Vô thường – con đường đưa đến tuệ giác

Vậy vô thường là gì? Trong cuộc sống này, nhờ có vô thường mà có sáng, có trưa, có chiều, có tối, rồi có một ngày cho đến một tháng, một năm, mười, hai mươi năm. Nhờ vô thường, đứa bé sanh ra đời rồi lớn lên, trưởng thành chứ không đứng yên một chỗ.

Nhờ vô thường mà chúng ta gieo hạt lúa, hạt bắp xuống thửa ruộng thì có lúc mình gặt hái được để có cái ăn. Rồi quý vị thử nghiệm lại, trong cuộc đời này quý vị khóc nhiều hay cười nhiều? Khóc nhiều. Nhưng nhờ vô thường mà có lúc chúng ta buồn, khóc nhưng khi hết buồn, hết khóc rồi thì có những lúc chúng ta lại vui. Nếu không nhờ vô thường chắc quý vị khóc suốt luôn, tức là nhờ có vô thường mà những vết thương sẽ lành trở lại, những nỗi đau trong cuộc đời này được xoa dịu. Như vậy, chúng ta thấy vô thường chính là sự biến đổi. Cho nên cuối cùng chúng ta phải cảm ơn sự vô thường. Thấy rõ được bản chất vô thường thì cuộc đời mình sẽ vui, không còn thấy đau khổ như ngày xưa.

Bây giờ quý vị thử trả lời câu hỏi: “Pháp vô thường này là có sẵn hay do Đức Phật tìm ra, phát minh ra?”. Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn như cái ly này, trước khi Đức Phật ra đời, nếu tôi liệng cái ly này xuống đất thì nó có bể không? Bể. Mà đến khi Đức Phật ra đời, lấy cái ly này liệng xuống cũng bể. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, cái ly này liệng xuống cũng bể. Như vậy, cả ba thời bản chất của nó đều là vô thường, nhưng vì chúng sanh vô minh nên không thấy, vì không thấy nên sanh chấp ngã về thân, chấp ngã về tâm, từ đó chịu khổ. Nhờ Đức Phật ra đời, giác ngộ, thấy được các pháp là duyên sinh, duyên khởi nên chỉ dạy cho chúng ta để chúng ta thoát khổ. Quý vị nghe nói nhiều về vô thường, nói đến vô thường thì ai cũng biết nhưng thực sự chưa thâm nhập lý vô thường, không hiểu hết được bản chất của vô thường nên khi cảnh đến vẫn khổ.

Một lần sau khi nghe về tính Duyên Khởi, thầy A Nan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, con thấy pháp duyên sinh, duyên khởi mà Thế Tôn nói thật hay mà cũng thật đơn giản và dễ hiểu”.  Phật bảo: “Đừng nói như thế, đừng nói như thế, A Nan. Pháp duyên sinh duyên khởi đó rất sâu sắc và nhiệm mầu, ông chưa hiểu hết đâu. Người nào thấy được tính duyên khởi tức là thấy được Như Lai”. Chúng sanh sở dĩ chìm đắm trong biển khổ, trong tranh đấu hơn thua là vì không biết, không thâm nhập và chứng nghiệm được tính duyên sinh duyên khởi của các pháp nên bị ác ma dẫn vào con đường ác, giống như con thú bị vòng xích quấn vào cổ, ông chủ muốn dắt đi đâu cũng được.

 

Chúng ta thấy vô thường chính là sự biến đổi. Cho nên cuối cùng chúng ta phải cảm ơn sự vô thường.

Chúng ta thấy vô thường chính là sự biến đổi. Cho nên cuối cùng chúng ta phải cảm ơn sự vô thường.

Do đó, Thiền sư Huyền Giác dạy:

Buông bốn đại đừng nắm bắt

Trong tánh vắng lặng tùy ăn uống

Muôn vật vô thường thảy thảy không

Đó tức Như Lai đại viên giác.

Có nghĩa là nếu chúng ta thâm nhập được vô thường thì tuệ giác phát sinh, cuộc đời này chuyện đến chuyện đi, chuyện còn chuyện mất nhưng không ảnh hưởng gì đến tâm của mình hết.

