Chuyện ông cháu (2)
“Đừng khóc, đàn bà khóc đã xấu, đàn ông càng xấu hơn. Cô Hai chửi con? Nội chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân nhưng nội nói con nghe chuyện này.”
Chắc con thường nghe người ta nói câu: Con nhà tông hổng giống lông cũng giống cánh. Nếu luận về câu này, con nghĩ con giống ai? Không giống ai cả, cả ba con, cả mẹ con, không người nào tính tình mềm yếu vậy, giống ông nội, giống bà nội? Cũng không, giống ông ngoại, giống bà ngoại? Không luôn, vậy thì sao, con đang là một thằng không giống ai. Khà khà.
Nhiều người rất vui khi được “khen” bằng câu “đúng là con nhà tông” và thế là càng ám thị để mình trở thành bản sao của một người nào đó, giống như cô Hai. Trông cô Hai chửi hệt như bà cố, nhưng có người bị chê không giống ai trở nên đầy “cá tính” để trở thành là “chính mình”. Vậy tại sao con không cá tính hơn khi “không giống ai” mà lại mít ướt như một diễn viên vậy.
Lần trước ông nội có nói về đề tài chay và mặn. Ông nội không thấy thèm là bởi sự tiếp nhận mọi hình ảnh, mùi hương đều thông qua sự tỉnh giác, còn mọi người nhìn thấy, ngửi thấy khi đứng trước tô phở lại chảy nước miếng. Con người, khi các căn tiếp nhận trần cảnh là ngay lúc ấy “ kho kinh nghiệm của tiềm thức” được sử dụng, đó là cả một kho cảm xúc. Thèm muốn, sợ hãi, căm tức, ghét bỏ…kho kinh nghiệm đó chính là tưởng thức mà ông nội đã nói. Chính vì vậy, mọi hoạt động của con người đều bị ngăn che, u mê, vô minh là vậy. Con người trở nên tham nhiều hơn, dục nhiều hơn, sân nhiều hơn. Và chiến tranh, và đố kỵ, và tàn ác sinh ra từ đây…
Chính vì vậy mà Phật dạy phòng hộ các căn, nhiều người không hiểu cứ tìm cách né tránh che mắt, bịt tai…để không nhìn, không nghe, không thấy. Thật ra sống ở đời không ai có thể che mắt bịt tai được. Nhưng những điều con nghe, những điều con thấy sẽ được hóa giải khi mà nó không khơi dậy cảm xúc ở con với mặc cảm, sự buồn khổ, với tủi nhục, với căm hờn, với giận dữ… bằng sự suy xét cạn cùng, tỉnh táo. Con người số rất đông, đều dồn nén, ức chế che giấu cảm xúc để rồi trầm cảm, để rồi u uất, để rồi thần kinh…Và hàng trăm thứ bệnh sinh ra từ đây. Hoặc tàn ác, xung đột, chém giết nhau cũng từ đây vì cứ mặc cho cái kho cảm xúc phát triển, sinh sôi.
Có đến 75 % dân số thế giới bị trầm cảm theo Who. Đức Phật dạy tâm dẫn đầu mọi pháp/Tâm chủ, tâm tạo tác. Cho nên ông nội có bài chia sẻ: Khi nhìn thấy một người nào đó trở thành cái gai trong mắt thì vấn đề nằm trong con mắt của anh. Người ta không ai phân biệt được người bệnh và người lành, chỉ cảm thấy đau nhức, khó chịu mới gọi là bệnh. Vừa rồi, nhà chị út Ý, con thấy đấy, cây ngã sang nhà người khác, lá đổ sang, rác rưởi đầy. Họ dọn quét, đốt rác lại bị chửi vóng sang như người mất gà. Bên nhà người ta, bên sân người ta, ngoài đường đi… bệnh là đấy chứ đâu. Nhưng con người chỉ biết khi phải mang máy thở, máy trợ tim mới gọi là bệnh mà không hề thấy bệnh bao giờ cũng tiềm ẩn, có thời gian ủ bệnh, cái gai trong mắt cũng vậy đấy. Nó là nguyên nhân tạo nên rối loạn tứ đại, ảnh hưởng thần kinh. Bệnh tật từ đây mà ra…
Con sẽ bình tâm nếu con đúng mà bị cô Hai chửi
Con sẽ bình tâm nếu con sai mà bị cô Hai chửi
Hoặc con sẽ lẳng lặng nhận chịu như một người kham nhẫn phi thường, hoặc con sẽ nhẹ tâng với sự phân bày rõ ràng, bình tĩnh.
Trong gia đình, nếu thật sự có một người nào đó nhận xét sẽ bảo rằng: Tay này “không giống ai”, điều đó đúng, thật sự là vậy, chẳng giống ông cố, chẳng giống bà cố. Nhưng, lưu ý điều này, nếu xét thấu đáo, nhìn rõ hơn mọi người sẽ thấy, tất cả những đức tính chân thành, hiếu đạo có ở ông cố thì ông nội có.
Tất cả những đức tính chan hòa, thương yêu bà con, dòng tộc bà cố có là ông nội có. Tất cả cái thiện lành, cái an hòa , hiếu đạo được giữ lại. Và quan trọng là đừng tiếc những cố tật, những cái không đẹp, những thói quen xấu của chính mình, cái mà mình tưởng đó là “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” và…tự hào về nó.
Kỳ Nam