Hiểu đúng về “thần thông”

Thưa Thầy con đọc trong một số sách có nói rằng ngồi thiền đến một trình độ nào đó thì có thể quán thấy những điều mình muốn. Ví dụ như quán thấy nước tràn lan ngập nhà hoặc quán thấy dòi bọ từ trong người bò ra.

Điều này có thể xảy ra hay không hay chỉ là bịa đặt. Hay đây là cách nói ẩn dụ mà con không hiểu? Mong thầy giải thích cho con được rõ.

Trả lời:

Từ quán thường bị hiểu sai khi người ta không phân biệt được 2 loại quán là:

1 – Quán tưởng thuộc thiền định.

2 – Quán chiếu thuộc thiền tuệ.

Trong thiền tuệ, trực giác thấy rõ thực tánh pháp không qua tưởng. Nhưng trong thiền định thì tưởng được dùng để nắm bắt đối tượng và biến đổi đối tượng thô tướng thành đối tượng quang tướng.

Vì vậy tưởng trong định rất mạnh, nhất là khi tâm đạt được bậc thiền thứ 4 trong sắc giới thiền (tứ thiền hữu sắc). Với tâm tứ thiền này hành giả có thể tưởng đất thành nước, tưởng cơ thể thành bộ xương… Không những vậy, tưởng có thể được rèn luyện tới mức độ thần thông, nghĩa là có thể biến tưởng thành hiện thực.

Tuy nhiên dù có thần thông cao siêu nhất vẫn còn ở trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau nếu không có trí tuệ quán chiếu thấy thực tánh chân đế.

 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Kính Thầy!… Một người có thần thông thì chưa chắc là đạo thông nhưng một người đạo đã thông thì chắc chắn là có thần thông phải không Thầy?

Trả lời:

Phải, nhưng quan trọng là hiểu thần thông như thế nào mới được?

***

Thưa Thầy, nếu ai muốn tu đúng đường điều đầu tiên nên học & hành “cái gốc” từ pháp môn của Thầy thì sẽ rất tốt vì nó rất tự nhiên, cho ta sự tu tập tự nhiên, đại ý như “tu như không tu vậy”.

Rồi từ cái gốc bền vững này có thể chăm bón và nở ra những cành lá, bông hoa quả khác cũng được, vì cái gốc tốt thì mọi cái khác đa phần cũng sẽ tốt , ý con nói về những pháp môn cao siêu khác…

Con có đọc “Đường Xưa Mây Trắng” Thầy Nhất Hạnh nói Đức Phật không khuyến khích người tu luyện tập cho mình thần thông. Con nghĩ là khi đã tu một cách tự nhiên rồi thì thần thông đến cũng tự nhiên đâu cần phải mong cầu, hay luyện tập gì…

Mong Thầy chỉ dạy thêm cho con, suy nghĩ con như vậy có đúng không ạ.

Trả lời:

Con nói đúng. Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp. Khi cái Ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là Ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành “như ý của Ta”.

Nhưng trong thực tánh tự nhiên của pháp thì một hạt giống sẽ nẩy mầm, ra lá, đâm chồi… rồi lớn lên và đương nhiên ra hoa kết trái. Cứ sống tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng để thấy ra tất cả pháp thì lúc đó thần thông cũng chỉ là chuyện bình thường như ra hoa kết trái.

***

Bạch Thầy!… ngày xưa chư Tăng có thể hiển lộ thần thông đi vào vách… vậy các Ngài có biết khi bỏ thân các Ngài đi về đâu hay không?

Mong Thầy lấy cái biết như thật dạy cho con để con giải tỏa cái biết của con. Kính mong.

Trả lời:

Có, nhưng Đức Phật không cho sử dụng, và các ngài cũng không cần sử dụng nếu không cần thiết, vì các ngài xem thần thông cũng chỉ như ăn cơm uống nước vậy thôi chứ không có gì ghê gớm như người phàm phu mơ tưởng.

Nếu một vị Tăng sử dụng thần thông thì người đời sẽ mê thần thông chứ không màng gì đến việc phải đối diện với khổ đâu chướng ngại để giác ngộ nữa.

Biết mình khi bỏ thân sẽ về đâu không quan trọng bằng biết mình bây giờ là gì và đang ở đâu.

***

Thưa Thầy, con nghe nói con mắt thứ 3 – còn gọi là huệ nhãn hay con mắt trí huệ – nằm trên trán đúng không ạ? Khi con mắt thứ 3 khai mở thì có nhiều khả năng phi thường đúng không ạ?

Trả lời:

Con nên sử dụng hai con mắt mình cho hết chỗ đại dụng của nó thì con mắt thứ ba sẽ mở.

Chưa thấy hết tánh tướng thể dụng của hai con mắt thường mà muốn mở con mắt thứ ba thì coi chừng tẩu hỏa nhập ma đó con…

Nguồn: trungtamhotong.org