Bài kinh: Cách niệm giới để sống bình thản giữa đời

Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích-ca, tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), khu vườn Ni-câu-đà (Nigrodha). Rồi họ Thích Ma-ha-nam (Mahànàma) đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, họ Thích Ma-ha-nam bạch Thế Tôn:

– Vị Thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?

– Này Ma-ha-nam, Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn…. (1 chuông)
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lại nữa, này Ma-ha-nam, Thánh đệ tử tùy niệm các Giới của mình: “Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”. Này Ma-ha-nam, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Giới. Và này Ma-ha-nam, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Giới. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. (1 chuông)

Này Ma-ha-nam, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Giới”. (3 chuông)

(Trích soạn từ: Kinh Tạng Nam Truyền, Tăng Chi Bộ Kinh – Tập 3, chương 6: Sáu pháp, Phẩm Đáng Được Cung Kính, Ma-ha-na-ma, tr. 333-336, Việt dịch – Hòa thượng Thích Minh Châu)