Tin vào đôi cánh của mình

Ai không đủ duyên lành với Phật pháp sẽ không thể ngồi yên lắng nghe những vấn đề giáo lý xem chừng không liên quan đến đời sống của mình.

Dù có đang vui cỡ nào hãy nhớ rằng: Sẽ có một ngày nằm liệt giường, tiêu tiểu tại chỗ; sẽ có một ngày tóc bạc răng long, sẽ có một ngày trên nói dưới không nghe, đầu kêu bước mà chân không thèm nhúc nhích; sẽ có một ngày tay cầm đũa ăn không nổi; sẽ có một ngày không muốn mà nước miếng cứ chảy ròng ròng; sẽ có một ngày vợ chồng, con, cháu chắt, không muốn dòm mặt mình nữa vì hôi thúi tanh tưởi quá, vì rên xiết, vì nói dai vì lẫn…

Ảnh Làng Mai.

Ảnh Làng Mai.

Sẽ có một ngày đối diện với bốn bức tường khuya nằm nghe thạch sùng tắc lưỡi trên vách, hoặc một mình nằm trên chiếc võng kẽo kẹt nghe gió thổi ngoài song cửa, nghe cây lá trở mình ngoài vườn sau, khi đó chỉ có một mình không còn gì hết, rất đáng sợ. Với một người quán chiếu thường xuyên và liên tục, tuổi già không đáng sợ như vậy đâu. Có người huệ căn ngon lành, trí tuệ sung túc, họ tu vì tiếng réo gọi của hạt giống Bồ-đề, nhưng có người tu vì khổ quá như bản thân chúng tôi, chọn pháp môn quán chiếu năm uẩn bởi vì chúng tôi là một người hèn quá, chúng tôi sợ khổ, biết mình chịu không nổi thị phi.

Phải đâu ta sợ chi tình

Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm.

Thêm một chút đầu tư, thêm một chút nắm níu, thêm một chút bám víu là chắc chắn sẽ có một lần bị khổ. Con chim đậu trên cành, nó không tin cậy vào cái cành, nhưng nó tin vào đôi cánh; còn mình thì đứng trên cành cây, dồn hết niềm tin cho cành cây. Bậy vô cùng! Quán chiếu 5 uẩn là tin vào đôi cánh của mình không dồn niềm tin cho những gì mình đang có, từ tình cảm đến tài sản, tiền bạc, nhan sắc, tuổi trẻ…

Chúng ta vốn dĩ là cô đơn, mà nói như vậy chúng ta cô đơn đã quen rồi, chúng ta quen khổ một mình, quen vui một mình, quen ác một mình, quen thiện một mình. Chẳng qua vì ảo giác, chúng ta thấy rằng một chiều mưa biên giới, ngồi một mình hiu quạnh cô độc quá chúng ta thèm một bàn tay, một mái tóc, một ánh mắt, một tia nhìn để sởi ấm lòng mình cho nó bớt cô quạnh, mình tưởng đó là tri âm tri kỷ. Không có đâu. Nó chỉ góp phần chen lấn thôi, chứ niềm cô đơn của chúng ta vẫn muôn đời nằm đó không ai chia xẻ được cho mình đâu. Tôi xin quý vị tin như vậy đi.

Không có khả năng sống một mình bây giờ, thì mai này anh vào bệnh viện anh sống một mình, anh nằm với ai? Anh nằm với con người của anh. Anh ở đó, trên giường chết, anh hấp hối với ai? Hấp hối với anh. Anh tắt thở rồi, anh đi về một phương trời miên viễn chiêm bao nào đó, thì anh đi với ai? Anh đi một mình anh. Anh đừng có nói với tôi là anh có vợ, có chồng, có con có cái, có bạn có bè, có tri kỷ, tri âm, tôi van anh đừng có nghĩ dại như thế nha. Anh mãi hoài trước sau chỉ có một mình anh. Anh đã luân hồi vô số kiếp, một mình anh, anh có nghiệp thiện, nghiệp ác của một mình anh, anh đi vào các cõi một mình anh.

Có một điều trong cái cõi nào đó, anh vô thấy chung quanh, nhìn những người gần gũi anh về quan điểm, về không gian, về địa dư, anh cho đó là bầy đàn, là đoàn thể, là cộng đồng, là dân tộc, là xã hội, là đất nước, là quê hương, là cố quận của anh; chớ thật ra hỏng có! Anh vẫn một mình, anh chỉ là một chiếc lá giữa rừng lá thôi, anh hiểu không?

Anh chỉ là một giọt nước trong một cái dòng nước, mà nói vậy thì mình cũng không thấy sự lẻ loi của nó. Nhưng mai này mà có ai đó lấy một giọt nước đem lên bờ mới thấy nó lẻ loi biết chừng nào! Khi một giọt nước rời khỏi dòng nước, những giọt nước còn lại có đứa nào buồn, có đứa nào kêu réo, nhớ thương không? Không có. Ngày nào anh còn ở với chúng tôi thì anh là một phần của cái cộng đoàn mà chúng ta đang có mặt. Mai này duyên đến đẩy anh đi thì anh đi phần của anh, chúng tôi tiếp tục ở lại. Đó là chuyện đời nó bạc như vậy đó.

Tại sao anh sợ chết? Vì anh sợ mất. Nói thẳng luôn: một là anh sợ mất; hai là anh mịt mù anh không biết anh sẽ đi về đâu? Tai sao anh sợ hãi khi không biết đi về đâu? Là vì mình sợ khổ ở trong một cảnh giới nào đó. Mình không còn sung sướng như bây giờ nữa.

Nói ví dụ: Bây giờ tài khoản của mình ở trong nhà băng đã lên 36 tỉ đồng Việt Nam rồi, mình có mấy chiếc xe, con cái mình gửi qua Úc, qua Mỹ học hết rồi, tương lai đang sáng ngời, mình đang chờ bồng những đứa cháu nội cháu ngoại bụ bẫm kháu khỉnh. Mà đùng một phát vô bệnh viện là mấy cái này mất sạch! 36 tỉ đó là đứa khác nó xài, cháu nội, cháu ngoại có những đứa khác nó bồng. Rồi mai này những đứa con, những đứa cháu tốt nghiệp đại học về ai đón nó ở phi trường đây? Bao nhiêu người mơ ước được 1% những gì mình có mà không được. Bao nhiêu kẻ bây giờ đang khổ cực bán vé số, bán bánh mì, bán dạo buôn gánh bán bưng, bán chè bán cháo đầy đường, vậy mà họ sống trơ trơ. Còn mình giờ đây những thứ mình có mà một sớm mai hồng mình phải lìa bỏ tất cả. Lòng nào mà cam cho nổi?

Ai không đủ duyên lành với Phật pháp sẽ không thể ngồi yên lắng nghe những vấn đề giáo lý xem chừng không liên quan đến đời sống của mình.

Ta sẽ có một tuổi già như thế nào, những ngày nằm bệnh ra sao, giây phút lìa đời thế nào và sẽ đi về đâu, đều tùy thuộc vào cách hiểu đạo và sống đạo của ta hôm nay.

Sẽ có một ngày bà con buông hết mọi thứ, ngồi yên để nhìn thân tâm. Sẽ có một ngày mình nằm liệt giường, vợ chồng con cái thờ ơ ghẻ lạnh, lúc đó mới thấm thía cuộc đời và hiểu rằng, thì ra mình đến với cuộc đời này vốn dĩ bằng sự cô đơn và mai này lìa đời trong sự cô đơn. Tất cả những tài sản, vợ chồng, con cái, chỉ là ngoại thân. Phải luôn tâm niệm cái gì có được rồi sẽ mất. Những buồn vui thiện ác nào đang diễn ra trong đầu mình lúc này chắc chắn rồi cũng sẽ qua đi.

*Toại Khanh là bút hiệu của Sư Giác Nguyên thuộc Theravāda. Sư Toại Khanh được biết đến là nhà văn, nhà thơ, dịch giả của nhiều bộ sách quan trọng. Sư giỏi Anh, Pāḷi, Hán, Thái, nghiên cứu thêm tiếng Nhật, Sanskrit, Tạng… với nhiều bài viết đánh thức nhiều người. 

Toại Khanh