Truyền cảm hứng bảo tồn rùa biển
Tôi được biết Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo hiện tại là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam nên khi có thông báo về chương trình Tình nguyện viên (TNV) bảo tồn rùa biển do IUCN phát động, tôi đã nhanh chóng đăng ký tham gia.
Trong 12 ngày của chuyến đi, tôi được đồng hành cùng 11 bạn trẻ trong hoạt động bảo tồn rùa biển. Dù đến từ những tỉnh thành khác nhau nhưng điểm chung của chúng tôi là yêu thiên nhiên biển đảo, có mối quan tâm đặc biệt đến hoạt động bảo tồn rùa biển. Không chỉ đỡ đẻ cho rùa, thả rùa con về biển, dọn rác bãi biển, làm đẹp cảnh quan, mỗi TNV chúng tôi còn ấp ủ những hoạt động, những câu chuyện truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên sâu sắc và bền vững đến với mọi người.
Những ngày không ngủ đỡ đẻ cho rùa
Tôi nhớ đêm đầu tiên, cả nhóm chia làm 3 nhóm nhỏ đi theo 3 cán bộ kiểm lâm: Anh Kiên, Anh Đồng, Anh Ngọc, để các anh hướng dẫn cách di dời trứng rùa an toàn và ít làm ảnh hưởng đến rùa mẹ nhất. Tôi theo nhóm anh Kiên. Anh Kiên là Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, anh có nhiều kinh nghiệm và rất thành thục trong việc di dời trứng rùa biển. Khi chúng tôi định bật đèn để soi đường thì anh Kiên nhắc “hãy tắt đèn để tránh ảnh hưởng đến rùa”.
Lúc đầu, chúng tôi gần như không thấy gì, nhưng một lát sau, khi mắt đã quen dần thì bãi cát hiện ra rõ, ánh sáng từ những vì sao trên đầu giúp chúng tôi có thể phát hiện được rùa mẹ từ xa. Đi một lúc, cả nhóm thấy một rùa mẹ đang đào tổ. Với kinh nghiệm nhiều năm, anh Kiên bảo khoảng 5 phút sau rùa mẹ sẽ đẻ trứng. Quả thật một lát sau, anh Kiên thận trọng rọi một ánh đèn nhỏ vào hố cho chúng tôi thấy những quả trứng từ rùa mẹ rơi xuống cát.
Anh Kiên tỉ mỉ hướng dẫn cách đào cát gom trứng đưa về hồ ấp, ghi chép ngày đẻ, số lượng trứng, số thứ tự tổ để theo dõi. Rùa mẹ này chưa đẻ xong thì dưới bãi một rùa mẹ khác đang bò lên. Có lúc 2 – 3 rùa mẹ cùng tiến về 1 hướng để đào tổ đẻ. TNV cùng các anh kiểm lâm làm việc không ngơi tay, vừa hướng dẫn du khách xem rùa đẻ đúng cách, vừa lần theo vết chân rùa tìm tổ trứng để đánh dấu, xong lại gom trứng mang về vùi trong hồ ấp. Mải mê công việc, khi đã vùi xong tổ trứng cuối cùng thì cũng đã hơn 1h sáng. Công việc hàng đêm cứ lặp lại như vậy, có đêm, cả nhóm di dời đến 28 tổ trứng, công việc kéo dài đến tận 5 – 6h sáng.
Thức trắng đêm là thế nhưng mọi người vẫn cố gắng tiếp tục tham gia hướng dẫn khách du lịch thả rùa con về biển an toàn vào buổi sáng. Vì nếu sơ ý chạm tay trực tiếp vào rùa con hoặc thả trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến rùa con, làm giảm khả năng sống sót, xem như sẽ uổng phí công sức di dời trứng và gần 2 tháng chờ trứng nở.
Một động lực to lớn giúp cả nhóm hoàn thành 12 ngày chương trình là mỗi sáng nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn rùa con được thả về biển. Những chú rùa con vẫn còn chưa cứng cáp, đầu ngẩng cao lắng nghe tiếng sóng biển, 4 chân bé tí bò trên mặt cát, dù bị sóng đánh dạt nhưng vẫn cố vươn mình ra biển lớn như tiếp thêm năng lượng cho cả nhóm.
