Con trâu tâm

Tâm của chúng ta thường được ví như một con trâu, con ngựa, con vượn (tâm viên ý mã) bởi vì nó hay manh động bay nhảy lung tung, hiếm khi chịu đứng yên một chỗ. Có những con trâu hoang, trâu điên, cũng có những con trâu đã được chăn, được thuần hóa, biết nghe lời người chăn.

Những con trâu hoang, trâu điên thì hay chạy lung tung, húc càn bậy, dẫm lúa mạ, phá cây cối, hại mùa màng.

Những con trâu đã được chăn, đã được thuần hóa thì ngoan hiền, nhu nhuyến, dốc sức cày bừa, làm đất đai tốt tươi màu mỡ. Nhất là không bao giờ chạy nhảy lung tung, phá hoại mùa màng, là hư hại hoa quả cây cối.

Tâm ý của chúng ta mà không được tu tập, không có chánh niệm, không được thuần thục thì nó làm khổ cho bản thân và làm khổ mọi người.

Vì thế cho nên, trong nhà thiền hay tỉ dụ con trâu như là tâm ý của mình cần được tu tập.

Tâm không được nhận diện tu tập như con trâu hoang, trâu điên; tâm được nhận diện và tu tập như con trâu được chăn, được thuần hóa.

Chánh niệm giúp tâm trở nên an tịnh

00

Tâm được tu tập sẽ bớt khổ cho đến hết khổ

Tâm không được tu tập, càng buông lung, càng khổ não

Có nhiều cách tu tâp, rèn tâm, ngộ tâm. Thiền tông chủ trương ngộ tâm thành Phật.

Phương pháp, lộ trình chăn trâu trong nhà thiền được trình bày các bước cụ thê như sau:

1 Tìm trâu (tìm con trâu tâm buông lung của chính mình, bắt đầu tập tu hành, quan sát các trạng thái sinh khởi của trâu tâm).

2. Thấy dấu ( nhận ra dấu vết của trâu tâm)

3. Thấy trâu (nhìn thấy trâu tâm)

4. Được trâu (bắt đầu nắm được trâu tâm)

5. Chăn trâu (Tỉnh giác chính niệm, không để con trâu tâm ý buông lung chạy nhảy lung tung, dẫm đạp phá hoại hoa màu lúa mạ)

6. Cởi trâu về nhà ( trâu tâm thuần thục nhu nhuyến dễ bảo)

7. Quên trâu còn người (vượt qua khỏi ý niệm về đối tượng, về sở duyên)

8. Người trâu đều quên (song vong) vượt qua cả năng sở, không còn vướng vào năng thủ sở thủ, chủ thể, đối tượng)0

9. Trở về nguồn cội (minh tâm kiến tính, tâm hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, giác ngộ)

10. Thỏng tay vào chợ (Tận tâm tận lực giáo hóa cứu độ chúng sinh, mọi người một cách tùy duyên tự tại), như đức Phật sau khi giác ngộ dùng hết thời gian còn lại để giáo hóa chúng sinh.

Khi đạt đến cảnh giới thỏng tay vào chợ tức chỉ cho người tu đã thấu triệt chân tâm Phật tính, đạt tới tự tại giác ngộ, phát huy diệu dụng của tự tính, tùy duyên, tùy tục mà giáo hóa chúng sinh, lợi ích nhân thiên.

Kệ rằng:

Người tu Phật

Chăn trâu tâm

Tìm trâu, chăn trâu

Về nguồn, thấu tính

Độ chúng sinh.

TS.Thích Hạnh Tuệ