Giải độc 5: Truyện ma
Truyện ma. Đó là câu chuyện hấp dẫn bọn trẻ con nhất. Bạn cứ chơi với một nhóm trẻ mỗi tối, cứ nói khẽ hôm nay chú kể truyện ma. Thế là bọn trẻ lại túm tụm quây quanh ngay tức khắc.
Sài Gòn những năm 70, tôi cũng chỉ là cậu bé tuổi dậy thì. Chúng tôi vẫn hay túm tụm quanh anh Khắc, người bạn cao niên, anh hay kể chuyện, chơi chung với bọn trẻ chúng tôi như thế. Thường chỉ những câu chuyện ma mới đủ sức hấp dẫn chúng tôi thôi. Nhưng tôi không kể lại những câu chuyện ma của anh mà kể lại đây câu chuyện ma…của tôi.
Những năm 70 là lúc chiến tranh rất ác liệt, Sài Gòn thiết quân luật. Từ 12 giờ đêm giới nghiêm, không ai được ra đường. Hồi ấy, cứ tối học xong, tôi lại hay cùng người bạn một đến chỗ anh Khắc, hai đi cafe, nghe nhạc. Tôi rất mê nhạc Pháp. Tối hôm ấy, hơn 11 giờ đêm, chúng tôi thả bộ từ cafe nhạc trên đường Gia Long về. Ngang qua Tòa Đại hình Sài Gòn (giờ là Tòa Án Nhân dân Thành phố HCM) đi trên vĩa hè thênh thang, bên trong là khuôn viên Tòa Đại Hình với rất nhiều bóng cây đại thụ tầm vốc hai ba người dang tay chưa chắc đã hết. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Nhìn vào một cây đại thụ, Be, bạn tôi nói: “Cây này, cỡ tuổi ông, tuổi bà mình”. Tôi nói: “Chắc chắn không dưới trăm năm”. Hai đứa còn chưa dứt ra khỏi câu chuyện về những cây đại thụ, mắt vẫn nhìn vào hàng cây. Be đột ngột giật khỏi tay tôi, vùng thoát. Tôi không biết chuyện gì, nhìn quanh quất. Sài Gòn thời ấy rất nhiều chuyện thanh niên đánh nhau vô cớ, xóm này, xóm kia. Mà có ai đâu, đường vắng tanh, chỉ có hai đứa. Tôi đuổi theo vượt qua ba cái ngã tư. Nhờ Be trượt chân bên kia ngã tư, tôi chồm tới ôm lấy nó. Nó vung ra, nhìn tôi, mắt thất thần. “Gì vậy?”- Tôi hỏi. “…Mệt quá, sáng mai tao nói”.
Hôm sau, định thần, Be kể lại. Lúc hai đứa đang nói chuyện và cùng nhìn vào bên trong hàng cây. Nó nhìn thấy một người chết treo cổ, áo trắng tinh, tay buông thỏng, lưỡi dài thậm thượt. Cái cây mà tôi và nó nhìn vào sát tường rào, cách chỗ chúng tôi cỡ 3 đến 4 mét là cùng. Nó đứng hình mất mấy giây cho đến lúc “con ma” đưa tay lên vẫy. Nó chạy như ma đuổi…Vẫy, vẫy…
Câu chuyện thứ hai. Nhà tôi ở đường Lê Lai, sát bên nhà ga xe lửa ngày xưa. Giờ đã giải tỏa làm công viên cạnh bên khách sạn New Word. Nhà tôi có xe tải, hay đậu bên tường rào nhà ga, nơi có cột đèn. Tối tôi hay ngồi trên nóc xe, đèn rất sáng. Ở đấy đọc truyện thật tuyệt vời, khỏi cần đèn, khỏi cần máy lạnh. Thằng Be cũng hay ngồi cùng. Tôi đọc truyện, còn nó nói nhảm. Nó đang nói câu chuyện ngày xưa chỗ nhà ga này có bà già bị xe lửa cán dính theo bánh xe, còn nửa người bên toa…Á..á…á. Tôi dừng đọc, nhìn theo tay nó chỉ. Tối om, chẳng thấy gì phía bên kia ánh đèn. Nó lăn tròn trên mui xe, đến chỗ ngủ của hai đứa, quấn mền cứng ngắc. Nó run lên như sốt rét.
Sau 1976, chúng tôi hồi hương về Tân Bình nay thuộc Bắc Tân Uyên – Bình Dương. Tân Bình xưa là vùng ven Chiến khu Đ. Chiến tranh cũng ác liệt ghê gớm. Về đây tôi lại có thêm một “mớ” chuyện ma nữa. Cái thì người khác kể cái thì chính ba tôi. Ông là viên chức ngành Giao Thông Vận Tải. Nhà chúng tôi hiện giờ là Nhà Từ Đường gia tộc Phạm Văn Bồng, lúc đầu nhà nhà cách nhau đến 1, 2 trăm mét. Ba tôi vẫn hay nghe văng vẳng tiếng mấy đứa trẻ khóc loe nghoe sau nhà như ai đem con bỏ chợ rất quái dị. Ông cứ lặng lẽ đi mon men ra sau nhưng càng đi càng nghe tiếng khóc xa dần. Ông quay vào thở dốc, thở không ra hơi. Còn nhiều lắm.
Nếu giờ tôi làm cái việc kể chuyện ma cho bọn trẻ thì không chê vào đâu. Hồi xây dựng Nhà Từ Đường mấy chú thợ rất thích nghe “ông” (cách gọi của mấy chú thợ người miền Bắc) cùng ngồi kể chuyện. Nhất là chuyện ma.
