Phật ở đâu?

Đức Phật lịch sử đã nhập diệt cách đây hơn 2.500 năm, nhưng đạo Phật và những lời dạy của Đức Thế Tôn vẫn lưu truyền, được nhiều người hôm nay và cả mai sau áp dụng để có được đời sống hạnh phúc thực sự.

Với người Phật tử, Phật là một trong ba ngôi tôn quý, nơi nương tựa thiêng liêng. Ngoài Đức Phật lịch sử đã nhập diệt, còn có Đức Phật nào khác nữa không? Có một Đức Phật… trong tâm mỗi người hay không? Đâu là cơ sở để nhận biết điều đó và làm sao nhận biết Phật ở đâu để mà trở về nương tựa?

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM đã có cuộc trò chuyện xoay quanh những câu hỏi trên với Giác Ngộ số đặc biệt – kính mừng Phật đản Phật lịch 2566. Thượng tọa nói:

– Đức Thích Ca Mâu Ni là nhân vật lịch sử sinh ra, lớn lên, ngộ tứ tướng vô thường xuất gia, tầm đạo, chứng đạo, hóa đạo rồi vào Niết-bàn. Câu chuyện về một hoàng thái tử ra đời nơi công viên Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) sau đó trở thành vị Sa-môn chứng thánh có lẽ ai trong chúng ta cũng biết. Song, không phải chỉ có thái tử dòng họ Thích Ca chứng Vô thượng Chánh đẳng giác (anuttara-samyak-sambodhi) mà còn có nhiều Đức Phật thị hiện ở nhiều cõi khác nhau. Quan điểm này được cả hai hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Phật giáo phát triển (Mahāyāna) ghi nhận.

Kinh Đại bổn (Mahāpadānasutta) trong Trường bộ kinh và nhiều bản kinh khác trong tạng Nikaya có đề cập đến bảy Đức Phật thời quá khứ, bắt đầu là Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassī). Kinh Phật Chủng tính (Buddhavamsa) có nêu 21 vị Phật, cùng với 7 vị Phật quá khứ hợp thành 28 vị Phật. Một số kinh văn của Phật giáo Đại thừa như Pháp hoa, Hoa nghiêm… còn đề cập đến tam thế Phật (Đức A Di Đà, Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Di Lặc), ngũ phương Phật, thập phương Phật, thậm chí còn có cả “hằng hà sa số chư Phật các ư kỳ quốc” (Kinh A Di Đà).

Vậy nên, người học Phật cần hiểu rằng, thế giới không chỉ có một cõi mà vô số cõi. Chư Phật không chỉ có một vị mà vô số chư Phật. Chúng ta đang ở phàm cư không thể biết được vô lượng cảnh giới, trong đó có cảnh giới của chư Phật, cũng như những con cá lia thia ở ao đìa không thể biết được đại dương bao la, đất trời vô tận.

Phật ở đâu? ảnh 2

Tu học Phật để tỏ lộ chân tâm

Vậy câu nói “Phật tại tâm” trong đạo Phật được hiểu như thế nào, thưa Thầy?

– Phật (Buddha) là Giác ngộ, là Chánh Biến tri, bậc rõ biết thực tướng thế gian, tỉnh thức vẹn toàn. Khi đề cập đến Phật (như một danh từ) ta ngầm hiểu là một vị Phật (như Đức Thích Ca Mâu Ni). Còn “Phật” ở trong “Phật tại tâm” là tính từ, tức là tính giác ngộ bên trong mỗi con người. Ý là mỗi người đều có tính giác ngộ, tỉnh thức tiềm tàng tự tâm mà kinh điển Đại thừa gọi là “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”.

Nếu thực tập Thánh đạo tám ngành (Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo) một cách viên mãn thì ai cũng có khả năng giác ngộ, tỉnh thức như Đức Phật. Nói cho dễ hiểu, Đức Phật được xem như vàng ròng, còn “Phật tại tâm” là vàng trong quặng vẫn còn lẫn tạp chất. Nếu am hiểu kỹ năng tách chất thì vàng sẽ được tách ra khỏi các tạp chất. Nếu biết tu hành đúng pháp sẽ thanh lọc được tạp chất tham sân si, làm hiển lộ được chân tâm giác ngộ sáng ngời.

Thực ra “thành Phật” là kết quả của trạng thái chuyển tâm từ mê sang ngộ. Con người bị ngộ nhận bởi hai chữ “thành Phật”, từ đó hình thành nên một “ngã tướng” về Đức Phật, mà không hiểu rằng Phật chỉ là sự giác ngộ tối thượng về mặt tâm thức. Vậy nên giác ngộ, tỉnh thức là quá trình chuyển hóa từ phàm lên thánh, từ phiền não thành Bồ-đề chứ không phải “thành” ai hay thành một cái gì cả.

Phật ở đâu? ảnh 3

Có bạn đọc hỏi, làm sao nhận biết Phật ở đâu để mà trở về nương tựa?

– Một đứa bé thường nương vào bố mẹ như một nơi trú ngụ an toàn, một người trưởng thành cũng cần nương vào gia đình, người thân… để xây dựng hạnh phúc cuộc sống. Con người dù bất cứ ai, ở địa vị nào, phú bần ra sao thì vẫn phải đối mặt với phiền não, khổ đau. Phiền, khổ chỉ có thể được hóa giải một khi tâm đã giác ngộ. Do vì chưa tự giác ngộ nên ta phải nương vào Đấng Tỉnh thức – Đức Phật – để giúp chuyển mê khai ngộ.

Có ba cấp độ để nương tựa Đức Phật. Một là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài chứng đạo ngay trong cuộc đời này, đem sự giác ngộ ấy tuyên thuyết, giáo hóa chúng sinh. Hai là Phật hình được vẽ, Phật tượng được tạc để tôn thờ. Ba là Phật tâm, Phật tính nơi mỗi con người.

Đức Thích Ca Mâu Ni (cấp độ một) là bậc mở ra con đường giác ngộ, nhưng Ngài đã không còn nên ta nương vào hình vẽ, tượng tạc để chiêm bái, đảnh lễ cầu pháp. Dẫu chỉ là Phật tượng, Phật hình (cấp độ hai) vẫn có công năng giúp ta phát khởi tịnh tín, trưởng dưỡng đạo tâm, nếu chuyên tu sẽ tỏ lộ Phật tính, soi sáng Phật tâm (cấp độ ba). Đây là cái đích cuối cùng của lộ trình tu chứng.

Đức Thế Tôn trong những năm cuối đời đã nhiều lần khuyến tấn các Thánh đệ tử: “Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi” (Kinh Tương ưng V, C. 3, P. Ambapàli, M. Bệnh). Hiểu một cách rốt ráo thì dù Đức Thích Ca hay chư Phật quá khứ hay Phật tượng, Phật hình thì vẫn là Phật ngoài ta. Mục đích của sự tu hành làm tỏ lộ chân tâm Phật tánh nơi mỗi người.

* Thầy có thể nói rõ hơn giá trị của việc quay về nương tựa Tam bảo?

– Quay về nương tựa Ba ngôi cao quý (Phật, Pháp và Tăng) cũng có nghĩa là nuôi dưỡng phẩm chất cho thân tâm mình mỗi ngày trở nên cao quý tương tự. Phật là trí tuệ, Pháp là từ bi và Tăng là hòa tịnh. Về sự tướng thì Phật Pháp Tăng là đối tượng để ta quay về nương tựa nhưng về lý tánh thì cần phải “nương tựa” chính ta với những chất liệu sẵn có là trí tuệ, từ bi và hòa tịnh. Nhờ nương vào tự tánh trí tuệ nên ta sống phù hợp chân lý; nương vào tự tánh từ bi nên lòng luôn hoan hỷ không có hận thù; nương vào tự tánh hòa tịnh nên tâm không bị uế nhiễm, không có lỗi lầm. Một người sống như vậy chắc chắn sẽ có an lạc, hạnh phúc đời này và đời sau.

Để không dính mắc

* Học Phật, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống để an lạc, giải thoát mới là cốt lõi. Theo Thượng tọa, làm sao để chuyển vận lời Phật dạy vào trong mỗi việc làm, từ ý khẩu thân để có lợi lạc cho tự thân và người khác, chúng sinh khác, thưa Thầy?

– Ta tìm kiếm an lạc có phải vì tâm ta bất an? Ta cần cầu giải thoát có phải vì cuộc sống bị ràng buộc? Thế thì bất an từ đâu đến, ai ràng buộc ta? Bất an là một tên gọi khác của trạng thái bất như ý. Những gì ta thích mà đạt được (như ý) sẽ khởi tham (Lobha), những gì ta không ưa (bất như ý) mà vẫn cứ ập đến sẽ khởi sân (Dosa). Chính tham và sân làm ta bất an. Ta tự trói buộc mình bằng lòng tham, tự gây khổ cho mình bằng tâm sân, đó chính là si (Moha). Một người mà cứ lẩn quẩn hết tham lại sân, hết sân lại si thì không bao giờ có được an lạc, giải thoát. An lạc sẽ có mặt khi ta sống với tâm như nhiên. Giải thoát sẽ biểu hiện khi tâm không dính mắc, sống thảnh thơi với nếp sống buông xả.

Phật ở đâu? ảnh 4

* Thầy có lời khuyên nào với những người trẻ học Phật trong thời hiện đại này?

– Hãy tự hào mình là người con Phật và hãy ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào đời sống mỗi ngày. Hãy giữ tâm bất động với Ba pháp quay về nương tựa và thực hành Năm nguyên tắc đạo đức. Kinh điển rất nhiều nhưng cốt yếu không ngoài việc dạy ta điều chỉnh ba nghiệp: thân, khẩu và ý.

Mặt trái của một xã hội phát triển là suy thoái đạo đức. Đời sống hưởng thụ lên ngôi thì các giá trị văn hóa, tình người bị thay thế bởi lòng đố kỵ, hẹp hòi, ích kỷ. Xã hội đang rất cần những ánh mắt cảm thông và trái tim thiện lành. Người có được trái tim Phật trong sáng thì suy nghĩ, hành động hay nói năng đều bằng chất Phật sẽ lan tỏa tình thương yêu đến với mọi người, mọi loài.

Nhìn vào thực trạng cuộc sống hôm nay có thể biết được tương lai xã hội ngày mai. Hào quang Đức Phật không nằm trên những tượng thờ to lớn, ánh sáng ấy nằm ở vầng trán sáng chói của những người bạn trẻ tu – học Phật. Tôi tin tưởng điều này.

* Kính cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ!