Đánh bả chó mèo, tạo nghiệp bất thiện và sẽ nhận quả báo

Có thể thấy, tình trạng đánh bả chó mèo là hiện trạng dễ bắt gặp từ nông thôn đến thành thị, đã và đang xảy ra hằng ngày và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những kẻ gây ra hành động giết hại này không hiểu được rằng mình đang tạo nghiệp bất thiện và ắt sẽ lãnh quả báo.

Đánh bả chó mèo là đang tạo nghiệp sát sinh hại vật

Với những người yêu thích thú cưng, việc thú cưng không may bị kẻ xấu cho ăn trúng bả chó thật sự rất ám ảnh. Bạn có thể mất chú chó thông minh, chú mèo đáng yêu chỉ với vũ khí đơn giản là bả chó. Theo tìm hiểu được biết, bả chó mèo bao gồm các thành phần gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch của chó, mèo. Đặc biệt là Lưu huỳnh và Xyanua 2 loại chất độc vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ làm chết các loài thú cưng của bạn và khi ăn vào sẽ chết rất nhanh.

Như vậy việc đánh bả chó mèo chính là hành động sát sinh một cách tàn bạo và độc ác.

Đức Phật dạy: Sát sinh là ác nghiệp. Vì thế, những ai đang làm nghề sát sinh thì cố gắng tìm cách chuyển sang nghề an lành để không phải chịu ác nghiệp.

Đức Phật dạy: Sát sinh là ác nghiệp. Vì thế, những ai đang làm nghề sát sinh thì cố gắng tìm cách chuyển sang nghề an lành để không phải chịu ác nghiệp.

Đạo Phật không cho phép tín đồ cố ý giết hại các loài sinh vật. Theo nhân quả, việc sát sinh sẽ mang đến khổ đau lâu dài không chỉ đời này mà còn trong nhiều đời sau. Đức Phật đã đưa sát sinh là giới cấm thứ nhất trong 5 giới của Phật tử tại gia.

Nếu 10 thiện nghiệp dẫn chúng sinh đến nơi tốt đẹp và thanh tịnh thì 10 ác nghiệp lại dẫn chúng sinh trong luân hồi sinh tử, không được sinh vào những nơi cao quý, không được làm thân người, thân Trời mà phải đọa xuống ba đường ác. Một trong 10 ác nghiệp đó có tội sát sinh.

Trong kinh Trường thọ và đoản thọ, Đức Phật dạy: “Có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Nếu được tái sanh trong loài người, người ấy phải đoản mạng”.

Những người tạo tội sát sinh thì sau khi chết, nghiệp lực dẫn họ vào ba đường ác (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ) rất đau khổ. Trong kinh Địa Tạng cũng mô tả sự thống khổ nơi địa ngục: bị băm, chém, xay, giã với những hình thức tra tấn khủng khiếp hơn cả trần gian. Nếu tái sinh làm súc sinh thì bị người giết mổ trở lại. Nếu ở ngạ quỷ cũng phải chịu vô lượng những nỗi khổ. Thời gian chịu quả báo của những người này có thể tính đến nghìn năm, vạn năm. Đến khi nào chịu hết quả báo ấy rồi mới được tái sinh làm người nhưng lại làm người nhiều bệnh tật và không được thọ mạng lâu dài.

Hành vi đánh bả chó có vi phạm pháp luật không?

Nhiều chủ nuôi xem con chó của mình như một thành viên thân thiết trong gia đình và chó được xem là tài sản của người nuôi. Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), trường hợp người đánh bả thì có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản (Điều 173 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); hoặc tội hủy hoại tài sản (Điều 178 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Nếu xác định được hành vi, đánh bả chó nhằm chiếm đoạt thì cần phải xác định giá trị con chó chưa đến 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013, thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1 – 2 triệu đồng về hành vi trộm cắp tài sản.

Đối với trường hợp đánh bả chó với mục đích làm chết, LS Bùi Quốc Tuấn cũng cho biết, hành vi này có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý hủy hoại tài sản của người khác theo điều 178 BLHS. Nếu giá trị chó bị chết chưa đến 2 triệu đồng thì người vi phạm bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013 về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo LS Bùi Quốc Tuấn, căn cứ vào Điều 15 Nghị định 167/2013 về hành vi trộm cắp tài sản, nếu những con chó có giá trị từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người đánh bả chó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Hành vi này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tài sản còn là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Nên khung hình phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là bị phạt tù đến 20 năm.

Đức Phật dạy việc sát sinh sẽ đem bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người sát mạng chúng sinh (ảnh minh họa)

Đức Phật dạy việc sát sinh sẽ đem bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người sát mạng chúng sinh (ảnh minh họa)

Với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trong trường hợp chó bị chết. Nếu giá trị những con chó từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị khép vào tội danh này. Khung hình phạt thấp nhất tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là tù chung thân.

Với cả hai trường hợp nêu trên, người vi phạm ngoài việc bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Tuệ An