“Đừng khác áo tu sĩ mà sống với tâm thế tục”
Nhân duyên lành, chúng tôi có dịp trò chuyện với tu sĩ Minh Quang để hiểu về cơ duyên đến với đạo Phật cũng như chí nguyện xuất gia tu hành “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”.
PV: Duyên lành nào đã đưa Thầy đến với đạo Phật?
– Đầu năm 2019 tôi có duyên lành về thăm Chùa Phúc Linh – Hương Khê – Hà Tĩnh nơi Thầy (cậu ruột) trụ trì. Sau một vài ngày tá túc, tôi có lên tụng kinh cùng thầy và công quả tại chùa thì thấy Phật Pháp đã thay đổi mình rất nhiều, kể từ đó tôi tìm hiểu về Phật Pháp nhiều hơn. Có thể nói đó là duyên lành đưa tôi đến Đạo Phật.
PV: Vì sao Thầy quyết định xuống tóc, xuất gia, dành thời gian sống trong chốn thiền môn?
– Trước đây bản thân tôi rất thích giúp người, hay đi làm thiện nguyện, lấy niềm vui hạnh phúc của người khác là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân, sau đó tôi chọn học Dược sĩ để có thể giúp người được nhiều hơn và thuận tiện hơn.
Sau một thời học thì dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, vậy là tôi xung phong đi chống dịch gần 1 năm, trong khoảng thời gian đó tôi có làm tại các cơ sở bệnh viện, tôi giúp rất nhiều người khỏi bệnh và đồng thời chứng kiến rất là nhiều người đã mất trong trận dịch Covid năm đó. Thế nhưng, tôi nhận thấy nếu mình chỉ trở thành dược sĩ thì chỉ có thể giúp họ trong lúc bệnh tật, đau ốm và cuối đời thì mình vẫn không hạnh phúc lắm. Và tôi biết chỉ có thể trở thành một người hạnh phúc thì mới đem giá trị hạnh phúc lan toả cho mọi người, khi đó mới có thể giúp người ta có thể sống bình an và hạnh phúc trọn vẹn trong từng phút giây mà họ đang sống. Vì có những người lúc sống nhưng họ chỉ như đang tồn tại chứ không phải đang sống, họ không tìm được bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Một tu sĩ có thể chia sẻ được những điều đó. Sau một thời gian dài có ý nguyện xuất gia, tốt nghiệp chương trình Dược sĩ và ba mẹ ủng hộ và đủ mọi duyên lành nên tôi đã trở xuống tóc và trở thành một tu sĩ, một tu sĩ hạnh phúc.
PV: Xuất gia là một việc làm đem lại phước báu vô biên, là nhân lành khiến trí tuệ phát sanh diệt trừ phiền não, hành động thiện lành này sẽ dẫn dắt những người con Phật được gặp Chánh Pháp để tiếp tục việc tu tập tiến đến đạt được quả vị vô sinh bất diệt trong những kiếp lai sinh. Đâu là những giá trị mà Thầy tâm đắc nhất sau khi đến với đạo Phật cũng như sau khi xuất gia?
– Mỗi người đến một độ tuổi nhất định đều phải tìm một con đường riêng cho mình, và giá trị hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Có người lập gia đình sinh con, có người thì độc thân làm việc và tận hưởng cuộc sống, có người thì trở thành nhà lãnh đạo, thầy giáo, kỹ sư…. còn tôi thì mình chọn xuất gia trở thành một tu sĩ, một người hạnh phúc ngay trong chính hiện tại. Sự hạnh phúc bình an của tôi có thể lan toả đến mọi người để mọi người cũng có thể hạnh phúc và bình an trong giây phút hiện tại. Giữ điều thiện, phát khởi điều thiện, tránh làm điều ác thì chúng ta đã giải thoát được trong chính giây phút hiện tại chứ không đợi điều khi chúng ta qua đời thì mới gọi là giải thoát.
PV: Thưa Thầy, câu nói người tu là người có “tâm hình dị tục” thể hiện ở những điểm nào trong đời sống?
– “Tâm hình dị tục” là bản thân người tu sĩ phải khác với người đời, là một người tu sĩ phải chân oai nghi, chân đức hạnh, chân tu tập, chân hạnh phúc. Khác về đi, đứng, nằm, ngồi, ứng xử, nói năng phải nề nếp và khiêm cung. Người đời thì sao cũng được nhưng khi đã là một vị tu sĩ thì phải cho ra một vị tu sĩ chứ đừng khác áo tu sĩ mà sống với tâm thế tục.
PV: Vậy một người tu cần những oai nghi gì? Giữ giới ra sao, có được phép tham gia mạng xã hội, đăng những hình ảnh gây phản cảm, hiểu lầm với mọi người không, bạch Thầy?
– Một người tu sĩ cần giữ những oai nghi như đi, đứng, ăn, uống, nằm, ngồi, nói.
Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ, người lớn và trẻ em tham gia mạng xã hội, có rất nhiều người muốn tìm hiểu Phật Pháp nhưng một phần vì ngại, không biết bắt đầu từ đâu và không có người hướng dẫn. Với nhiều lý do như vậy một tu sĩ cũng nên tham gia mạng xã hội để truyền tải và chia sẻ Phật Pháp đến với mọi người, để góp phần xây dựng và phát huy giá trị đức tính bên trong con người của họ.
Song cũng có rất nhiều người lợi dụng hình ảnh bản thân là tu sĩ, Phật tử đăng lên mạng xã hội để trục lợi cho bản thân và truyền tải nhiều thông tin tiêu cực thì không nên. Vì như vậy sẽ khiến nhiều người càng ngày càng đoạ vào đường ác, nhiều người ngày càng mất niềm tin vào Phật pháp và ngày càng tha hoá hơn. Vì thế chúng ta tham gia mạng xã hội khi chúng ta biết tư duy và chọn lựa những thông tin đem lại giá trị bình an và tích cực cho mọi người.
PV: Thầy có lời khuyên nào với người tu trẻ để không gây ra những chuyện thị phi, tổn hại hình ảnh Tăng đoàn trước thử thách của thời hiện đại?
Đối với bản thân tôi cũng là một người tu trẻ, khi tham gia mạng xã hội chúng ta cần phải tư duy chắt lọc thông tin một cách đúng Chánh Pháp để loa toả đúng mục đích là đạo Phật nhập thế cứu độ chúng sanh.
Hiện tại có rất nhiều kênh mạng xã hội được rất nhiều người ủng hộ song với đó cũng có rất nhiều kênh rác làm tổn hại đến Phật Pháp. Bởi vậy, khi là những người tu sĩ chúng ta nên lựa chọn xem xét những nội dung cần nghe, cần đọc và tránh những nội dung không tốt, không đi vào những hư xấu của người khác.
Hiện nay có rất nhiều kênh mạng xã hội đăng về việc thuyết Pháp của các Hoà thượng, Đại đức, giảng sư rất hay rất đúng chánh pháp, truyền tải được nhiều năng lượng bình an và tích cực, chúng ta nên nghe để tư duy, nhận thức của chúng ta được mở rộng hơn.
Mạng xã hội có nhiều mặt của nó nên người tu trẻ như chúng ta phải biết tận dụng những điểm tốt và cũng nên biết những điểm xấu để tránh né.
PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy vì những chia sẻ quý báu này.
Tuệ An (thực hiện)