Đối diện với đau khổ cũng là thước đo đạo lực của chính mình

Hỏi: Khi con gặp những chuyện buồn, chuyện khó khăn trong cuộc sống, những chuyện tình cảm gia đình bạn bè thì con nên làm sao, và nên làm gì để tâm mình ổn định và sáng suốt. Để có thể giải quyết từng vấn đề.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hạnh phúc và khổ đau là một sự thực tập

Đáp: 

Tất cả những chuyện rối rắm trong cuộc đời là nghiệp mình phải trả và là thước đo đạo lực của mình, mình không có cách nào hết. Mình không có cách nào để giữ tâm bình thản trước điều đó hết. Chỉ có một điều duy nhất, đó là mình tu cho đến mức độ có đạo lực rồi thì tự nhiên nó bình an, chứ không có mánh lợi, không có kỹ thuật nào hết, hoàn toàn không.

Khi bí quá rồi thì chỉ niệm Phật Quan Âm thôi, lúc bối rối quá rồi thì mình nương tha lực niệm ” Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát xin gia hộ cho con ” thì lúc đó có thần lực của Ngài che chở làm cho mình lách lách đi qua. Đó là cách khi đạo lực mình chưa đủ, còn khi đạo lực mình đủ rồi thì mình bình an, chứ không có một mánh lới nào cả.

Ví dụ có người nói ” người yêu con bỏ con rồi ngồi khóc”. Hãy cứ khóc đã khóc nữa đi! Đừng ngừng, cứ khóc tiếp đi, khóc cho hết nghiệp. Mình cứ phải buồn và đối diện với nỗi buồn, đừng chặn nó. Hoặc là thấy có người có người thân mất, họ khóc, kệ cứ để họ khóc.

Con người ta cứ phải đi qua cảm xúc, những tình cảm đó, vậy chứ rồi người ta trưởng thành, người ta lớn lên, chứ không cần đè nén, chỉ khi nào tu đúng rồi tự nó mất, nhẹ nhàng chứ không cần làm ra vẻ.

Buồn cứ để buồn, đau cứ để đau, khổ cứ để khổ và trong đó mình chiêm nghiệm đạo lý: “hiểu được nỗi buồn là như thế, nỗi đau là như thế, cuộc đời là như thế, nhờ vậy mình sẽ hiểu ra nhiều cái”. Chứ còn cứ đè nén để gọi là vô tâm coi chừng mình lại trở thành cây đá, mình không hiểu được nhiều điều trong cuộc sống, mình sẽ không thông cảm được nỗi khổ của người khác, mình có khổ rồi mình mới hiểu được nỗi khổ của người khác.

TT.Thích Chơn Quang