Tản mạn về lòng từ bi và tính cách đạo đức thương yêu giúp đỡ người khác

Ở trong cửa Phật, chúng ta thường sử dụng chữ Phật sự, từ bi, hỉ xả… một cách vô tội vạ. Chúng ta cưỡng đoạt và áp đặt chúng. Đánh đồng nội hàm từ bi với thương yêu-giúp đỡ đối tượng.

Những năm tháng ấy gia đình tôi rất nghèo khó, cha tôi mất đi khi người anh cả mới 16 tuổi, đứa em út 2 tuổi, trong một gia đình có 5 anh em. Mẹ phải làm quần quật cả ngày đêm để lo cho anh em đủ ăn đủ học. Ở quê tôi những năm ấy, đi học cấp 3 phải xuống huyện cách xa mười mấy cây số để trọ học. Nhà tôi lúc đó mỗi người chỉ có khoảng 4 bộ đồ cả cũ cả mới. Anh ba tôi mỗi lần đi học gặp người nghèo khó là cho hết tiền bạc và đồ mặc. Ông ở dơ và không khó chịu khi mặc đồ rách, nhưng mẹ tôi thấy con như vậy thì không chịu nổi. Ngăn chẳng biết ngăn làm sao, đành chắt chiu may đồ khác cho ổng. Nhưng ổng vẫn “tính nào tật nấy”, hễ gặp người nghèo khó thì quên hẳn sự vất vả của mẹ. Mẹ tôi khổ càng thêm khổ.

Lớn lên, tôi chứng kiến nhiều người khác, hễ có tiền bạc của cải là đem cho. Cho người khó khăn một cách vô tư, dường như không cầu nhận lại bất cứ điều gì. Thậm chí dành sự thoải mái tiện nghi cho người khác còn mình thì giữ phần thiếu hụt, kham khổ.

Lòng từ bi và tâm giải thoát là cái đẹp không bao giờ tàn hoại

298270455_1805714683112670_5294875293995935661_n

Có nhiều người từ nhỏ sinh ra đã không ăn thịt cá, không muốn sát sanh hại vật. Trọn đời không cố ý sát hại một sinh vật nào.

Có rất nhiều cha mẹ thương con, dành mọi sự ưu ái cho “núm ruột” của mình. Cả cuộc đời của họ đều dồn vào người con thân yêu. Có những người thầy thương trò, tận tụy chỉ dạy mọi điều, uốn nắn những điều sai trái của nó từng li từng tí.

Có vị sư lao tâm khổ tứ, xin chỗ này, mượn chỗ kia, vận động chỗ nọ… làm đủ mọi cách để ngôi chùa được sớm hoàn thành. Vị ấy làm một cách miệt mài, say sưa không biết mỏi mệt để có được ngôi phạm vũ trang nghiêm phục vụ sự tu tập của mọi người xung quanh. Khi công trình, vì một lý do nào đó không hoàn thành nguyện ước của mình, vị sư cũng trở nên đau khổ muộn phiền, thậm chí đến cuối đời vẫn không yên tâm nhắm mắt.

Những sự thương yêu và giúp người như vậy có phải là từ bi không?

Ở trong cửa Phật, chúng ta thường sử dụng chữ Phật sự, từ bi, hỉ xả… một cách vô tội vạ. Chúng ta cưỡng đoạt và áp đặt chúng. Đánh đồng nội hàm từ bi với thương yêu-giúp đỡ đối tượng.

Lòng từ bi chỉ nảy nở thật sự khi tâm ta vắng bóng sự sân hận. Khi ta thực hành rải tâm từ chỉ đơn thuần là ta đang mượn phương pháp của Phật để cứu vớt tâm hồn đau thương của ta chứ chưa phải ta có từ bi gì cả. Chúng ta nghĩ rằng ta ôn hòa, nhẹ nhàng, phớt lờ bỏ qua cái xấu là lòng từ bi của ta lớn mạnh rồi. Ta ngộ nhận. Khi lòng từ bắt đầu phát sinh, nó trước tiên tưới tẩm sự tươi mát đó cho bản thân ta rồi mới đến người khác. Nếu lòng từ bi có tính cách không phân biệt thì trước tiên nó cũng phải đối xử với bản thân nó như một người khác.

