Thiện ác nương nhau như bóng theo hình
Trong kinh Lương Hoàng Bảo Sám có một câu: “Ngày nay đại chúng trong đạo tràng thấy rõ thiện ác nương nhau như bóng theo hình, như vang theo tiếng.” Lời Phật dạy thâm sâu nhiệm màu khiến hàng đệ tử cần lắng lòng quán niệm để khơi mở tầng lớp ý nghĩa của câu nói.
Thường nghe “Nhân quả nghiệp báo bám sát nhau”; nghĩa tổng quát là nếu ta gieo nghiệp thiện, ta sẽ nhận quả lành, nếu gieo ác nhân, chắc chắn không tránh khỏi quả xấu. Nhân thiện – quả lành; nhân ác – quả xấu tưởng như hai đường thẳng không điểm chung. Ấy vậy mà khi đi sâu nghiên cứu giáo lý, Phật lại dạy thêm “thiện ác nương nhau” không rời, đệ tử tự thẹn trí tuệ thấp kém, nên xin nghiền ngẫm để sáng tỏ ý Phật, không còn hoài nghi.
Nền văn minh nhân loại ghi nhận nhiều quan niệm về hai mặt thiện – ác của con người. Mạnh Tử của Nho gia cho rằng bản tính con người là thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện). Ngược lại, Tuân Tử cũng là nhà tư tưởng Nho giáo lại chủ trương con người vốn sinh ra là ác, chẳng qua nhờ giáo dục, rèn giũa mới đỡ xấu ác đi thôi (Nhân chi sơ tính bản ác). Có một quan điểm khá bi quan của một nhà triết học phương Tây, nói bên ngoài nhìn thấy đức tính tốt đẹp, thế nhưng nhìn sâu vào bên trong, thì thấy cái ngã trong ấy, vì ai cũng chỉ biết vì bản thân mình thôi.
Mặt khác, Lão Tử của Đạo giáo lại thấy bản tính con người không thiện cũng không ác, mình hướng nó về đâu nó sẽ xuôi theo về nấy. Đây là một điểm tương đồng với tư tưởng đạo Phật.
Các nhà Duy Thức Học Phật giáo cho rằng con người khi sinh ra thì tính là vô ký:
Nhân chi sơ
Tính vô ký
Phi thiện ác
Danh tàng thức
Nhất thiết chủng
Gia nhiếp tàng
Vạn pháp bổn
Thiện ác tường
Duy Thức Học có một khái niệm là Tàng thức. Tàng là lưu giữ, tàng thức có chức năng lưu lại và giữ cất tất cả trải nghiệm và ý niệm của con người qua mỗi kiếp sống, gọi là chủng tử, cũng là các hạt mầm nghiệp. Nhân sinh bao nhiêu lần luân hồi thì tàng thức bấy nhiêu lần thu gom và lưu cất những chủng tử thiện ác lẫn lộn.
Nhà Phật hay lấy ví dụ bản tâm con người là một vườn ươm, vì thật sự tàng thức là một khu vườn khổng lồ với vô số vô lượng những hạt giống nghiệp, thiện có ác có tích luỹ từ muôn kiếp quá khứ. Những hạt giống nghiệp này khi con người tái sinh sẽ chờ đợi nhân duyên để hiện thành tư tưởng. Tư tưởng nẩy mầm từ hạt giống thiện sẽ thành thiện nghiệp, tương tự, hạt giống ác nếu đủ duyên sẽ thành ác nghiệp ở đời sống mới. Mà mỗi sát na trôi qua lại có 900 lần sự sanh diệt của vọng tưởng.
Bởi vì thiện ác luôn song hành trong bản tâm chúng ta, nên Phật dạy hàng đệ tử phải cẩn thận giữ gìn tâm ý bằng giới định tuệ để phòng hộ thân tâm và đối trị tam độc tham sân si. Trong đời sống, bất kể công việc, hành động, lời nói thường ngày dẫu lúc đầu là thiện nghiệp nhưng quá trình thực hiện mà để tham sân si len vào tâm ý, thì ngay khi ý niệm khởi lên liền trở thành ác nghiệp.