Năng lượng từ tình yêu thiên nhiên
Mỗi TNV tham gia chương trình đều tự nguyện tự túc chi phí đi lại, ăn ở trong chuyến đi. Mỗi TNV biết rằng sẽ sinh hoạt tại môi trường có phần thiếu thốn, khắc nghiệt và cam kết miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro xảy ra. Khi được hỏi vì sao tham gia chương trình này, mỗi TNV đều có lý do riêng nhưng đều xuất phát từ tình yêu thiên nhiên.
Nguyễn Thị Hoàng Diệu – đến từ TP.HCM – có một tình yêu biển đảo to lớn, dù biết bản thân hay bị say sóng những Diệu vẫn thường chọn biển làm nơi đến trong những hành trình của mình. Diệu cảm thấy may mắn khi được chọn làm TNV chương trình bảo tồn rùa biển. Diệu kể về kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình là một đêm đang đi trực thì trước và sau lưng có 2 rùa mẹ lên cùng lúc, thế là Diệu phải ngồi im như 1 tảng đá, chờ rùa mẹ lên bờ, đào tổ rồi mới dám đi tiếp.
Trần Hà Trang là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm và đang theo học Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Dù rất bận rộn cho kì thi sắp tới nhưng Hà Trang vẫn cố gắng sắp xếp tham gia chương trình. Tuy nhỏ tuổi nhất nhóm nhưng Trang rất chững chạc trong giao tiếp, hướng dẫn du khách thả rùa đúng cách. Trang còn có tinh thần trách nhiệm cao. Buổi tối, Hà Trang đi canh rùa đẻ cùng cả nhóm rồi chợp mắt một chút, buổi sáng thì tranh thủ lấy bài thi ra học.
Tôi cảm thấy tình yêu thiên nhiên đã mang những con người chúng tôi gặp gỡ một cách kì diệu. Không hẹn trước, tôi gặp lại Bùi Bảo Thịnh – một kiến trúc sư tự do tại TP. Đà Lạt. Thời gian gần đây, Thịnh dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động tình nguyện về động vật. Trước khi tham gia làm TNV bảo tồn rùa biển lần này, cả tôi và Thịnh đã cùng tham gia chương trình TNV cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Bù Gia Mập.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ rùa biển, các TNV còn giúp các anh kiểm lâm đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch, dọn rác, làm sạch bãi biển, vẽ tranh, thiết kế bảng biểu tuyên truyền những thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển, chỉnh trang cảnh quan tại trạm kiểm lâm thêm sạch đẹp.
Vũ Bảo Sơn – đến từ TP. Hồ Chí Minh – một trong những thành viên năng nổ nhất của nhóm. Sơn thường là người đi canh rùa sớm nhất và cũng là người về ngủ cuối cùng. Với vóc người cao lớn, Sơn còn gánh vác những việc nặng nhọc của nhóm. Trò chuyện với Sơn, tôi biết Sơn rất yêu thích du lịch thiên nhiên, thường đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện xã hội, Sơn còn dành nhiều thời gian để tham gia các giải chạy bộ vì môi trường. Khi vừa kết thúc 12 ngày của chuyến đi, Sơn rủ cả nhóm tham gia giải chạy online “Save Turtles Run 2023”, Sơn đã đăng ký mục tiêu 200km.
Hiện tại, chúng tôi đang chia sẻ những hình ảnh và video thu thập được trong chuyến đi cùng với một chiến dịch gây quỹ qua ứng dụng Thiện Nguyện để có thể mua sắm các vật dụng hỗ trợ cho TNV các năm sau, giảm rác thải nhựa từ hoạt động du lịch trên đảo.Mỗi TNV chúng tôi sau chuyến đi đều tăng thêm hiểu biết về rùa biển, cảm nhận sâu sắc về lợi ích của môi trường sống thiên nhiên. Mỗi TNV sẽ là một đại sứ rùa biển, góp một phần nhỏ bé cho công tác bảo tồn rùa biển. Mong muốn của chúng tôi là thế hệ tương lai có thể nhìn thấy rùa biển trong tự nhiên chứ không phải chỉ trong sách vở, phim ảnh.
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường