Bộ VH-TT-DL lưu ý nghiên cứu màu sắc gốc khi tu bổ chùa Dơi

Bộ VH-TT-DL vừa có Văn bản số 3848 về việc thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia chùa Dơi (chùa Wath Sêrâytêchô Mahatup, thuộc tỉnh Sóc Trăng), hạng mục tu bổ chính điện. Theo đó, Bộ VH-TT-DL lưu ý cần nghiên cứu sử dụng màu sắc gốc của di tích.

Bộ VH-TT-DL lưu ý nghiên cứu màu sắc gốc khi tu bổ chùa Dơi - Ảnh 1.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng-TRẦN THANH PHONG

Cụ thể, các công trình được tu bổ tôn tạo gồm các nội dung như: tu bổ chính điện (tu sửa mái, con giống trang trí mái); vệ sinh khoa học, sơn lại tường, lan can xung quanh chính điện theo màu gốc; cải tạo, lát lại sân bao quanh chính điện. Bộ VH-TT-DL lưu ý việc vệ sinh, cạo bỏ lớp sơn cũ để sơn lại (mái ngói, con giống, các diện tường và lan can…) cần nghiên cứu sử dụng màu sắc gốc (dựa trên cơ sở tư liệu và phân tích tại chỗ đối với từng vị trí hiện trạng còn rõ căn cứ), để vừa đảm bảo tính xác thực vừa tạo sự hài hòa chung trong tổng thể di tích.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu bổ sung các bản vẽ mặt cắt ngang, dọc chính điện trong hồ sơ. Đồng thời, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công về Bộ VH-TT-DL để lưu trữ và phục vụ quản lý di tích.

Chùa Dơi, còn có tên là chùa Mã Tộc, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999.

Theo Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, dựa trên thư tịch cổ chùa Dơi còn lưu giữ, chùa được khởi dựng từ năm 1569, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng bằng gỗ, lợp lá dừa nước. Trải qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1960, ngôi chính điện được trùng tu lại bằng vật liệu kiên cố. Tổng thể kiến trúc chùa Dơi hài hòa trong khuôn viên rộng, vườn cây cổ thụ trong chùa luôn có nhiều con dơi lớn treo mình trên cành.

Trinh Nguyễn-nguồn Thanh Niên