Các trang mạng xã hội thường có những bài tâm sự, xuống các lượt bình luận sẽ thấy rất nhiều những người “chỉ muốn có ý tốt giúp bạn”; “đấy là tôi nghĩ cho bạn nên..” nhưng tuôn ra vô vàn lời khó nghe, dễ gây tổn thương. Thành thật luận nói: “Bất luận nghiệp nào có thể làm cho người khác những điều tốt lành, thì gọi là thiện. Làm cho người khác được vui thì gọi là hảo, cũng gọi là thiện, cũng gọi là phúc”. Như vậy, ý muốn tốt cho người khác là thiện, nhưng lời nói làm đau lòng người lại là ác. Thiện ác nương nhau ở chỗ này, người đệ tử Phật cần tỉnh thức để chớ dính mắc.
Như vấn đề từ thiện, vốn là việc làm mang lợi lạc cho số đông, gieo chủng tử lành. Nhưng nếu người chủ trì có mục đích đánh bóng tên tuổi cá nhân, thì ý niệm ấy bị cái độc tham danh chi phối, dẫn lối ra khỏi chánh nghiệp. Cũng vậy, trong quá trình cứu giúp, lại nảy ra ý định rút ruột làm của riêng, đó là do định lực của họ yếu, bị tiền tài cám dỗ, ngay đó hạt giống ác trong tâm nẩy mầm. Thực tế cho thấy có rất nhiều người kiếm sống bằng nghề từ thiện, đó chính là tà mạng núp bóng cái thiện.
Đôi khi ta hay đọc được những trường hợp có người đem trẻ sơ sinh để ở cổng chùa. Người ta bỏ con là xấu, nhưng họ cũng dằn vặt lương tâm và sợ đứa bé nguy hiểm, họ hết cách, nên họ mới cậy nhờ cổng từ bi. Trong nghiệp ác họ gieo, lại cũng nảy 1 niệm thiện le lói nhỏ nhoi.
Những ví dụ trên, đệ tử không có ý phán xét mà chỉ muốn cùng đại chúng chiêm nghiệm để thấy rõ thiện ác nương nhau như thế nào theo lời Phật. Khi chưa biết, chỉ đơn thuần ngợi khen việc thiện, khinh chê điều ác. Đến khi cẩn thận quán chiếu, trăm sự chốn nhân sinh đều có nhiều mặt, trong thiện ẩn nấp ác niệm, trong nghiệp ác lại thấp thoáng mầm thiện, đan xen vi tế, tầng tầng lớp lớp, chúng ta càng không có tư cách và trí tuệ để phán xét. Điều có thể làm, là nhìn đó mà soi xét chính mình.
Đệ tử giờ mới hiểu, Phật thường dạy, tổ thường nhắc, hoàn cảnh nào cũng luôn giữ tâm ý thanh tịnh bằng thực tập giới định tuệ. Bởi khi tâm xao động, là vọng tưởng liền trỗi dậy, tạo khe hở cho tham sân si xen vào, ngay đó hạt mầm ác liền hội đủ duyên để hiện lên. Càng ngấm lời của Bồ Tát Địa Tạng bạch với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Con xem chúng sanh trong cõi Diêm Phù, khởi tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thoái thất sơ tâm, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng ích. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu”. Niệm niệm không chi là chẳng phải tội, bởi vì thiện ác nương nhau mà thành, giữ tâm thanh tịnh là thiện, xa rời chánh niệm là ác. Hai nẻo chánh tà, thiện ác luôn sát kề song hành, cùng nhau tạo tác nghiệp, tương tục không dứt.
Bài viết có tham khảo các tài liệu:
1. Siêu đạo đức học, Thích Nhất Hạnh, [https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/con-da-co-duong-di/sieu-dao-duc-hoc/]
2. Duy Thức Tam Thập Tụng, Thế Thân
3. Thành Thật Luận, Quyển 8, Phẩm Tam Nghiệp 100 [https://hoavouu.com/p16a2947/quyen-thu-08]
4. Ma Ha Tăng Kì Luật, quyển 17
5. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm 7
6. Wikipedia.org
Quảng Viên