Cách duy nhất để thay đổi số mệnh con người
Viên sinh Viên Liễu Phàm [1] tên húy là Hoàng, trước đây có tên tự là Học Hải. Thuở nhỏ có gặp một người họ Khổng ở Vân Nam, vốn được chân truyền phép toán số Hoàng cực của Thiệu Ung [2].
Ảnh minh hoạ.
Viên Liễu Phàm ghi chép lại tất cả những lời dự đoán ấy, sau trải qua các kỳ thi đều thấy đúng như lời. Sau đó, Viên Liễu Phàm có dịp đến Nam Ung, tham bái thiền sư Vân Cốc ở núi Thê Hà, cùng ngồi an tĩnh đối diện với thiền sư suốt ba ngày đêm không hề nhắm mắt. Thiền sư nói: “Người đời sở dĩ không thể trở nên bậc thánh, đều chỉ do vọng niệm trói buộc. Ông có thể ngồi yên trong ba ngày đêm không khởi sinh vọng niệm là nhờ đâu vậy?” Liễu Phàm thưa: “Trước đây có Khổng tiên sinh đoán vận mệnh cho tôi, mọi việc đều đúng, nhân đó tôi thấy rằng những việc sống chết, vinh nhục của con người ta đều đã có định số, dù muốn thay đổi cũng không thể được, nên chẳng nghĩ đến làm gì.”
Thiền sư Vân Cốc bật cười nói: “Ta vốn tưởng ông là bậc hào kiệt xuất chúng, nào ngờ cũng chỉ là một kẻ tầm thường. Ông nên biết, xưa nay những bậc đại hiền thiện thì số mạng không thể trói buộc, mà những kẻ đại gian ác thì số mạng cũng không thể trói buộc. Từ 20 năm nay, ông bị những lời bói toán của người kia quy định đặt để, không có được một chút tự mình chuyển đổi, há chẳng phải là tầm thường lắm sao?”
Viên Liễu Phàm liền thưa hỏi: “Vậy ra vận số có thể thay đổi được sao?” Thiền sư đáp: “Số mệnh là do chính mình tạo ra, phước báo do chính mình cầu mà được. Trong sách vở của Nho gia có nhiều chỗ dạy rõ điều đó. Kinh Phật lại có nói: ‘Cầu công danh ắt được công danh, cầu sống lâu ắt được sống lâu, cầu con trai, con gái, ắt có con trai, con gái…’ Lẽ nào đức Phật lại nói dối để lừa gạt người đời sao? Từ nay về sau ông nên thường ngày làm việc tích đức, mọi việc đều nên khởi tâm bao dung tha thứ. Hết thảy những việc từng làm trước đây, xem như đã chết từ hôm qua. Hết thảy những việc từ nay về sau, xem như mới được sinh ra hôm nay. Đó chính là ý nghĩa của việc làm sống lại thân này. Sách Thượng thư, thiên Thái giáp có nói: ‘Tai họa do trời giáng xuống còn có thể tránh né, tai họa do chính mình tạo ra thì không còn đường sống.’ Khổng tiên sinh đoán rằng ông không đỗ đại khoa, không có con nối dõi, ấy là tai họa trời giáng xuống. Nay ông nỗ lực làm thiện, rộng tích âm đức, đó là tự mình tạo phúc. Kinh Dịch nói rằng: ‘Bậc quân tử hướng về điều lành, tránh đi điều dữ.’ Nếu nói mệnh trời là không thể thay đổi, vậy điều lành làm sao có thể hướng về, điều dữ làm sao có thể tránh đi? Lại cũng trong Kinh Dịch, quẻ Khôn, ngay nơi phần ý nghĩa mở đầu đã nói rằng: ‘Nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm việc ác ắt gặp tai ương.’ Nay ông đã có thể tin hiểu được chưa?”
Năm sau, Liễu Phàm tham gia kỳ khảo thí của bộ Lễ, Khổng tiên sinh trước đã đoán rằng ông khoa này đỗ hạng nhì, nhưng kết quả ông đỗ đầu, xem ra lời tiên đoán đã không còn ứng nghiệm. Đến mùa thu năm ấy lại tiếp tục đỗ cử nhân. Từ đó mỗi ngày đều nỗ lực tu sửa đức hạnh, gia tăng công phu hành trì miên mật, mỗi khi một mình ở nơi vắng vẻ không người vẫn thường luôn tự xét, không để có chỗ ám muội đắc tội với trời đất quỷ thần. Kể từ năm Kỷ Tỵ[1569] phát nguyện làm 3.000 việc thiện, đến năm Kỷ Mão[1579] vừa tròn 10 năm thì tiên sinh hoàn tất đủ số.
Bấy giờ, tiên sinh lại phát nguyện làm việc thiện, cầu sinh con trai, cũng nguyện làm đủ số 3.000 việc thiện như trước, lại nhờ người trong nhà hỗ trợ cho mình, khi làm được một điều thiện liền ghi thêm số vào, khi có điều lầm lỗi lập tức trừ bớt đi. Đến khi niệm lành dần thuần thục, con số 3.000 cũng vừa gần đủ thì hạ sinh trưởng nam.
Đến năm Quý Mùi [1583,] ngày 13 tháng 9 lại phát nguyện làm 10.000 điều thiện, cầu đỗ tiến sĩ. Sang năm Bính Tuất [1586] quả nhiên thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm tri huyện Bảo Để. Khi ấy, mỗi ngày gặp việc thiện đều làm, mỗi đêm đều thắp hương khấn cáo. Đang khi lo lắng hằng ngày không có đủ việc thiện để làm, thật khó đủ số 10.000 như đã nguyện, thì một đêm bỗng nằm mộng thấy có vị thần hiện đến nói: “Chỉ riêng việc ông giảm thuế ruộng cho dân, xem như con số 10.000 điều thiện đã hoàn thành rồi.”
Liễu Phàm liền nhớ lại quả đúng có việc ấy. Nguyên là khi mới về nhậm chức ở huyện Bảo Để, thấy mỗi mẫu ruộng phải nộp thuế đến 2 phân 3 ly 7 hào [6], Liễu Phàm cho là quá cao, liền thay dân xin với triều đình giảm số thuế phải nộp xuống còn 1 phân 4 ly 6 hào. Tuy nhiên, Liễu Phàm trong lòng vẫn còn nghi hoặc, không tin rằng chỉ một việc ấy mà có thể được xem như cả 10.000 điều thiện. Gặp lúc có thiền sư Huyễn Dư từ núi Ngũ Đài đến, Liễu Phàm liền kể lại giấc mộng. Thiền sư nói: “Nếu tâm thiện chân thành chí thiết, dù làm một điều thiện cũng có thể bằng như vạn điều thiện. Huống chi giảm thuế cho cả một huyện, có cả vạn người được hưởng phúc ấy.” Tiên sinh nghe vậy rất mừng, liền dùng tiền lương bổng của mình gửi nhờ thiền sư về núi Ngũ Đài thay mình thiết lễ trai tăng cúng dường một vạn vị tăng để hồi hướng công đức.
Khổng tiên sinh từng đoán rằng Liễu Phàm chỉ sống đến 53 tuổi, nhưng về sau tiên sinh thực sự sống khỏe đến hơn 80, con cháu đều đỗ đạt thành danh, nối nhau không dứt.
Người đời thấy ai nỗ lực làm việc thiện liền chê bai rằng: “Làm việc thiện cần phải vô tâm, nếu có mảy may chấp trước thì sanh ra ý tưởng mong cầu phước báo.” Cách lập luận ấy chưa hẳn đã là không có chỗ cao minh, nhưng phần nhiều lại ngăn trở ý chí hướng thiện mạnh mẽ của người khác. Ví như người nông dân quanh năm cần cù lao động, lại bảo: “Ông không nên mong cầu lúc thu hoạch”, hoặc như người học trò mười năm khó nhọc, lại bảo: “Anh đừng nghĩ đến công danh”, liệu họ có vui vẻ nghe theo được chăng?
Chú thích:
[1] Tiên sinh Viên Liễu Phàm (sinh 1533, mất năm 1606) là tác giả sách Liễu Phàm tứ huấn.
[2] Tức Thiệu Khang Tiết (sinh năm 1011, mất năm 1077) là một học giả uyên bác, nghiên cứu Chu Dịch lâu năm, có để lại nhiều tác phẩm như Mai hoa dịch số, Hoàng cực kinh thế, Quan vật nội thiên, Ngư tiều vấn đối, Nhượng Sơn tập, Tử Bá Ôn biệt truyện…
[3] Ngày xưa gọi là lẫm sinh, tức là các nho sinh được nhận sự chu cấp từ công quỹ để lo việc ăn học.
[4] Cống sinh: nho sinh giỏi, được chọn lên kinh đô theo học để chuẩn bị cho kỳ thi tại kinh đô.
[5] An Sĩ toàn thư chép là hai năm rưỡi (二年半), nhưng theo sách Liễu Phàm tứ huấn (了凡四訓) thì là ba năm rưỡi (三年半).
[6] Đơn vị tiền tệ khi ấy lấy tiền làm đơn vị. Cứ mỗi một tiền có 10 phân, mỗi một phân có 10 ly, mỗi một ly lại có 10 hào.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả