Pháp niệm Phật nào đúng?
Căn bản có bốn pháp niệm Phật: Trì danh niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật.
Hỏi: Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông – Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải), niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si…, mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm. Niệm Phật chuyên cần có thể đạt nhất niệm (tức là cận hành định), lúc này cần phải tu tuệ minh sát mới đoạn diệt phiền não và chứng đạo, giải thoát (có Chỉ, có Quán). Như vậy, hai truyền thống trên có sự khác nhau, vậy bên nào đúng, hay mỗi bên có một cách hiểu riêng?
Đáp:
Bạn thân mến!
Trong hai truyền thống Phật giáo lớn của thế giới hiện nay, Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) và Phật giáo Bắc tông (Phát triển) đều có pháp tu Niệm Phật. Và dĩ nhiên, mỗi truyền thống đều có phương cách tu tập riêng.
Trước hết, niệm Phật là một trong những pháp tu căn bản của Phật giáo Nam tông, do chính Đức Phật Thích Ca chỉ dạy lúc Ngài còn tại thế. Niệm Phật hay niệm ân Đức Phật Thích Ca đạt nhất tâm thì thành tựu Định (Chỉ). Hành giả cần phải tu Tuệ (Quán) để quét sạch phiền não, lậu hoặc, vô minh mới thành tựu giác ngộ, giải thoát. Lộ trình tu tập của Đức Phật Thích Ca với Định – Tuệ viên mãn là minh chứng cụ thể.
Giáo điển Tịnh Độ tông (thuộc Phật giáo Bắc tông) chủ trương Niệm Phật A Di Đà hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên, giải thoát theo pháp môn Niệm Phật của tông Tịnh Độ có hai dạng: Một là, niệm Phật đắc tam muội được vãng sanh về Tây phương, thoát ly sự khổ của Ta-bà. Hai là, niệm Phật đắc tam muội, chứng ngộ thật tướng, tự tại giải thoát ngay trong hiện tại.
Vì sao “niệm Phật đắc tam muội được vãng sanh về Tây phương, thoát ly sự khổ của Ta-bà” được gọi là giải thoát? Thực chất giải thoát ở đây là một cách gọi khác của thành tựu Bất thối chuyển. Nghĩa là, khi đã về Tây phương Tịnh độ rồi thì không còn luân hồi trong lục đạo ở Ta-bà sinh tử khổ đau nữa, nương thắng duyên ở Tịnh độ mà tu hành thẳng đến quả vị Phật-đà. Dù hiện tại chưa thành Phật nhưng ai đã về Tịnh độ rồi thì chắc chắn sẽ thành. Cơ sở của việc vãng sinh Tịnh độ chính là niệm Phật đạt nhất tâm (Định, Tam muội). Do đó, Đại sư Ngẫu Ích trong A Di Đà yếu giải, nói “niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn thì thành tựu giải thoát” chính là ý này.
Người tìm hiểu giáo điển Tịnh Độ tông cần lưu ý là, tinh túy của pháp môn Niệm Phật không chỉ thành tựu niệm Phật tam muội (Định – Chỉ) để cầu vãng sinh Cực lạc mà ngay nơi Định (Chỉ) ấy, phát huy Quán (Tuệ) để chứng ngộ thật tướng, thể nhập với Tự tánh Di Đà, chứng đạt giải thoát ngay trong hiện tại.
Căn bản có bốn pháp niệm Phật: Trì danh niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật. Trong đó Thật tướng thuộc về lý niệm Phật. Lấy tự lực làm chủ đạo trong sự tu hành. Niệm (Quán) thật tướng các pháp, tức niệm thật tướng Phật. Thật tướng là vô tướng. Nhờ quán thật tướng mà chứng đắc pháp tánh viên dung vô ngại.
Có thể thấy rất rõ rằng, giáo điển tông Tịnh Độ, ngoài mục đích vãng sanh Cực lạc với nỗ lực niệm Phật đạt tam muội nhất tâm (Định, Chỉ), còn có phương thức niệm Phật để thành tựu giác ngộ và giải thoát trong hiện đời bằng cách viên dung Chỉ và Quán (Định và Tuệ). Niệm Phật nhằm chứng ngộ thật tướng, chứng đắc thật trí thì không khác với Thiền, Chỉ và Quán đều đủ.
Nhiên Như- Quảng Tánh