“Tâm Kinh Bát Nhã” qua cái nhìn của nhà Thiền

Bài kinh này quý vị đã được nghe giảng nhiều, đọc chú giải cũng nhiều, nhưng đây là nói qua cái nhìn của nhà Thiền, để cho thấy nó có những nét đặc sắc như thế nào?

Bài kinh này quý vị đã được nghe giảng nhiều, đọc chú giải cũng nhiều, nhưng đây là nói qua cái nhìn của nhà Thiền, để cho thấy nó có những nét đặc sắc như thế nào?

Về tựa đề là: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.

Vậy thì Ma Ha Bát Nhã là gì?

Chữ Ma Ha là to lớn, rộng lớn.

Bát Nhã là trí tuệ, nhưng không giống như trí tuệ thế gian, cho nên thường gọi là Trí Tuệ Bát Nhã.

Nói gọn là: “Trí tuệ rộng lớn, to tát.”

Song nếu chỉ giải theo kiểu ấy thôi thì cũng thành ra giải theo chữ nghĩa, cũng chưa phải thật Bát Nhã.

Bởi vì nói trí tuệ rộng lớn, nhưng sao gọi là trí tuệ rộng lớn?

– Trí tuệ mà còn có lớn, có nhỏ hẳn không phải Bát Nhã rồi!

Vậy tại sao đây gọi là trí tuệ rộng lớn?

Bát Nhã thì có tướng gì mà gọi là lớn, là nhỏ?

Đã có lớn, có nhỏ tức thành tướng rồi.

Do đó hiểu có lớn nhỏ là hiểu lầm theo chữ nghĩa thì không phải Bát Nhã.

Trong đây ngầm chỉ, trí tuệ này là trí tuệ vượt ngoài những phân biệt đối đãi lớn nhỏ của thế gian, không có cái gì so sánh được, cho nên tạm gọi là lớn.

Còn cái trí tuệ của thế gian thì nó có lớn, có nhỏ, có sâu, có cạn, tức là học nhiều thì hiểu nhiều, học ít thì hiểu ít.

Đã có cạn, có sâu, có lớn, có nhỏ thì đó là trí sanh diệt, trí vay mượn.

Hễ mình vay mượn nhiều chừng nào thì nó lớn chừng nấy, vay mượn ít thì nó nhỏ vậy thôi.

Rõ ràng đó là có giới hạn, có sanh diệt.

Còn trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ ở ngay tự tánh của chính mình, nên nó không không có dài ngắn lớn nhỏ gì hết, nó đâu có hình tướng gì?

00

Nó không có xanh, vàng, đỏ, trắng cho đến không có nam nữ, không có già trẻ, nói thẳng ra cũng không có phàm thánh luôn.

Trí Bát Nhã Nguyên Nó Là Nó Thôi!

Vậy thì lấy cái gì so sánh được mà nói lớn với nhỏ?

Cho nên với Trí Bát Nhã mà vừa nghĩ lớn nhỏ là xa Bát Nhã, là không phải Bát Nhã rồi! vì vậy trong nhà Thiền có vị Tăng hỏi Quốc Sư Đức Thiều là:

Người xưa nói rằng: “Người thấy Bát Nhã liền bị Bát Nhã trói, người chẳng thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói”, đã thấy Bát Nhã vì sao lại bị Bát Nhã trói?

Ngài Đức Thiều đáp:

– Ông hãy nói Bát Nhã thấy cái gì?

Tăng hỏi tiếp:

– Còn chẳng thấy Bát Nhã, vì sao cũng bị Bát Nhã trói?

Ngài Đức Thiều đáp:

– Ông hãy nói Bát Nhã chỗ nào chẳng thấy?

Sau đó Ngài Đức Thiều bảo thêm:

– Nếu thấy Bát Nhã thì chẳng gọi Bát Nhã, còn nếu chẳng thấy Bát Nhã cũng chẳng gọi Bát Nhã, hãy nói cái gì là thấy chẳng thấy?

Như vậy thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói, mà không thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói, vậy làm sao?

– Bám vào đâu để nói lớn, nói nhỏ?

Bởi Bát Nhã vốn không hình tướng, vượt ngoài chỗ đối đãi thấy và chẳng thấy.

Mình thấy nó tức là sao?

Tức nó thành ra cái bị thấy rồi.

Còn không thấy thì sao?

– Không thấy thì vô minh mê mờ.

Cho nên cả hai đều mắc kẹt hết.

Bởi vậy Bát Nhã mà có chỗ thấy, có chỗ chẳng thấy, thì đó là tướng sanh diệt, không phải Bát Nhã.

Bát Nhã thì lúc nào cũng Hằng Hữu, làm sao có thấy, có chẳng thấy?

Còn có thấy, có chẳng thấy là có sanh diệt, cho nên khi thì thấy, khi thì không thấy.

Ở đây phải hiểu rõ Bát Nhã là Sáng Suốt Biết Rõ Lẽ Thật Của Các Pháp.

Như vậy mà cho nó không thể thấy tức là không rõ Bát Nhã, cho nên cũng bị trói.

Còn nghe nói Bát Nhã là sáng ngời, rồi mình liền tưởng là cái gì đó để thấy, cũng thành bị trói.

Như vậy, phải làm sao mới học được Bát Nhã?

Tức là phải quên cái niệm hai bên thấy, chẳng thấy thì ngay đó là Bát Nhã.

Vì vậy với người thông thường giải thích Bát Nhã là trí tuệ, là sáng suốt v.v… giải thích như vậy có phải là Bát Nhã chưa?

Cũng là Bát Nhã trên văn tự.

Nói Bát Nhã là trí tuệ, là sáng suốt, là thấy đúng lẽ thật gì đó, nói một hơi cũng là chữ nghĩa văn tự thôi, chứ chưa phải là Bát Nhã, vậy Bát Nhã là sao?

Trong nhà Thiền không nói dài dòng mà chỉ thẳng cho người trực nhận ngay bản thân Bát Nhã.

Có vị sư hỏi Thiền Sư Thanh Tủng:

– Thế nào là Ma Ha Bát Nhã?

Ngài Thanh Tủng đáp:

– Gió lạnh tuyết rơi.

Ông tăng không đáp được, ngài Thanh Tủng mới bảo:

– Ông có lãnh hội được chăng?

Ông tăng thưa:

– Chẳng lãnh hội .

Ngài Thanh Tủng nói bài kệ:

Ma Ha Bát Nhã,

Chẳng thủ chẳng xả

(tức là không lấy không bỏ)

Nếu người chẳng hội.

Gió lạnh tuyết rơi.

Ma Ha Bát Nhã thì không lấy không bỏ, nếu ngay đó mà không lãnh hội thì gió lạnh tuyết rơi.

Như vậy nếu hiểu Bát Nhã theo văn tự chữ nghĩa thì làm sao hiểu?

Ngay đây gió lạnh tuyết rơi thì chính Bát Nhã hiện tiền đó!

Hiện tiền là sao?

Ngay gió lạnh tuyết rơi đó, Cái Gì Cảm Biết Đó?

Cái Gì Cảm Thấy Đó?

Tức là thấy tuyết rơi mà thấy một cách rõ ràng không một chút mê lầm, không một chút lờ mờ thì đó là cái gì?

Rồi biết lạnh, biết một cách rõ ràng không một chút lầm lộn, không một chút mê mờ thì là gì?

Tức là thấy biết suốt qua tướng lạnh, tướng rơi phải không?

Mình thấy biết mà thấy suốt qua tướng lạnh, tướng rơi, không có mắc kẹt, không có dừng trên tướng lạnh tướng rơi, chính đó là Bát Nhã chứ còn gì nữa!

Cái thấy biết bình thường lạnh thì chỉ biết lạnh thôi, dừng trên tướng lạnh đó.

Còn tuyết rơi thì mình chỉ dừng trên tướng rơi đó thôi, thì đó là cái thấy biết của chúng sanh.

Giờ đây thấy biết rõ ràng vậy đó, mà không dừng trên đó, thì chính là thấy biết suốt qua các tướng, đó là thấy tướng “Không” của các pháp chứ gì nữa!

Ngay nơi tướng mà mình thấy suốt qua không dừng trên tướng tức là thấy tướng “Không” của các pháp.

Ngược lại, ngay đó vừa khởi niệm lấy bỏ liền mê.

Thí dụ thấy tuyết rơi lạnh quá, lạnh quá thì sao?

Lạnh quá thì muốn xua đuổi, xua đuổi là bỏ! .

Hoặc thấy gió lạnh thì muốn đi tránh, tức có lấy bỏ trong đó thì ngay đó là mê.

Bị tướng lạnh, bị tướng rơi làm mờ, chính ngay đó khuất Bát Nhã.

Quý vị thấy nhà Thiền khỏi cần nói dài dòng nhưng đã chỉ rất chính xác.

Đi xa hơn chút nữa thì trí tuệ mà còn thấy có Ta, có cái của Ta thì sao?

Ở đây chỉ Bát Nhã có lớn, có nhỏ, là chưa phải rồi; còn thấy có Ta của Ta nữa thì cái đó càng đi xa quá xa Bát Nhã thêm.

Mà thông thường trí tuệ thế gian thì luôn luôn là có Ta, của Ta.

Khi học nhiều chừng nào, thì tự hào Ta là người trí thức, là người bác học, tức là Ta thấy trong đó chứ gì!

Còn trí tuệ Bát Nhã thì không có chuyện đó, có xen cái Ta trong đó là không phải rồi.

Vậy thì quý vị hiểu Ma Ha Bát Nhã chưa?

Không phải ở trên chữ nghĩa mà phải thấy rõ vậy đó mới hiểu được Ma Ha Bát Nhã ngay chính mình thôi!

Nhất là không còn niệm đối đãi, không còn có cái thấy Ta ở trong đó.

Trái lại, trí tuệ dù cao siêu cách mấy đi nữa mà còn có cái Ta thấy trong đó là không phải.

Kinh Bát Nhã – Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (bản chuẩn

HT. Thích Thông Phương