Nhưng chuyện ma không chỉ là chyện trẻ con. Chuyện người lớn hẳn hoi, chuyện của các vị sư thầy thường làm các clip pháp thoại. Các bạn cứ mở youtube tìm kiếm “pháp thoại chuyện ma” thì được các thầy kể cho nghe.
Người ta bảo, ma có người thấy, người không chứ không phải ai cũng thấy. Người “nặng bóng vía” không bao giờ thấy. Đó là cách nói ngược. Phải nói lại, chính xác là “người nặng bóng vía” , mới hay thấy ma. Tôi thuộc loại “nhẹ bóng vía” nên cả hai câu chuyện “Ma Sài Gòn” tôi đều cùng nhìn mà không thấy. Về Tân Bình còn vài chuyện nữa, nhưng thôi, bấy nhiêu là đủ.
Thế nào là nặng bóng vía. “Chữ nặng” đã nói lên tất cả. Sự tồn dư, tích lũy uế trượt, lậu hoặc. Các bạn có thể hình dung người thừa cân, mập mạp cũng là sự nặng nề ấy, Nó đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong TSH, “đầy trượt, xả trượt” là vậy. Toàn bộ sự nặng nề tàng chứa trong cơ thể (gọi chung là lậu hoặc) bạn có thể thấy, đó là người rất dễ nhiễm bệnh. Tôi không tuyên truyền về ăn chay. Các bạn cứ tùy hỷ, nhưng rõ ràng, cái trạng thái chay tịnh cho ta cảm giác “hỷ lạc, khinh an”, nó đào thải dần những lậu hoặc, chướng ngại trong cơ thể. Lậu hoặc là chướng ngại pháp trên toàn bộ các kinh mạch, nó làm nghẽn tắt từng mao mạch, từng vùng mô cơ, từng chi, từng bộ phận. Và bệnh tật bắt đầu.
Ma là gì?
Lòng tin có ma chính là lòng tin vô căn cứ. Bạn có thể đọc lại lòng tin chân chính (tin vào truyền thuyết, tin vào truyền thống, nghe nói đồn, nghe kinh tạng truyền tụng, lý luận siêu hình, đúng theo một lập trường, đánh giá hời hợt những dữ kiện, tin cái gì phù hợp với định kiến của mình, tin vào nơi phát xuất có uy quyền, tin vào bậc sa môn là đạo sư của mình). Lòng tin không đúng chỗ đã dẫn chúng ta đến mê tín, đến hoang tưởng, bệnh tật, căng thẳng, dễ xung đột…Đó chính là những người “nặng bóng vía”. Họ dễ có cảm giác lo lắng, phiền muộn, sợ hãi, tức giận…
Còn con ma từ đâu mà ra?
Tôi kể tiếp câu chuyện mới đây. Tôi có người em hiện đang sinh sống làm ăn trên Đắc Lắc. Cô ấy kể có ngôi nhà thuộc dạng “biệt phủ” tại Thành Phố Buôn Mê Thuộc, gần chợ. Khuôn viên có đến hàng ngàn hecta, đã chuyển qua hai ba đời chủ. Hiện rao bán, “đao” xuống còn hơn nửa giá mà không ai mua. Cách đây vài tháng, nhân dịp ngôi chùa gần đó có tổ chức an cư kiết hạ, người chủ sau cùng đã phải nhờ các thầy đến giúp. Tổng cộng năm sư thầy đến, dự định tụng kinh cầu an 3 ngày đêm liên tục.
Đêm đầu tiên, các vị tụng lóc cóc đến gần nửa đêm, dừng nghỉ, hôm sau sẽ tiếp. Các thầy được bố trí mỗi người một phòng, nhưng quí vị từ chối, vì “gom lại” cho ấm cúng hơn. Nửa đêm, người này níu người kia, kéo người nọ. Cuối cùng, các thầy về chùa ngay trong đêm.
Nếu hiểu được một cách căn bản về ngũ uẩn thì các vị đã hiểu ra không có con ma nào cả. Tách riêng từng vị một. Kể lể chi tiết, mô tả trang phục, sắc mặt, hành tướng, tính cách, nói năng…Ta sẽ có đến 5 con ma chứ không phải một.
Trong 5 uẩn có 4 vô sắc: thọ, tưởng, hành, thức thì thọ và hành thuộc công năng (dụng) tưởng, thức thuộc thể chất, tinh thần (thể). Tưởng là khu dung nạp, nhập kho, nhập liệu và…sáng tạo không ngừng nghỉ. Nó có đầy đủ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỷ xảo hình ảnh, màu sắc…Giống như hỉnh ảnh bà cụ trên sân ga mà bạn tôi “nó thấy lết ra tường rào” hay hình ảnh thấy ma chết treo nơi Tòa Đại Hình. Tất cả đều từ tưởng của Be (bạn tôi) lưu xuất. Nếu có người bạn nào được kể lại sẽ thấy hai con ma này với hình tướng khác thôi.
Giải độc 3: Chuyện về linh miêu tráo chúa
Nếu có bạn nào “nặng bóng vía, hay thấy ma quỉ” thì hãy tin chắc rằng sức khỏe không ổn, dễ bệnh tật, thần kinh thuộc loại có vấn đề. Và chắc chắn, bạn thuộc tuýp người hay câu mâu, hay càu nhàu, gây gổ. Tin tôi đi. Chắc chắn vậy đó. Bạn đọc lại “Hành trình về Phương Đông“, chương VI: Vị đạo sĩ có thể chữa mọi thứ bệnh.
Kỳ Nam