Trong Kinh A Hàm kể lại câu chuyện như thế này: Một thời Thế Tôn ở thành Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Độc, buổi sáng Thế Tôn đang trên đường đi khất thực thì có một Tỳ kheo tên là Ba bi ca, đến trước Thế Tôn nói:

– Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn hiện hữu trong cuộc đời này rất là khó gặp, sẵn đây Thế Tôn chỉ dạy cho con một pháp yếu để con tu tập.

Phật bảo:

– Này Tỳ kheo, ông phải nói chuyện cho đúng thời. Ta đang đi khất thực làm sao chỉ dạy. Sau khi ta khất thực, thọ trai xong, ta sẽ chỉ dạy pháp yếu cho ông.

Thầy Tỳ kheo hỏi ba lần như thế, Thế Tôn cũng đều đáp lại ba lần như thế. Cuối cùng, Thầy Tỳ kheo nói:

– Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn có từng dạy các vị Tỳ kheo cuộc đời này là vô thường phải không?

Đức Phật xác nhận:

– Đúng, ta có dạy như vậy.

– Nếu như đợi Thế Tôn thọ trai xong mới về chỉ dạy cho con, biết đâu giữa đường con bị bò húc chết thì làm sao con học.

Đức Phật nghe ông nói có lý, không đi khất thực nữa mà ra chỗ gốc cây ngồi an tọa. Thầy Tỳ kheo Ba bi ca quỳ xuống nghe pháp yếu. Thế Tôn nói một bài pháp thế này: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe”.

Ngay lúc đó ông chứng quả A la hán.

Tức là trong cái thấy chỉ là cái thấy thôi, nhưng chúng ta đâu có chịu như vậy đâu. Mình thấy cái ly này rồi nhưng phải thêm, mà quý vị thêm nhiều hay ít? Nào là cái ly này đẹp thật, mua ở đâu, giá bao nhiêu…rồi thấy người ta nói chuyện riêng với nhau mình cũng để ý xem người ta có nói gì mình không? Thêm rất nhiều cho nên mất đi cái thực tại trong giờ phút đó

Sau khi Ngài chứng A la hán rồi thì quả nhiên trên đường đi, Ngài bị một con bò húc chết tại chỗ. Sau khi chết, thần thức Ngài thể nhập vào cảnh giới Niết Bàn. Đức Phật sai Tôn giả A Nan thiêu và sau đó dựng tháp thờ xá lợi của Ngài. Tôn giả A Nan thắc mắc vị này chưa chứng quả vô sanh sao lại xây tháp, Phật mới kể lại câu chuyện vị Tỳ kheo chứng quả A la hán nhờ thấy được bản chất các pháp là vô thường. Qua đó để thấy nếu như chúng ta thấy được bản chất các pháp là vô thường rồi thì tự nhiên thấu thoát, buông rất dễ.

Tổ Quy Sơn dạy: “Vô thường già và bệnh không hẹn với người, sớm còn tối mất, chỉ một sát na có thể từ đời này chuyển qua đời khác”.

Có khi nào vô thường hẹn với quý vị không? Không. Nhìn quý vị tôi thấy lá thư thứ hai Diêm Vương đã gửi tới rồi đó (tức là tóc bạc).

Trong Kinh Pháp cú có kể câu chuyện: Vua trời Đế Thích khi năm tướng lìa thân, biết mạng mình sắp chết, sau khi chết sẽ đầu thai làm con lừa tại nhà ông thợ đồ gốm vì đã hưởng hết phước nên rất buồn. Một vị Thiên tử khuyên Đế Thích đến gặp Phật Thích Ca Mâu Ni xin quy y. Đế Thích bèn hướng về Phật Thích Ca quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Sau khi quy y xong, ông chết, thần thức vào bụng con lừa nhưng nhờ năng lực quy y Tam Bảo nên sáng hôm sau, ông thợ gốm nổi sân lấy cây gậy đập con lừa làm cho nó bị sẩy thai. Do vậy, thần thức thoát ra trở lại thân cũ. Sau khi trở lại thân cũ, Trời Đế Thích mừng quá xuống đảnh lễ Phật, Phật nói: “Nhờ ông hướng đến Tam Bảo cho nên ông mới thoát nghiệp súc sanh”, và nói bài kệ:

Các hành vô thường

Gọi pháp thịnh suy

Vừa sanh liền chết

Diệt ấy là vui

Thí như nhà gốm

Vừa nặn thành đồ

Tất cả đều bể

Mạng người cũng thế.

Do đó, trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật dạy:

Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp.

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt quy lạc.

“Một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời không ngộ vạn đời sầu”.

“Một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời không ngộ vạn đời sầu”.

Có nghĩa là các hành vô thường là pháp sanh diệt, mà cái sanh diệt này diệt rồi thì cái tịch diệt là vui. Đây là nói về chỗ công phu, có nghĩa là thấy các pháp vô thường, chẳng hạn ngồi thiền thấy từng niệm, từng niệm là vô thường, mà từng niệm lặng rồi thì tịch diệt là vui. Tức là cái biết thì không có sanh không có diệt, nó viên mãn, tròn đầy nhưng chúng ta luôn luôn đồng hóa nó với cái pháp vô thường này. Chẳng hạn như cái ly bằng ngọc, nếu lỡ rớt xuống thì chúng ta buồn, khổ bởi vì chúng ta đồng hóa cái ly này của mình mà không nhận diện được còn một ông chủ bên trong là cái tánh biết. Sống với cái tánh biết thì hết khổ. Đây gọi là tịch diệt là vui.

Vua Trần Thái Tông có một bài kệ, trong đó có hai câu:

Vạn sự nước trôi nước

Trăm năm lòng nhủ lòng.

Tức là muôn sự ở thế gian này đều trôi đi như dòng nước, và chúng ta sống trên cõi đời này mấy chục năm phải luôn nhắn nhủ với lòng mình là mình làm được gì cho mình và cho người khác, mình có làm gì cho người khác phải đau khổ hay không?

Cho nên một hôm Khổng Tử đứng trước dòng sông Dịch Thủy nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”, có nghĩa là “Chảy mãi, chảy mãi ư. Ngày đêm không ngừng nghỉ”. Quý vị nghiệm lại có thấy tâm mình chảy suốt, không ngừng nghỉ không? Ngay cả ngồi đây mà tâm mình có khi chạy đâu đâu.

Tuệ Trung Thượng Sĩ có làm một bài thơ “Khuyên đời vào đạo” như sau:

 

Thời tiết xoay vần xuân lại thu

Xanh xanh tuổi trẻ đã bạc đầu

Giàu sang nhìn lại một trường mộng

Năm tháng ôm suông muôn hộc sầu

Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh

Sông yêu chìm nổi tợ bọt chìm.

Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi

Muôn kiếp duyên lành chỉ thế thôi.

Được làm người là rất quý, lại được gặp Tam Bảo, có cơ hội thoát khổ sanh tử luân hồi đã chịu từ bao kiếp thì tại sao chúng ta không chịu chuyển hóa tâm thức của mình? Trăm ngàn kiếp chúng ta mới gặp được Phật pháp, nếu như quý vị tưởng dễ là lầm, một khi mất thân người thì muôn kiếp khó mà gặp được. Cổ đức nói: “Ngàn năm cây sắt trổ hoa còn dễ, một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại”.

Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Thân như hơi thở ra vào mũi

Đời tợ mây trôi đỉnh núi xa

Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng

Nào phải tầm thường qua một xuân.

Vầng trăng sáng tức là tâm thanh tịnh chân thật, tĩnh lặng, rỗng suốt, ngay chỗ động tịnh mà chúng ta thấu thoát được thì không uổng một kiếp người. Nhờ biết được các pháp vô thường, chúng ta mới có sức định tĩnh, tự tại trong cuộc đời. Cho nên cổ đức có nói: “Một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời không ngộ vạn đời sầu”.

Tế Công đời nhà Tống có làm bài thơ về sự vô thường:

Tiếc thay người đời chẳng biết không

Mê hoa đắm rượu tỏ anh hùng

Nhọc nhằn rốt cuộc về chầu Tổ

Số hết đến kỳ rũ tay không

Khéo léo nào hơn mèo bắt chuột

Thời gian thấm thoắt tựa tên bay

Thảng như lực kiệt tinh thần hết

Thây chết đành vùi chốn huyệt sâu

Suy đi nghĩ lại tỏ tường

Nam kha giấc mộng cũng dường ấy thôi

Trăm năm cuộc thế xoay vần

Lên voi xuống ngựa cũng nhọc nhằn thôi

Tỉnh ra nào có ai đâu

Vui buồn cảnh mộng chỉ là rỗng không.

Thích Đạt Ma Khế Định