Then chốt của luân hồi và giải thoát (Phần 1)

Phật dạy: Chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường là do vô minh tác động, gây nghiệp và chịu quả báo. Như vậy, muốn hết luân hồi sinh tử thì phải diệt vô minh. Chúng ta hãy tìm hiểu vô minh là gì?

Mục đích của người tu hành là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, được giác ngộ và giải thoát. Người tu thì nhiều mà người giải thoát không được bao nhiêu, vì sao ? Vì pháp của Phật không đúng chăng? Vì chướng ngại quá lớn chăng? Không, Pháp của Phật là chân lý muôn đời, còn chướng ngại thì không cao, không lớn, chỉ vì người tu hành không thực hành đúng như lời Phật dạy hoặc không biết rõ then chốt của luân hồi và giải thoát để nắm giữ và hạ thủ công phu.

Phật dạy: Chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường là do vô minh tác động, gây nghiệp và chịu quả báo. Muốn cho người tu hành hiểu rõ sự việc từ đầu đến cuối, Phật dạy lý mười hai nhân duyên: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão Tử. Nếu Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt… Sinh diệt thì Lão Tử diệt.

Trôi lăn trong lục đạo luân hồi đến lúc được làm người là một điều hy hữu

03

Như vậy, muốn hết luân hồi sinh tử thì phải diệt vô minh. Chúng ta hãy tìm hiểu vô minh là gì? Theo kinh A Hàm thì nếu không biết Tứ Đế như thật, là vô minh. Theo kinh Viên Giác, nếu còn thấy thân ngũ uẩn và lục trần có thật, là vô minh, nghĩa là còn chấp ngã là vô minh. Theo Tổ Hoàng Bá, nếu đem một hạt bụi chia ra 100 phần, nếu thấy 99 phần là giả, chỉ còn thấy một phần nhỏ nhất là thật có thì vẫn còn vô minh.

Làm sao diệt được vô minh? Rất khó, vì nó thuộc về nhân quá khứ, làm sao diệt được? Như vậy, chúng ta không thể chặt đứt vòng luân hồi ở chỗ vô minh được, mà phải tìm chỗ khác. Hành, thức, danh, sắc, lục nhập cũng không được, vì làm sao diệt được. Hành, là nghiệp quá khứ, thức, danh sắc, lục nhập là bộ phận thân thể của con người, chẳng lẽ mang ra hủy hoại ? Xúc, thọ là những cảm giác ảnh hưởng tới chúng ta, cũng không tu được. Chỉ còn Ái là cái bộ phận, cái khoen mềm yếu nhất trong cái vòng gồm 12 cái khoen của sự luân hồi, chính nơi đây người tu hành nhắm vào để chặt.

Ái là thương yêu. Vì thương yêu nên muốn nắm giữ (thủ), nắm giữ cho ta (ngã), vật đó của ta (ngã sở). Diệt Ái tức là phá trừ chấp ngã và ngã sở vậy.

Người đời được khen thì vui, đó là thọ lạc. Bị mắng thì buồn đó là thọ khổ. Nếu có tiếng nói không khen, không chê thì mình không vui, không buồn đó là vô ký. Đó là nói về tiếng. Nếu nói về sắc thì cũng vậy, đẹp thì thích, xấu thì chán ghét. Người tu phải làm sao không còn cái tâm ưa thích, chán ghét, giận giữ, nghĩa là giữ tâm an tịnh chứ không phải gỗ đá.

Có ai là thương yêu, thích thú, là có lòng tham (thọ lạc). Nếu điều gì mình ghét là có lòng sân (thọ khổ). Làm sao đừng tham, đừng sân. Ái tương đương với Tham, trái lại ghét trong đường với Sân, còn Vô Minh chính là tương đương với Si; Tham, Sân, Si gọi là tam độc.

Si là thủ phạm gây ra tội lỗi, là tên khác của Vô Minh. Vì si mê lầm lạc mà chúng ta không phân biệt được điều hay, lẽ dở, không biết đâu là thật, là giả, đường thẳng không đi lại đâm vào bụi rậm. Phải diệt Si thì Tham, Sân sẽ hết. Nếu không tìm ra Si để diệt thì không bao giờ diệt được Tham và Sân.

Như đã nói ở trên, người đời được khen thì vui thích, bị chê mắng thì chán ghét. Vậy nếu không thấy ghét thì làm sao mà dứt được ? Đó là then chốt của sự tu hành. Đừng còn thấy khen chê là thật thì sẽ dứt được vô minh. Các Tổ dạy phải Quán Thọ Thị Khổ, Thọ Lạc cũng không thích, Thọ Khổ cũng không giận; Thọ không, Lạc không, Khổ cũng không ưa, phải bình đẳng đối với Tam Thọ mới được.

(còn tiếp).

HT.Thích Thanh Từ