Nguyên nhân Đức Phật chế pháp An cư và ý nghĩa An cư kiết hạ

Trong ba tháng tịnh tu đạo nghiệp ngõ hầu vượt qua sông mê biển khổ, để bước lên bờ giác, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ làm lợi lạc quần sanh-báo Phật ân đức.

A. Lời mở đầu:

Hạ đến hạ đi hạ lại về, những tiếng ve sầu lại kêu réo để từ tạ ra đi, những đóa sen vượt lên khỏi mặt nước nở những đóa hoa tỏa hương thơm ngào ngạt thanh khiết, những trận mưa đầu mùa báo hiệu mùa An Cư Kiết Hạ đã đến với bao tâm hồn vì đạo pháp, vì bản thân, vì tương lai của những người con Phật trên khắp thế giới nói riêng và mọi miền đất nước Việt Nam nói chung, đều hoan hỷ phấn chấn y cứ Tỳ Ni Luật Tạng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chế định, tất cả Chư Tăng -Ni phải tập trung về một trụ xứ thích nghi, tu tập Tam Vô Lậu Học: “Giới- Định- Huệ.” Trong ba tháng tịnh tu đạo nghiệp ngõ hầu vượt qua sông mê biển khổ, để bước lên bờ giác, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ làm lợi lạc quần sanh-báo Phật ân đức.

Kiết hạ An cư là phương pháp xây dựng cộng đồng Tăng lữ để tiến lên thành tựu

quả vị giác ngộ giúp cho mọi người được sống an vui hạnh phúc bằng những hành động từ bi trí tuệ rèn luyện bản thân để thành tựu giới -định -tuệ, làm gương tốt đời đẹp đạo.

Kiết Hạ An Cư là phương tiện thắng duyên để triển khai năng lực của người tu sĩ tiến tới tinh thần tự giác, giác tha sống đúng quy cũ thiền môn, hòa hợp đoàn kết thanh tịnh để củng cố Tăng già, phát huy chánh pháp lợi lạc quần sanh. An cư kiết hạ cũng là dịp phát hiện nhiều nhân tố, xuất sắc về tài năng, đức hạnh nhất là oai nghi tế hạnh, của từng học chúng sẽ làm hành trang cơ bản để trang nghiêm giáo hội lợi lạc tự thân.

02

B. Nội dung:

Trong luật Tứ Phần có ghi rằng: Ðức Phật qui định mùa An cư của chúng Tỳ kheo xảy ra khi Ngài đang trú tại Xá Vệ, trong vườn của Ông Cấp Cô Ðộc (Tu-đạt-đa) tiếng Phạn là: (Anàthapindika) trú tại nước Kosala. Nguyên do của việc chế định pháp này là bởi vì sự than phiền của các người cư sĩ đối với nhóm 6 Tỳ kheo hay còn gọi là:(Lục quần Tỳ Kheo) . Nhóm 6 Tỳ kheo này thường du hành ở thế gian liên tục trong một năm. Khi mùa mưa đến, vô số côn trùng sinh xôi nảy nở khắp nơi, họ bước đi dẫm đạp chết vô số côn trùng. Các cư sĩ Phật tử than phiền rằng những tu sĩ Ngoại đạo hằng năm vẫn có 3 tháng cố định tại một chỗ để tu tập, ngay đến các loại cầm thú, chim muông vào mùa mưa chúng còn biết làm tổ để trú ẩn, huống chi những người Sa môn Thích Tử đệ tử Như Lai lại không biết nghỉ chân vào mùa mưa, trái lại còn du hành khắp nơi để khất thực bất cứ mùa nào trong năm. Việc này lan truyền đến tai của Đức Phật, và Ngài đã khiển trách nhóm Tỳ kheo 6 người ấy đã phá giới luật làm ảnh hưởng đến Tăng đoàn của Đức Phật. Ngay lúc đó, Đức Phật liền chế định hằng năm, vào 3 tháng mùa mưa, hàng xuất gia đệ tử Phật phải cấm túc để an cư trong 3 tháng nhầm tránh tình trạng dẫm đạp chết cỏ cây và côn trùng…để thúc liễm thân tâm trao dồi: Giới-Định-Tuệ.

Chính vì vậy nên trong một năm 9 tháng vân du hóa độ thì chư Tăng Ni trong 3 tháng còn lại không được phép du hành ra ngoài, mà phải ở yên một chỗ trong thời gian ba tháng để nỗ lực tu tập thiền định, trau dồi giới định tuệ, cùng nhau sống trong hoà hợp thanh tịnh. Tuy nhiên, nếu có chuyện khẩn cấp và cần thiết, chỉ được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá bảy ngày rồi phải trở lại tiếp tục an cư. Đó là nguồn gốc của việc “An cư Kiết hạ.”

1. Ý nghĩa của An cư:

An nghĩa là yên ổn, cư là ở một chỗ. Tiếng Phạn là Varsa, An cư tức là ở yên một chỗ, không sống chỗ này, chỗ kia nghĩa là: (cấm túc để kiết giới an cư). Trong khoảng ba tháng, từ ngày 16 tháng 04 Âm lịch đến hết ngày 15 tháng 07 Âm lịch, Tăng chúng phải ở yên một chỗ, nỗ lực toạ thiền tinh tu tịnh giới. Ngoại trừ các việc thuộc Tam Bảo, cha mẹ, Tăng chúng không được tự tiện ra khỏi cương giới. An cư còn gọi là toạ hạ, toạ lạp hoặc kiết hạ. Sách Nghiệp sớ quyển 04 nói: “Thân tâm yên tỉnh gọi là An, đến kỳ ở yên một chỗ gọi là Cư.” An cư là việc làm thiết thực của Tăng chúng, thể hiện lòng từ bi đối với chúng sanh và làm nền tảng cho sự tu tập của hàng Phật tử tại gia. Đó là thời gian thích hợp cho hàng Phật tử tại gia tu tập phước đức và bố thí cúng dường.

Đối chiếu giữa lịch Ấn Độ và lịch Trung Hoa, thời gian đó bắt đầu từ ngày trăng tròn tức ngày 16 tháng 6 âm lịch, cho đến ngày 15 tháng 9 âm lịch. Thời gian An cư Kiết hạ nầy vẫn được chư Tăng tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông: Thái Lan, Cao Miên, Miến Điện, Ai Lao và Tích Lan tôn trọng cho đến ngày nay. Nhưng khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, mùa An cư lại được ấn định từ ngày trăng tròn 16 tháng 4 âm lịch (tức là sau ngày lễ Phật Đản) cho đến ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhằm ngày lễ Vu Lan. Đó là truyền thống của Phật giáo Bắc Tông: Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Đến ngày kết thúc mùa An cư, chư Tăng họp lại kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối Bố tát và tuyên bố hoàn mãn. Ngày này được gọi là ngày Tự Tứ, áp dụng chung cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông. Chư Tăng Nam Tông tổ chức lễ Tự Tứ vào ngày 15 tháng 9 và chư Tăng ni Bắc Tông tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm.

Theo tinh thần Giới luật, mỗi năm đến mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng Ni đều phải tìm đến một nơi thích hợp để nhập hạ, nơi này được gọi là trường hạ. Tuy nhiên, nếu không có trường hạ hay trường hạ ở xa, địa điểm an cư có thể là ngôi chùa, ngôi tịnh xá, tịnh thất, hay bất cứ chỗ nào thích hợp. Ở những chùa chỉ có bốn vị Tỳ kheo, sự thực hiện yết ma để kiết giới và kiết hạ cho ba tháng an cư được xem là hợp pháp Phật. Ở những chùa nơi vùng xa xôi hẻo lánh mà một vị Sư không thể đến trường hạ hay đến một ngôi chùa nào có trên ba vị Tăng để cùng nhau an cư kết hạ, thì vị Tăng ấy sẽ An cư ngay tại chùa của mình bằng phương pháp thực hiện “Tâm niệm an cư”. Pháp này được áp dụng cho trường hợp trong chùa chỉ có một hoặc hai, hoặc ba Vị Tăng . Họ đối trước Phật đường, đọc ba lần lời phát nguyện an cư thì sự an cư cũng hợp với pháp Phật. Một khi đã quyết định an cư ở đâu thì phải an cư ở đó, không được đi ra ngoài chỗ đó trong thời gian 3 tháng, ngoại trừ những trường hợp được giới luật qui định, như cha mẹ hay bổn sư bị bệnh nặng hoặc viên tịch, hay có Tăng sự quan trọng, hoặc có thí chủ thỉnh đi làm những Phật sự cần thiết, thì Tỳ kheo nhập hạ phải xin phép tạm thời rời trú xứ an cư.

Tuy nhiên, xét theo thực tế, hành trì của giáo đoàn tăng lữ về việc An cư mùa mưa, thì sự An cư này không chỉ giới hạn bởi sự việc đi lại gây tổn hại cho các sâu bọ và các thứ cây cỏ sinh tưởng nhiều trong mùa mưa. Tham khảo thêm trong các Kinh điển, chúng ta sẽ thấy việc An cư còn có những mục đích khác hơn thế nữa.

Ngoài ra, sự An cư mùa mưa còn có một ý nghĩa quan trọng khác nữa. Ðó là biểu hiện cho tinh thần sống chung hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ tại một trú xứ. Ðiều này được thấy rõ trong luật Tứ phần. Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn trú lại Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Ðộc. Sau 3 tháng an cư mùa mưa, một số đông các Tỳ kheo ở Câu Tát La đến hầu thăm Ngài. Ðức Thế Tôn theo thông lệ hỏi thăm đời sống của họ như thế nào trong ba tháng An cư. Họ trình bày với Ngài sinh hoạt thường nhật của họ. Theo đó, các Tỳ kheo này giao ước với nhau trong suốt mùa An cư rằng không ai nói chuyện với ai bất cứ điều gì. Nếu có những việc cần thiết mà người nầy cần đến sự giúp đỡ của người khác thì chỉ được phép ra dấu chứ không được phép nói. Sinh hoạt này cũng thường xảy ra giữa các nhóm Tỳ kheo và được biết nhiều nhất là nhóm 3 Tỳ kheo dòng họ Thích gồm Tôn Giả – A Na Luật – tôngiả Nan Ðề – và tôn giả Kim Tỳ La. Các tỳ kheo khi thì ở Bát Na Nạn Xà, khi thì ở Sa Kê Ðế và luôn luôn được Phật khen ngợi. Nhưng trong trường hợp các Tỳ kheo ở Câu Tát La này, thay vì được khen ngợi, đã bị Ðức Thế Tôn khiển trách. Ngài nói các Tỳ kheo này là những người ngu si, sống chung như vậy là khổ nhưng lại tưởng là an lạc, chẳng khác nào những kẻ thù cùng sống trong một trú xứ. Nhiệm vụ của các Tỳ kheo sống chung là phải giáo giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau, chứ không thể sống như những người câm với nhau.

Cùng một lề lối sinh hoạt, nhưng có trường hợp Phật khen ngợi, có trường hợp bị Ngài khiển trách, ấy là thế nào? Ðức Phật luôn luôn ca ngợi đời sống trầm lặng của các Tỳ kheo, sống xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa rằng một Tỳ kheo nên sống cách biệt ngoài cộng đồng Tăng lữ. Sống chung và hòa hợp trong cuộc sống thánh thiện cao cả, giáo giới và sách tấn lẫn nhau, đó là sinh mệnh của Tăng đoàn. Ðời sống của một Tỳ kheo là sống không gia đình không cố định vĩnh viễn tại một trú xứ nào, nhưng các tỳ kheo được nối kết nhau thành một cộng đồng thống nhất bằng giới bổn mà họ phải cùng nhau hòa hiệp để tụng đọc trong mỗi nửa tháng. Và sự hòa hiệp ấy được củng cố bằng ba tháng an cư vào mùa mưa.

Như vậy, An cư mùa mưa không phải đơn giản chỉ có nghĩa là hạn chế sự đi lại của các Tỳ kheo để tránh tổn thương các sinh vật bé nhỏ và các thứ cây cỏ non. Trong lịch sử phát triển của đạo Phật sinh hoạt an cư kiết hạ là một nhân tố tích cực để các đệ tử tại gia có điều kiện thuận tiện tham gia vào sự nghiệp củng cố và phát triển giáo đoàn tăng lữ. Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hiệp là tiêu biểu của sức sống cụ thể của giáo pháp mà Ðức Thế Tôn đã từng giảng dạy. Ðó cũng là nơi nương tựa tinh thần vững chắc, và là niềm tin chân chính cho những người tại gia sống giữa cuộc đời hỗn tạp, đầy những hận thù và tranh chấp.

Một Phật tử tại gia, có niềm tin thuần tịnh trong sáng đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới luôn luôn được ghi nhận với 4 đức tính:

– Thân cận thiện sĩ,

– Học hỏi Chánh pháp,

– Suy nghĩ sâu sắc những điều mới học hỏi, và

– Hành trì những điều đã được chiêm nghiệm.

Trong 4 đức tính ấy, đức tính thứ nhất, thân cận thiện sĩ, tức gần gũi các bậc thiện tri thức, những bậc đạo cao đức trọng. Mỗi năm, vào mùa mưa, khi các Tỳ kheo tạm thời dừng chân tại một trú xứ, thì đây là thời gian mà những người tại gia có điều kiện thích hợp nhất để thường xuyên gần gũi các bậc thiện sĩ học hỏi chánh pháp. Do thế, họ có thể phát huy các đức tính đặc trưng của một Phật tử tại gia có niềm tin thuần tịnh đối với Chánh pháp.

Trong thời gian Đức Thế Tôn còn tại thế, các Phật tử tại gia hoặc tự lực cá nhân nếu có đủ điều kiện, hoặc những người thân thuộc nhau hoặc những người cùng sống trong một làng, một thành phố, hợp tác nhau thỉnh các Tỳ kheo về tại trú xứ của mình An cư kiết hạ, và hỗ trợ các Tỳ kheo các nhu cầu cần thiết để các Ngài có điều kiện thuận tiện cho sự tu tập suốt trong ba tháng mùa mưa. Các truyện ký của Phật giáo thuộc các nền văn học bảng sanh và bảng duyên thường ghi nhận có nhiều Tỳ kheo đã chứng đắc quả A La Hán trong thời gian An cư này, nhờ sự hỗ trợ của các cư sĩ về các nhu cầu hằng ngày.

Một cộng đồng thanh tịnh và hòa hiệp, cùng học và cùng tu như sữa với nước vậy, quả là niềm tin và hy vọng cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt, và nó chứng tỏ rằng Chánh pháp mà Ðức Thế Tôn đã giảng thuyết, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, sẽ là cơ sở cho một thế giới an lành. Ðây là điều mà vua Ba Tư Nặc đã bày tỏ với Đức Thế Tôn về niềm tin của mình đối với Chánh pháp được Thế Tôn giảng dạy và chúng đệ tử thực hành trọn vẹn.

Nói tóm lại, duyên khởi của sự An cư kiết hạ, của chúng Tỳ kheo dù đơn giản được nói là do Ðức Thế Tôn tùy thuận theo ước muốn của các đệ tử tại gia, nhưng trong ý nghĩa sâu xa thì nó là sinh mạng tồn tại của chánh pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hiệp của cộng đồng Tăng lữ. Chừng nào chúng Tỳ kheo còn nhiệt thành trong phận sự An cư 3 tháng thì bấy giờ chánh pháp vẫn còn là sức sống phong phú để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.

Chúng ta cũng nên hiểu rõ nghĩa của từ An cư là gì? An là an tịnh nội tâm, còn Cư là kỳ hạn cư trú trong suốt một thời gian nhất định nào đó, mà theo giới luật là ba tháng. An cư tức là chúng Tăng sống yên ổn một chỗ hoà hợp và thanh tịnh để cùng nhau tu học, trau dồi Giới đức, Định học và Tuệ học sau chín tháng đi hoằng pháp độ sinh. Trong thời gian ba tháng an cư, Tăng đoàn sinh hoạt cộng trú, cùng nhau sống trong tinh thần lục hoà, cùng nhau nhắc nhở giới luật, sách tấn lẫn nhau. Đến ngày kết thúc, tức vào ngày thứ chín mươi, chư Tăng tập trung tại một giới trường, đối chiếu với giới luật mà mình đã thọ trì, mỗi người tự kiểm điểm bản thân qua thấy, nghe và nghi và nếu thấy việc gì đó không đúng, tự mình nói lên hoặc nhờ một vị Tỳ kheo khác nói lên, sau đó nếu thấy rằng, mình có sai phạm thì phải sám hối đúng pháp. Sau khi sám hối liền được thanh tịnh, trong tâm cảm thấy an lạc.

2. Ý nghĩa Bố Tát:

Nguyên nhân Phật quy định pháp Bố Tát:

Khi Đức Phật trú tại thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, tại đây có các nhóm Phạm Chí ngoại đạo cùng nhau tập họp về một chỗ để giảng đạo và thọ dụng sự cúng dường của các đệ tử tại gia. Họ sinh hoạt trong những ngày ấy rất thân mật, dân chúng đi đến để nghe pháp, họ có niềm tin và có lòng mến mộ.

Vua Bimbisara của xứ Ma Kiệt Đà thấy các nhóm ngoại đạo sinh hoạt như vậy bèn nghĩ rằng, nếu chúng Tỷ kheo đệ tử Phật cũng tụ họp như vậy thì phúc lạc cho những người Phật tử tại gia biết bao! Sau đó nhà vua đã ngự đến chỗ Phật đang cư trú, trình bày suy nghĩ của mình, “Bạch ngài, hiện nay các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào các ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nữa tháng. Dân chúng đi đến nghe pháp, và họ có lòng tin và mến mộ…hay là các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào những ngày như vậy vào mỗi nữa tháng?” Nhận thấy nhân duyên hội đủ, Đức Phật đã chấp nhận sự đề nghị đó và dạy rằng: ‘này các Tỷ kheo, ta cho phép tụ hội vào các ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nữa tháng để thực hành lễ Bố tát.” Từ đó về sau, truyền thống lễ Bố tát (Uposatha) được diễn ra điều đặn trong tăng chúng đệ tử Phật qua nhiều thế hệ.

Nhân duyên Phật quy định như vậy là vì, khi đức Phật cho phép đọc tụng giới bổn, nhiều vị Tỷ kheo khởi lên ý nghĩ rằng, hay ta nên đọc tụng giới bổn vào mỗi ngày…vào ba lần trong nữa tháng. Đức Phật quy định, không nên tụng đọc giới bổn trong mỗi ngày…và ba lần trong nữa tháng, vị nào tụng thì phạm tội dukkata. “Này các tỷ kheo, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một lần vào ngày mười bốn hoặc ngày mười lăm của nữa tháng.

Tiếng Phạn gọi là Upavasatha, Pàli gọi là Uposatha, Tàu dịch là Bố-sái-tha, Bố-sái-ta-đà… gọi tắt là Bố-tát. Tàu dịch là Tịnh trú, Thiên túc, Trưởng dưỡng. Theo pháp người xuất gia cứ mỗi nửa tháng một lần gọi là ngày Sóc và ngaỳ Vọng (vào ngày 14-15 và 30-01 tùy theo tháng thiếu hoặc tháng đủ, Tăng chúng tập trung một chỗ tụng giới kinh khiến tỳ kheo trụ trong tịnh giới, tăng trưởng thiện pháp. Hàng Phật tử tại gia cũng tập trung lại, tháp tùng chúng Tăng mà nghe lại giới pháp mình đã thọ. Như vậy, căn cứ vào việc làm thì gọi là thuyết giới, căn cứ vào công năng của việc làm đó thì gọi là Bố-tát. Bố-tát còn gọi là đoạn tăng trưởng, nghĩa là dứt ác, tăng thiện, còn gọi là Ngã đối thuyết, tức là tự mình sám hối tội lỗi trước mọi người.

Tu tập tâm linh và hộ trì Chánh pháp trong mùa An cư kiết hạ

01

3. Ý nghĩa Tự tứ:

Định nghĩa Tự Tứ:

