Lối cũ ta về
Trở ngại và thử thách lớn đã đến với tôi trong cuộc sống cũng như tu tập, đó là chồng của tôi thời gian gần đây có quan hệ tình cảm với một cô gái khác. Xin cho tôi những lời khuyên để con hàn gắn hạnh phúc gia đình và đủ nghị lực để vượt qua chướng nạn này.
Hỏi:
Tôi là một Phật tử thuần thành, hiện đang nỗ lực tu học. Tôi luôn mong muốn hoàn thiện mình để xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc. Thế nhưng một trở ngại và thử thách lớn đã đến với tôi trong cuộc sống cũng như tu tập, đó là chồng của tôi thời gian gần đây có quan hệ tình cảm với một cô gái khác.
Tôi thực sự đau khổ khi biết chuyện này và thương các con còn nhỏ dại. Sau nhiều ngày trăn trở nhưng tôi chưa biết làm sao và nên xử sự thế nào? Xin cho tôi những lời khuyên để con hàn gắn hạnh phúc gia đình và đủ nghị lực để vượt qua chướng nạn này.
Đáp:
Có lẽ, trong các niềm đau của con người thì sự thiếu thuỷ chung của người bạn đời là một niềm đau lớn. Tổn thương tình cảm, lòng tự trọng tuy vô hình nhưng hậu quả rất khó lường và dấu ấn của vết hằn này cũng không dễ nhạt nhoà trong tâm thức. Dẫu thực trạng của gia đình bạn đã đến mức báo động đỏ nhưng cũng chưa đến nỗi đổ vỡ hoàn toàn, sẽ cứu vãn được tình thế nếu hai người thực sự nỗ lực hàn gắn.
Là một người vợ, người mẹ mà đặc biệt là người Phật tử, hẵn bạn đã biết rằng không có một sự việc nào xảy ra mà chẳng có nguyên nhân và theo đặc tính duyên khởi thì không có nguyên nhân nào mang tính đơn lẻ mà phức hợp, đa chiều, trùng trùng điệp điệp. Phải tìm ra nguyên nhân thì bạn mới đủ khả năng và cơ hội khắc phục hậu quả. Bất hạnh của gia đình bạn ngày hôm nay, bình tâm mà xét, khoan vội nói đến chồng bạn, thì chắc chắn có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía bạn.
Nếu được như vậy, thì dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù ai có mời gọi hấp dẫn đến đâu đi nữa, kẻ đàn ông, người chồng vẫn tâm tâm niệm niệm điệp khúc “lối cũ ta về”. Trong đời sống tình cảm vợ chồng, luôn tiềm tàng trong sâu thẳm của tự tâm mỗi người là mong muốn được hiểu, được thương, được tôn trọng và trên hết là được tha thứ. Đối với chồng của bạn, dĩ nhiên anh ta phạm phải một sai lầm lớn. Hy vọng rằng sai lầm này chỉ là sự nhất thời mất phương hướng, bộc phát khi chơi vơi hụt hẫng, có tính “lầm lỡ” tham lam hơn là sự phản bội. Đành rằng có những sai lầm không thể tha thứ nhưng không thể vì một sai lầm để rồi phủ nhận tất cả mà đặc biệt là con cái, rồi đây con cái sẽ đi về đâu, chúng có tội tình gì mà phải bơ vơ, lạc lõng?
Do vậy, thương mình và thương con là điều mà tự thân mỗi người (vợ, chồng) phải quán niệm, chiêm nghiệm trong lúc này. Chính trăn trở về tương lai của bản thân, gia đình và đặc biệt là con cái sẽ làm cho các bạn thức tỉnh rằng các bạn cần phải có nhau và đó là động lực mạnh mẽ cho sự tái hợp, hàn gắn. Để làm được điều này, tự thân mỗi người phải nỗ lực nhận ra những sai lầm đã và đang có của mình. Biết thừa nhận những lầm lỗi, hạn chế của mình là liệu pháp tối ưu cho sự hàn gắn. Điều cần có hơn bất cứ điều gì ở bạn trong lúc này là sự tha thứ. Bao dung và tha thứ là cánh cửa đầu tiên giúp chồng bạn phản tỉnh, quay về. Sự giận dữ, ghen tuông, đau khổ và thù hận không phải là giải pháp mang lại hiệu quả tích cực thậm chí còn tác dụng ngược lại, làm cho tình hình càng bi đát hơn.
Vì vậy, bạn hãy gượng dậy chứng tỏ mình là cội cho lá rụng về, mình là chốn quê xưa cho người xa xứ hoài niệm. Bạn hãy mở rộng vòng tay cùng với tấm lòng đồng thời dành nhiều thời gian chăm sóc chồng, con hơn và đặc biệt là tự trang bị cho thân tâm bạn luôn tươi mát, nhẹ nhàng, dễ thương v.v… Lạt mềm mới buộc chặt, nếu ứng xử nhuần nhuyễn, chúng tôi tin tưởng rằng bạn sẽ thành công, chồng bạn sẽ tự nguyện quay về, gia đình bạn lại đoàn viên, hạnh phúc.
Quảng Tánh