Người ta rất khó để hiểu rằng, kẻ tự xác hi sinh mình đem đến lợi ích cho người khác đôi khi chỉ là kẻ ích kỉ nhỏ nhen và ngược lại có những kẻ giết người rất từ bi.

Từ bi không phải muốn mà có được, từ bi cũng không phải do tính cách bẩm sinh mà có được. Một vài tính cách đạo đức nêu trên chỉ là nấc thang trên lộ trình tâm linh mà thôi. Nó có kì vĩ hơn một số tính cách khác, nhưng sự vướng mắc và khổ đau vẫn chứa đựng đầy rẫy trong nó.

Người anh tôi giúp người nhưng lại làm khổ mẹ. Đó là mù quáng. (Sự mù quáng, không có bản thể)

Người hi sinh cho người khác đôi khi đang nuôi dưỡng một bản ngã rất lớn, bản ngã đạo đức. Một mảnh đất thật màu mỡ cho khổ đau!

Không ăn thịt cá hay sát sanh hại vật đã hẳn là từ bi chưa, và khi rơi vào trường hợp nào đó ta bắt buộc phải ăn mặn hay sát sanh hại vật thì nhất quyết nói rằng: Thà tôi chết chứ không làm điều ấy. Cực đoan không thể tả. Ý muốn sát sanh một sinh thể lớn hơn-sát sanh chính ta-lắm khi chỉ được chi phối bởi một ma lực của bản ngã. Ma lực ấy cũng mang lại cảm thọ khoái trá khi sự chết xẩy đến với chính mình. Có rất nhiều người đã vĩnh viễn ra đi như vậy và họ vẫn ngộ nhận đó làm một sự hi sinh cao cả vì lí tưởng.

Những cha mẹ, những người thầy khi những người con và người trò của họ không hoàn thành tâm nguyện của họ hoặc khi đi chệch hướng họ vạch ra thì họ rất đau khổ, có khi còn không nhìn mặt nhau. Họ nói họ thương con thương trò không cần hồi đáp nhưng hễ người con người trò làm khác đi hoặc ngược lại thì đau khổ cùng cực. Khi con họ vì một lý do nào đó mà bất đắc kì tử họ chỉ muốn tự sát theo. Sự từ bi mà chứa đựng sự khổ đau như vậy sao?

Vị sư ấy tuy xây dựng chùa chiền là một việc thiện, muốn giúp người khác có nơi tu tập cũng là một tâm tốt lành, nhưng động lực sâu bên trong là tâm tham. Chính tâm tham này mong muốn mọi thứ cần phải được hoàn thành, hoàn thành hoàn hảo. Nếu không hoàn thành thì bứt rứt khó chịu. Nhân tham quả làm sao an lạc được?

Tính cách đạo đức thương yêu giúp đỡ người khác chưa phải là từ bi. Thương yêu giúp đỡ kẻ khác tự thân không phát triển thành từ bi được. Muốn đạt đến từ bi phải thực hành đúng pháp Phật. Từ bi nảy nở khi sân hận chìm dần. Sân hận có nhiều nguyên nhân mang đến. Tham là một thứ dễ mang đến hân hận nhất. Người mẹ quá mong muốn vào sự thành đạt của người con nên khi thất bại thị bực tức khó chịu. Người ham muốn mình là một kẻ tốt khi phát hiện mình xấu thì buồn phiền đau khổ… Tham và sân… chỉ chìm xuống khi mặt trời trí tuệ ló dạng. Không thể nói có từ bi mà không có trí tuệ. Trí tuệ đây là trí tuệ giải thoát, không phải là tri kiến thế gian.

Con đường Tứ niệm xứ trong kinh nguyên thủy được miêu tả là “con đường độc nhất” đưa đến chấm dứt sầu bi khổ não ở đời. Tứ niệm xứ còn gọi là thiền quán, hay minh sát. Trong kinh Tương Ưng đức Phật gọi đây là con đường độc nhất. Và trong Tạng kinh nguyên thủy đức Phật chỉ dùng từ “ con đường độc nhất” này cho pháp hành Tứ niệm xứ.

Nhưng trong giáo lý Phật có những con đường khác đưa đến từ bi giải thoát. Những con đương ấy đã vận hành Tứ niệm xứ một cách tự nhiên, mà đôi khi người thực hành không biết là Tứ niệm xứ đang vận hành trong họ. Phương pháp Tứ niệm xứ là giữ gìn chánh niệm mọi lúc mọi nơi trên bốn lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Người giữ chánh niệm sẽ hiểu rằng Bát chánh đạo, Tứ chánh cần… vận hành một cách tự nhiên trong họ. Khi ấy người ta có thể “sờ” được 37 phẩm trợ đạo chứ không phải chỉ là suy tư về nó nữa. Và khi ta “sờ” được vào nó rồi thì niềm tin của ta với giáo lý mới thật sự xuất hiện. Không hành Pháp Phật, không thực hành chính con đường mà đức Phật đã đi mà bảo mình tin Phật là một niềm tin rất mong manh, là một điều rất huyễn hoặc.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người xuất gia ở chùa đến mấy mươi năm, có những vị có nhiều học vị học hàm rất cao vẫn hoài nghi về nhân quả. Ấy là họ đã xây dựng niềm tin Phật pháp trên cái cách không đúng với lời Phật đã dạy.

Có những người tính hạnh rất cao khiết nhưng bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ. Ấy là vì họ đã quá tự hào và nuôi dưỡng sự cao khiết đó. Bằng lòng với phẩm chất cá nhân làm sao tiếp nhận pháp Phật được. Những người đó như vậy trở thành chướng ngại hơn là những người có tính cách hạ đẳng. Nếu ta có niềm tin lớn vào Pháp Phật ta sẽ ít xôn xao chuyện tính cách của mình và người khác. Việc ca tụng tính cách cá nhân cho thấy nhận thức của ta về nghiệp còn nông cạn và vô tình phủ nhận sự chuyển hóa của Pháp Phật. Tính cách dù hạ đẳng thượng đẳng đều là kết quả của nghiệp, đều chứa chất sự vướng mắc khổ đau rất nhiều. Nếu chúng ta đi bằng phẩm chất của cá nhân, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu, đôi khi chỉ là nuôi dưỡng thêm tự ngã. Chỉ cá nhân nào vứt bỏ nó và trông cậy vào sự chuyển hóa của Pháp Phật, kiên trì miệt mài thực hành con đường ấy mới có cơ may đạt đến giải thoát, đạt đến từ bi. Nhưng để thấy rõ bản chất mong manh của tính cách ta lại phải thực hành Pháp Phật rồi mới hiểu được. Tự ta không có khả năng hiểu điều ấy.

Từ bi vốn không vướng mắc thứ gì, không sợ hãi điều gì, thậm chí rất mạnh mẽ vì bên trong nó có đầy đủ trí tuệ. Chính cái phẩm chất từ bi đầy trí tuệ đó đã phát huy nội lực thời đại Lý-Trần chứ không phải thư từ bi cải lương mà chúng ta chứng kiến thường ngày. Có được điều đó đạo Phật thời Lý-Trần đã có một sự thực hành giáo lý rất đúng và rất sâu. Đọc thiền sử Thiền Uyển Tập Anh, ta sẽ thấy người xưa dụng công tới mức nào. Có những vị tu miên mật ròng rã hàng mấy chục năm, có những vị tọa thiền hằng tháng…

Lời sau đây được lặp lại hàng trăm lần trong Tạng kinh nguyên thủy mà chúng ta vẫn chưa làm đúng, làm được: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

Từ bi không ai mang đến cho ta, từ bi cũng không đọc sách tư duy mà có được, từ bi cần phải đươc thực hành. Từ bi là sản phẩm của trí tuệ.

Viết cho ai và viết cho riêng tôi!!

Thích Không Hạnh