Trên đời này cái gì là khổ nhất?
Khi Phật còn tại thế, đệ tử lớn là A Na Luật cùng 4 vị đồng tu mới ngồi lại thảo luận với nhau về đề tài: Trên đời này cái gì là khổ nhất?
Một thầy tỳ kheo nói: “Con người khổ nhất là do lòng tham dục phát sinh quá đáng, khi sự tham dục không được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy khổ đau, nó có thể dằn vặt hành hạ mình ghê gớm, nhiều người chịu không nổi phải quyên sinh tự tử”.
Thầy tỳ kheo khác lại nói: “Trong cuộc sống, khổ nhất là không được ăn uống no đủ, sự thèm khát trong thiếu thốn, làm cho con người ta khốn khổ không gì có thể so sánh được”.
Một thầy khác lại nói: “Con người khổ nhất là nỗi sợ hãi trước các loài cầm thú hoặc sự khủng bố của con người, không có một giây phút nào cảm thấy bình an”.
Đúng lúc ấy Phật trên đường hoằng hóa độ sinh, ghé lại thăm các đệ tử của mình, họ mới trình bày quan điểm của mỗi thầy “cái gì là khổ nhất”. Phật nghe xong mới nói: “Các con đều chưa nói được cái gốc của khổ, tất cả những điều các con nói chỉ đúng một phần thôi, giống như người mù sờ voi vậy, mỗi người đều chỉ nói đúng một phần.
Trong số các con, có người từng là chim bồ câu tái sinh, cho nên nói rằng tham dục là khổ; có người kiếp trước làm con chim ưng bị đói khát nên cho rằng sự đói khát là khổ, có người là rắn độc tái sinh nên nghĩ sân hận là khổ não, có người kiếp trước là thỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi là khổ. Tất cả từ con người cho đến loài có tình thức đều phải chịu sự chi phối của sinh già bệnh chết, nên đau khổ vô cùng tận không luận là giàu nghèo hay sang hèn.
Hình ảnh quen thuộc hàng ngày của người nông dân khắp tất cả ba miền đất nước, ta thường bắt gặp những hình ảnh giản dị qua cuộc sống. Đi làm đồng về, người chồng dựng vội cái cày, cái cuốc, với bình trà xanh, trong khi bà vợ tất tả ném vội nắm thóc cho đàn gà, rồi bước vào chuồng heo để tẩy uế và tắm mát cho chúng.
Trong những vật nuôi trong nhà, trâu, bò, ngựa, heo, chó, mèo, gà, là những con vật không thể thiếu ở nông thôn. Họ lý giải chức năng của chúng thật chặt chẽ, rõ ràng. Con trâu, con bò cày ruộng, con ngựa kéo xe, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con gà chạy lăng xăng, bươi mỗ kiếm chút đồ thừa thải.
Chúng ta thấy rõ ràng nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, làm phước thì được hưởng phước, được ăn ngon ngủ kỹ mà không phải làm lụng nhọc nhằn, khổ sở; nhưng ngược lại vì nhân giết hại do ngu si, mê muội nên bị quả báo mạng sống ngắn ngủi và bị giết hại lại.
Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên mới bị đọa lạc như thế, loài ngựa tuy phải nhọc nhằn, cực khổ làm lụng vất vả, ăn uống đạm bạc, phải ra công vận chuyển giúp đỡ loài người có phương tiện sinh sống nhưng nhờ vậy chúng lại được tôi luyện.
Nhân đam mê hưởng thụ quá đáng sẽ khiến con người ngày càng sa đọa, gieo đau khổ cho mình và người, giống như loài heo được ăn no ngủ kỹ rồi chờ ngày bị con người phanh da xẻ thịt đau khổ vô cùng. Kẻ ngu si chỉ biết hưởng thụ đam mê nhất thời mà phải chịu khổ triền miên không có ngày thôi dứt. Người trí vì lợi ích an vui lâu dài cho chính mình và tha nhân nên luôn sống đơn giản, muốn ít biết đủ để có cơ hội phục vụ và đóng góp cho con người nhiều hơn.
Tham có nghĩa là tham lam, ham muốn quá đáng như tham sống sợ chết, tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon ngủ kỹ… Do chấp thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ thân này.
Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy, như cái hang không cùng nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn phiền, giận dỗi, tìm cách trả thù dẫn đến tàn sát, giết hại lẫn nhau, gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều người.
Quả thật, lòng tham con người vô cùng tận như giếng sâu không đáy, chúng ta có thể dò được đáy sông, đáy biển nhưng không thể đo lường lòng tham của con người vì nó không có bến bờ nhất định.
Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện tại. Họ có trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này, nếu con người sống không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý, thì xã hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu, mà lịch sử loài người đã chứng minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người.
Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn, thì thế gian này khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời chúng ta, không một ai có thể thoát được.
Ngoại trừ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các chư vị đại Bồ tát, các Ngài đã vượt qua được mất, khen chê, tốt xấu lẫn khổ vui của cuộc đời, để thành tựu đạo quả giác ngộ, giải thoát giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi nhàm chán. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người, và biết cách làm chủ bản thân thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau.
Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu, và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng, như ý. Ai cũng có những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt.
Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh, già, bệnh, chết. Ngoài xã hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống, và đủ thứ nỗi khổ, niềm đau đến với con người: yêu thương, xa lìa nên khổ; oán ghét mà gặp nhau hoài là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn vượt qua nỗi khổ niềm đau thì phải làm sao đây?
Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ nhung, không sầu khổ, không nuối tiếc hay hy vọng một điều gì đó? Có ai sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện vào đời để giáo hóa chúng sinh.
Thế giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người nên cũng bị vô minh chi phối. Loài vật chỉ sống theo quán tính, thói quen, không có sự nhận định, suy xét, tìm tòi, quán chiếu soi sáng như loài người bởi nghiệp si mê nhiều đời chiêu cảm.
Người ham hưởng thụ nhiều cho rằng chết là hết, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo sẽ tranh thủtận hưởng khoái lạc trần gian bất chấp luân thường đạo lý, cuối cùng gây nhiều tội lỗi tày trời làm băng hoại đạo đức xã hội. Người bi quan yếm thế sẽ chán chường, chẳng muốn làm gì hết vì nghĩ có cố gắngcũng phí công vô ích, thà ăn không ngồi rồi còn sướng hơn.
Người mê tín khi nghe vậy cứ tưởng đấng sáng tạo đang trừng phạt con người nên càng cầu khẩn, van xin ban ân huệ, cuối cùng dẫn đến cuồng tín, si mê không biết phân biệt đúng sai. Người ăn không ngồi rồi, người đầu trộm đuôi cướp, người si mê nghiện ngập sẽ càng sa đoạ hơn khi tin vào những điều huyền hoặc vu vơ. Họ mặc tình ngang nhiên làm nhiều điều phi pháp để kiếm tìm sự hưởng thụ cho thỏa thích vì sợ sau khi chết sẽ làm ma ngáp ruồi. Tất cả những hạng người ấy đều phải chịu quả khổ đau vô cùng tận không có ngày thôi dứt vì quan niệm sai lầm.
Riêng con người thì thông minh hơn, ác độc hơn, vì có hiểu biết hơn nên có thể giết hại tất cả các loài vật khác, thậm chí có thể giết hại luôn gia đình người thân của mình. Con người phát triển, mở mang tới đâu thì tàn hại và huỷ diệt thiên nhiên muôn loài vật tới đó. Giết hại con người thì mạng đền mạng hoặc chịu tù từ 10 năm cho đến chung thân, hơn thế nữa sẽ bị chi phối bởi luật nhân quả mà âm thầm nhiều kiếp bị chết yểu, bệnh hoạn và bị giết hại trở lại.
Hiểu vô thường, người ta có thể xuyên qua bão giông trong cuộc sống
Giết hại con người thì quả báo nặng hơn các loài khác vì có cộng nghiệp người thân trả thù nên ảnh hưởng nhân quả rất lớn. Giết hại các động vật có tâm thức thì tuỳ theo mức độ cố ý hay vô tình mà thủ phạm phải chịu trả quả bị thương tật, chết chóc, hoặc có thể bị tai nạn chung với nhiều người như thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông… Rất nhiều nghiệp nhân khác làm hủy hoại trái đất để phục vụ nhu cầu cuộc sống cho con người như chặt phá cây rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi làm môi trường ô nhiễm; quả báo phải trả là tai hoạ chung của toàn nhân loại do nhân phá hủy sự sống mà ra.
Người con Phật với tinh thần từ bi, trí tuệ mỗi ngày hãy nên quán sát và xem xét từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trong từng phút giây không lơ là, giải đãi; muốn ít biết đủ, không xan tham quá mứcnhững nhu cầu hằng ngày.
Con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau để cân bằng sinh thái của bầu vũ trụ bao lanày, nếu không con người sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau và sống trong oán giận thù hằn, bởi nhân đấu tranh giành giựt chiếm đoạt.
Sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời, chính là do nhân ham muốn luyến ái dục lạc, mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn, vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại, sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài, thì phải chịu quả báu khổ đau, cùng cực.
Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt, vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường hướng thượng, để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, nhờ giữ gìn năm giớicủa nhà Phật: không giết hại, trộm cướp, lường gạt, tà dâm, nói dối, và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke ma túy, để làm tổn hại cho nhân loại.
Khi chúng ta nhận biết cuộc đời là một trường đau khổ, và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người, từ vua chúa, quan quyền, cho đến dân đen, con đỏ. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không biết bao giờ kể xiết, nó đeo đẳng chi phối đời sống của ta như bóng theo hình.
Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh, nên đã chỉ ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ dạy phương phápdứt khổ, để chúng ta cùng được sống trong bình yên, hạnh phúc.
Khổ là một sự thật. Phần lớn, mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ đâu ra? Từ sự chấp trước thân tâm này làm ngã là ta, là tôi, là mình nên muốn chiếm hữu, rồi từ đó tham muốn quá đáng mà sinh ra các hệ lụy khổ đau.