Tiếng Phạn gọi là Pravàrana, Pàli gọi là Pavanara, Tàu phiên âm là Bát hoà la, Bát lợi bà thích noa, dịch là Mãn túc, Hỷ duyệt, Tuỳ thỉnh, Tuỳ ý sự… Nghĩa của các từ này là sự thỉnh cầu. Ở đây chỉ cho sự thỉnh cầu người khác nói lên những khuyết điểm của mình. Sự chỉ điểm này được căn cứ trên ba trường hợp: do được thấy, nghe và nghi ngờ. Mục đích của việc Tự tứ cũng giống như việc Thuyết giới, được thực hiện vào ngày trăng tròn, nhưng khác với Thuyết giới có định kỳ nửa tháng, Tự tứ có định kỳ mỗi năm một lần sau ba tháng An cư. Ngày Tự tứ ở nước Việt Nam ta thường được tổ chức vào ngày 14 tháng 07 Âm lịch, ngày cuối cùng của ba tháng An cư kiết hạ. Theo thông lệ, vào ngày Tự tứ tất cả các tỳ kheo đều phải sám hối trước đại tăng những tội đã phạm trong ba sự thấy, nghe, nghi ngờ (Kiến, Văn, Nghi). Sự sám hối này sẽ làm cho chúng Tăng thanh tịnh, tự sanh vui mừng nên gọi là Tự tứ. Chúng Tăng tuy ba tháng An cư kiết hạ thân tâm thanh tịnh, giới luật nghiêm trì nhưng có khi không thấy được lỗi lầm mình đã phạm từ bên trong, vì thế, phải nhờ đại Tăng chỉ bảo mới thấy được lỗi lầm bên trong mà sám hối để được thanh tịnh hoàn toàn. Tự tứ là phương pháp thực hiện chung cho tất cả Tăng chúng, Đức Phật không cho phép biệt chúng Tự tứ. Chúng Tăng phải Tự tứ trong tinh thần hoà hợp gọi là: “Như pháp hoà hợp Tự tứ.” Đó là ý nghĩa của ngày Tự tứ, ngày kết thúc khoá an cư. Ngày Tự tứ này cũng còn gọi là ngày thọ tuế, nghĩa là chư Tăng được xác định thêm một tuổi đạo, là tuổi của Giới đức, của Tuệ học. Hàng xuất gia luôn lấy Giới đức và Tuệ học làm tuổi, chứ không tính tuổi theo năm tháng của thế gian. Hễ Tỳ kheo nào không An cư, không Tự tứ, hoặc có An cư mà không Tự tứ hoặc có Tự tứ mà không An cư thì cũng xem như là không có tuổi đạo.Lễ Vu lan là phần chính mà chúng ta bàn đến trong bài này, các lễ khác như An cư, Tự tứ, Bố-tát, Thuyết giới là những phần phụ, tuy vậy, chúng tương quan đến sự tu tập của hàng Phật tử tại gia nên cần phải học.

Lễ Vu lan là ngày lễ thiết thực nhất để mọi người con Phật có dịp báo hiếu cha mẹ. Vì miếng cơm, manh áo mà chúng ta làm lụng vất vả suốt đời, có khi không còn thời gian chăm lo cho cha mẹ. Vì vậy, chúng ta hãy dành trọn ngày 15 tháng 07 để lo toan công việc báo hiếu, thiết lễ trai tăng, cầu nguyện cho cha mẹ. Nhờ oai lực của chư Tăng, chắc chắn cha mẹ của mình sẽ được ân triêm lợi lạc, khai tâm chuyển ý mà trở về với Phật Pháp. Là Phật tử, chúng ta không thể không thiết lễ Vu lan để báo đền công ơn cha mẹ, ngoài ra, mọi người con Phật hay không phải con Phật cần phải tận tâm phụng dưỡng cha mẹ khi còn sanh tiền, đừng để phải hối hận như Ngài Tử Lộ đã từng thốt lên rằng:

“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Con muốn dưỡng nhưng cha mẹ không còn nữa”.

Nếu cha mẹ không may qua đời thì chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện Tam Bảo tiếp độ cha mẹ sớm sanh về miền Cực Lạc, ngày 15 tháng 07 phải thiết lễ trai tăng cúng dường để nhờ công đức chú nguyện của chư Tăng mà nguyện cầu cho cha mẹ.

C. Kết luận:

Nói tóm lại, mùa an cư là thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo mà ý nghĩa tu học trong môi trường hoà hợp thanh tịnh được nổi bật nhất. Mỗi mùa an cư là một tuổi đạo cùa cuộc đời một Tỳ kheo. Ðây là một Phật sự vô cùng quan trọng và thiết thực của Tăng chúng, thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài chúng sanh và làm nền tảng cho sự tu tập của hàng Phật tử tại gia. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp thân cận chư Tăng học tập giáo pháp, đồng thời là cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng Tăng trong suốt mùa An cư.

Tài liệu tham khảo

1. Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân kinh, Tạp, tr 504, Đại

Chính 2.

2. Giới kinh của đức Phật Thích-ca, mười hai năm đầu, kể từ khi

thành đạo, theo Tứ Phần Luật, Đại Chính 22.

3. Tứ Phần Luật 37, An cư kiền-độ, tr. 830b, Đại Chính 22. Pàli, A,

A, ii 97.

4. Phạm Võng Kinh, tr 1008a, Đại Chính 24.

5. Dẫn theo Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao, tr

58a, Đại Chính 40.

6. Theo Luật Tứ Phần 58, có ba thời kỳ an cư: – Tiền an cư –

Trung an cư – từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8., tr 451b10, Đại

chính 22.

7. Tứ Phần 37, tr 380, Đại Chính 22.

Thích Trung Thuận