Lấy nước rửa tội, không sạch lỗi lầm
Muốn tịnh hóa tâm thì không thể dùng nước để rửa sạch được mà phải tu tập, trau dồi Giới-Định-Tuệ. Thành ra, dù tu tập bất cứ pháp môn hay phương cách nào thì trọng tâm của các pháp tu ấy vẫn không ngoài Giới-Định-Tuệ.
Tục trầm mình trong nước của những dòng sông linh thiêng ở xứ Ấn như sông Hằng, sông Tôn-đà-lợi… để tẩy sạch tội lỗi có từ lâu đời, được duy trì cho đến tận ngày nay. Những tín đồ trung thành với pháp tu ‘tịnh thủy’ mỗi ngày đều trầm mình vài lần trong nước, bất chấp thời tiết lạnh giá. Thế Tôn đã quá quen với pháp thanh tẩy này, Ngài thấy nó tầm thường, nặng về niềm tin, thiên về hình thức, chỉ rửa sạch bụi đất bên ngoài mà không thể tịnh hóa tâm hồn.
“Một thời Đức Phật tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, ở trong rừng rậm bên sông Tôn-đà-lợi. Lúc ấy, có Bà-la-môn đang ở bên sông Tôn-đà-lợi, đến chỗ Phật, thăm hỏi, ủy lạo xong, ngồi lui qua một bên, hỏi Phật:
Phật bảo Bà-la-môn:
-Đến sông Tôn-đà-lợi để tắm rửa để làm gì?
Bà-la-môn bạch:
-Bạch Cù-đàm, sông Tôn-đà-lợi là cứu độ, là an lành, là thanh tịnh. Nếu ai tắm rửa ở đó, có thể trừ hết mọi điều ác.Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng sông Tôn-đà-lợi
Cũng chẳng Bà-hưu-đa
Chẳng Già-da, Tát-la
Những con sông như vậy
Không khiến người tạo ác
Có thể thành thanh tịnh.
Nhưng sông Tôn-đà-lợi
Hằng hà, Bà-hưu-đa
Người ngu thường ở đó
Không thể trừ hết ác.
Những người thanh tịnh kia
Cần tắm rửa làm gì?
Những người thanh tịnh kia
Cần bố-tát làm gì?
Nghiệp tịnh do mình tịnh
Đời này nên gìn giữ
Không sát sanh, trộm cướp
Không dâm, không nói dối
Bố thí trừ keo bẩn
Ở đó mà tắm rửa.
Đối tất cả chúng sanh
Thường khởi lòng từ bi
Dùng nước giếng tắm rửa
Già-da để làm gì?
Trong tâm tự thanh tịnh
Không đợi tắm bên ngoài
Kẻ nghèo cùng hạ tiện
Thân thể nhiều nhơ bẩn
Dùng nước rửa bụi ngoài
Không thể sạch ở trong.
Sau khi Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1185)
Tu tập chính là tẩy xóa và gột rửa thân tâm
Thế Tôn đã mạnh mẽ xác quyết rằng, tục tắm sông thiêng kia, dù siêng năng và kính cẩn đến mấy cũng không thể giúp cho một con người tạo nhiều ác nghiệp, đầy dẫy tội lỗi trở thành thanh tịnh. Ngài cũng nói rõ, ‘nghiệp tịnh do mình tịnh’. Mình tịnh ở đây là thiết lập một đời sống với căn bản đạo đức là giữ năm giới (không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), biết bố thí sẻ chia trong khả năng có thể, yêu thương con người và muôn loại với tâm từ bi. Đây chính là nước thơm trân quý dùng để tẩy sạch ô uế khiến cho thân tâm của mình dần trở nên trong sạch.
Vì ‘Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo’ nên cần lắng đọng và thanh lọc tâm ý. Muốn tịnh hóa tâm thì không thể dùng nước để rửa sạch được mà phải tu tập, trau dồi Giới-Định-Tuệ. Thành ra, dù tu tập bất cứ pháp môn hay phương cách nào thì trọng tâm của các pháp tu ấy vẫn không ngoài Giới-Định-Tuệ.
Quảng Tánh