Chứng ngộ (Phần 2)

Sự chuyển hóa giữa chứng và ngộ chỉ có một chiều từ chứng đến ngộ, không có chiều ngược lại từ ngộ đến chứng.

1. Liễu nghĩa sự chứng ngộ

Đây là tiếng ghép đôi gồm có hai tiếng đơn, mỗi tiếng đơn góp một phần liễu nghĩa diễn ý toàn thể và trọn vẹn của tiếng phép đôi. Người thiện học cần hiểu ý nghĩa từng phần và tác dụng của sự ghép đôi nghĩa là sự liên hệ hỗ tương giữa hai tiếng đơn ghép lại. Chỉ cần thay đổi một tiếng đơn nội dung tiếng ghép đôi mới sẽ khác nội dung tiếng phép đôi cũ.

Chứng

Vừa là danh tự có nghĩa là Bằng cớ như tiếng ghép đôi Bằng chứng, vừa là động tự có nghĩa là Xác nhận như tiếng ghép đôi Chứng nhận. Bằng cớ có nội dung một sự kiện, một hiện tượng biểu lộ cho mọi người nhận thấy. Quán sâu hơn, nội dung này gồm có hai phần: Phần SỞ CHỨNG là đối thể tức sự kiện diễn tiến hay hiện tượng hiển lộ ra một cách khách quan và phần NĂNG CHỨNG là chủ thể đóng vai trò quan sát nhận thức một cách chủ quan. Chỉ cần thiếu một trong hai phần vừa kể thì Bằng cớ coi như không có.

Tại sao lại coi như không có mà không xác quyết là Không hay Có? Câu hỏi có phần tế nhị và câu trả lời dẫn giải cụ thể như sau:

Trường hợp không có Sở chứng, Bằng cớ không hiện hữu trong thực tế, sự kiện không hề xẩy ra, dù có sự quan sát kỹ lưỡng đến đâu cũng không thâu thập được gì. Đây là trường hợp KHÔNG cho nên KHÔNG, không có đối thể nên chủ thể dù có xác nhận cũng xác nhận là KHÔNG, Phật học gọi là Thực Chứng Chân Không hay Thực Chứng Nguyên Không.

Chứng ngộ (Phần 1)

18893101_440397289674384_3885022931428002548_n

Trường hợp có Sở chứng, Bằng cớ có xuất hiện, sự kiện có xảy ra nhưng không có Năng chứng, không có sự quan sát nhận thức một cách chính xác và đầy đủ, nghĩa là hoặc không có hẳn hoặc có nhưng hiệu năng sai nhằm thiếu sót. Đây là trường hợp CÓ mà coi như KHÔNG nghĩa là không biết đến hay hiểu sai, không đúng với Sự Thật, Phật học gọi là Giả chứng nghĩa là xác nhận một điều sai lầm Có mà xác nhận là Không. Đây là Ngoan Không, không phải là Chân Không. Người khéo tu cần phân biệt rõ ràng, không ngộ nhận Ngoan Không là Chân Không để tránh lạc vào Tà Giáo Không tưởng: Một khi CHỨNG đã sai lầm, Giả chứng lại nhận là Thực Chứng thì không thể đạt tới Giác Ngộ được.

Ngộ

Trong tiến trình tu Đạo, CHỨNG là giai đoạn chót cùng. Giai đoạn này gồm có nhiều dạng thái nhưng đều dẫn đến NGỘ, do đó có nhiều danh xưng đều nói về Ngộ như Tiệm ngộ, Đốn ngộ, Sơ ngộ, Đại ngộ… Danh xưng nói chung thường dùng là Chứng ngộ, Giác ngộ, Tỉnh ngộ…

Theo từ ngữ, Ngộ ở đây có nghĩa đen là Hiểu rõ ra, vỡ nhẽ ra. Phật tánh vốn có sẵn trong tâm thức còn ẩn tàng nay bừng sáng lên. Đây là tiếng đơn trong tiếng ghép đôi hay dùng trong Phật học như Chứng Ngộ, Giác Ngộ…Chữ Hán có nhiều tiếng đồng âm khác nghĩa, viết khác nhau như Hội ngộ (gặp gỡ), Đãi ngộ (đối xử), Ngộ nạn (gặp tai nạn). Ngộ nhận (hiểu sai lầm), Ngộ sát (vô ý giết người)…

Sự chuyển hóa giữa Chứng và Ngộ chỉ có một chiều từ Chứng đến Ngộ, không có chiều ngược lại từ Ngộ đến Chứng. Có ba mức độ chuyển hóa như sau:

Chứng đắc chuyển hóa thành Sơ Ngộ: Năng chứng nhận thức và giữ vững lấy Sở chứng, bắt đầu có thực nghiệm về hành trì Đạo pháp.

Chứng ngộ: Có kết quả đầy đủ về thực nghiệm pháp môn tu trì, cũng gọi là Giác ngộ.

Chứng nhập chuyển hóa hoàn toàn trọn vẹn thành Đại Ngộ: Năng chứng và Sở chứng dung thông khế hợp thành Một, không còn sự phân biệt chủ thể và đối thể nữa. Đây là trường hợp viên mãn Đạo quả. Chứng nhập cũng gọi là Ngộ nhập, nói là Chứng nhập khi chú trọng đến nguyên do sự chuyển hóa, nói là Ngộ nhập khi chú trọng đến kết quả sự chuyển hóa.

(còn tiếp).