực, hiệu quả cũng như cung cấp các kỹ năng để quản lý hồi tưởng, ký ức đau buồn, lo lắng và bất an. Trên thực tế, Đức Phật đã sử dụng hầu hết các phương pháp đã đề cập ở trên để giúp Patachara chữa lành những sang chấn tâm lý nặng nề của chính mình.
Trong giáo lý của Đức Phật, thiền định có một vị trí đặc biệt đối với con đường tâm linh của Phật giáo. Thiền định Phật giáo là một quá trình làm lắng dịu tâm thức và hướng đến nhận thức trực tiếp. Do đó, mục đích của phương pháp này là đạt được trí tuệ về các chân lý phổ quát. Thiền Vipassana của Phật giáo mang lại sự chứng ngộ về vô thường, khổ và vô ngã. Thiền rải tâm từ là một cách hoàn hảo để đối trị tâm sân giận. Nói chung thiền giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Ngày nay, nhiều trung tâm trị liệu tâm lý ở phương Đông và phương Tây sử dụng thiền tập như một phương thức trị liệu cho hầu hết các vấn đề tâm lý khác nhau.
Tâm lý trị liệu hiện sinh là một hình thức điều trị các vấn đề tâm lý nhằm mục đích nâng cao kiến thức về bản thân. Trong giáo lý của Đức Phật, chủ nghĩa hiện sinh được mô tả rộng rãi. Phật giáo đưa ra những câu hỏi về đạo đức và bản chất của sự tồn tại của chúng ta. Mục tiêu của liệu pháp hiện sinh là để giúp mọi người trở nên trung thực và hiểu rõ bản thân nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn về các vấn đề của tự thân và thế giới xung quanh, đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai trong khi rút ra bài học từ quá khứ và tạo ra điều gì đó có giá trị cho cuộc sống trong hiện tại. Ngoài ra, thiền tập còn giúp khám phá các khía cạnh thể chất, xã hội, tâm lý và tinh thần của con người.
Đức Phật là một nhà trị liệu tâm lý vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Các phương pháp trị liệu của Ngài đã giúp ích cho hàng triệu người trong suốt nhiều thế kỷ. Ngày nay thế giới phương Tây đã nhận ra bản chất tâm lý của Phật giáo. Nhiều hệ thống tâm lý trị liệu ở phương Tây bắt đầu nghiên cứu các phương pháp chữa lành từ lời dạy của Đức Phật. Ngài đã thể hiện sự đồng cảm và chấp nhận mà không phán xét đối với tất cả những ai đến với Ngài.
Qua mỗi lần gặp gỡ, Ngài đã giúp mọi người có được tuệ giác và giúp phát triển chánh niệm cũng như loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, phiền não và khổ đau cho đối phương. Phương pháp trị liệu của Ngài là đặc biệt hiệu quả và có thể được áp dụng cho con người trong mọi thời đại.