Thấm thía những lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi Ngài ra đi
Trước giây phút Đức Phật nhập Niết bàn, tất cả vạn vật chìm vào trong màn đêm u tối, đau buồn, không biết sẽ nương tựa vào đâu. Bởi Đức Thế Tôn là ánh sáng lớn, là con mắt lớn dẫn đường cho chúng sinh.
Nhưng với lòng từ bi vô lượng, Đức Thế Tôn đã để lại cho hậu thế những lời di giáo cuối cùng. Đó chính là kim chỉ nam soi sáng cho chúng sinh sau này. Kính mời các bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những lời dạy cao quý đó.
Tất cả vạn Pháp đều chịu sự vô thường
Đức Thế Tôn căn dặn: “Này các thầy tỳ-khưu! Tất cả các pháp hữu vi đều không chắc thật, không bền vững. Tất cả các pháp hữu vi dầu thô thiển hay vi tế đều bị sự tác động của vô thường, biến hoại, đổi khác”.
Các pháp hữu vi là các pháp có hình tướng, do tạo tác mà nên, do nhân duyên hợp lại mà thành. Ví dụ như thân người, thân vật, cỏ cây, hoa lá, trăng, sao, mây, núi,… cho đến sóng từ trường, sóng điện thoại, dù mắt không nhìn thấy nhưng vẫn do tạo tác mà thành nên đều là các Pháp hữu vi.
Đức Phật cũng dạy, tất cả các pháp hữu vi đều không chắc thật, tức là không cố định, không bền vững, chúng đều bị vô thường tác động làm cho biến hoại, đổi khác. Ví dụ như chúng ta lâu lâu soi gương thấy tóc điểm thêm những sợi bạc. Học Phật Pháp, chúng ta biết rằng đó là mình đang già, đang biến đổi từng giây, từng phút. Chúng ta đang sống trong một dòng chảy mà tất cả thế giới, cả vũ trụ đang trôi chảy từng sát na.
Hãy tinh tấn, rèn luyện thân, khẩu, ý trong sạch, thanh tịnh
Tất cả vạn vật đều vô thường, biến hoại nên người đệ tử Phật cần thường xuyên quán về vô thường để nhàm lìa, yểm ly, không say đắm, không tham luyến không dính mắc nặng nề với các pháp thế gian. Nếu hiểu được vô thường, chúng ta sẽ bớt dần tham, dần dần tiến đến giải thoát.
Và người tu phải luôn tinh tấn như lời Đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tinh tấn chuyên niệm, chớ quên, chớ phóng giật, chớ giải đãi. Tử sinh là việc lớn. Hãy rèn luyện thân khẩu ý cho thanh tịnh. Hãy làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm. Hãy qua khỏi bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh trầm luân khổ đau sinh diệt nữa!”.
Lấy chính Pháp và Giới luật làm thầy
Khi biết Đức Thế Tôn sắp tịch diệt Niết Bàn, một số Thầy Tỳ-kheo tâm còn phàm phu, không ngăn được sự ưu sầu, luyến tiếc đối với đấng Đạo Sư đã chảy nước mắt khóc than vô cùng bi lụy. Với tâm bi mẫn, Đức Thế Tôn đã để lại những lời huấn thị với các Tỳ-kheo:
“Này các thầy tỳ-khưu! Hình như các thầy tưởng rằng khi Như Lai diệt độ rồi, sẽ không còn ai là thầy dạy dỗ các thầy nữa chăng? Không phải thế đâu! Này các thầy tỳ-khưu! Dầu Như Lai có diệt độ, nhưng Pháp và Luật ấy chính là thầy của các thầy, còn ở bên các thầy, làm nơi nương tựa và dẫn lối cho các thầy. Thế thì sầu thương, bi lụy có ích gì khi các Pháp dẫu nhỏ nhiệm như mảnh lân hư trần, to lớn như núi Tu-di cũng đều phải bị vô thường biến hoại?”.
Đức Phật động viên các Thầy Tỳ-kheo, khi Ngài diệt độ, giáo Pháp và Giới luật chính là thầy của tất cả Tăng, Ni, Phật tử. Chúng ta sẽ y theo chính Pháp và Giới luật của Đức Phật để lại mà tu hành.
Giới Pháp dành cho hàng đệ tử xuất gia đã được Đức Như Lai chỉ dạy cặn kẽ trong Bộ Lưỡng phân biệt. Nhân có tội và nhân vô tội, Đức Như Lai cũng đã từng thuyết minh chi li, rõ ràng. Thanh Văn Ba-la-mật tuệ, Đức Như Lai cũng đã nói. Tuệ giác đến bờ bên kia cho bậc Độc Giác và bậc Chính Đẳng Chính Giác, Đức Như Lai cũng đã từng tán dương. Và Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như y túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chính đạo, Thất quả, Bát định, Cửu định, Đức Như Lai cũng đã nhiều lần tuyên thuyết bằng những thời pháp đoản ngôn, kệ ngôn, ví dụ, so sánh, giảng giải, phân tích… khác nhau.
Cho nên Đức Phật nói, chính Pháp và giới luật, chính là Thầy của chúng ta, sẽ làm nơi nương tựa và dẫn lối cho chúng ta đến mãi về sau.
Đức Phật nhắc về các lần kết tập Kinh điển sau này
Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn huyền ký lại các lần kết tập Kinh điển về sau này. Lần kết tập Kinh điển thứ nhất do Tôn giả Đại Ca Diếp mở hội trùng tuyên lại Pháp và Luật một cách đầy đủ. Lần kết tập này nhằm nhắc nhở và mở mắt cho những Tỳ-kheo hư hỏng phóng túng và những hoa ngôn, lộng ngữ xuyên tạc chính Pháp của chúng ngoại đạo.
Một trăm năm sau, đại hội kết tập Kinh điển lần thứ hai diễn ra do vị trưởng lão A La Hán Yassa Kananda, trùng tuyên trọn vẹn Tam Tạng Thánh điển.
218 năm sau kể từ khi Như Lai diệt độ, có Tôn giả Moggalliputtatissa kết tập lần thứ ba. Ở lần kết tập này đã loại bỏ tất cả tư tưởng lai tạp của ngoại giáo, giữ nguyên lời dạy chân truyền của Như Lai. Sau đó nữa, Tỳ-kheo Mahinda, một vị Thánh Tăng, vốn là hoàng tử con vua A Dục, đã đem ba tạng Kinh truyền chính Pháp vào xứ Tích Lan (nước Sri-Lanka ngày nay).
Vào khoảng 500 năm sau kể từ ngày Đức Phật nhập Niết bàn, có vua Mi Lan Đà dùng những câu hỏi rất cao siêu, vi tế, sắc bén để vấn đạo, bức bách khiến các vị Sa-môn, Bà-la-môn trong toàn cõi Diêm Phù phải trốn vào rừng sâu. Khi ấy có một vị Tỳ-kheo tên Na Tiên, có trí tuệ siêu phàm sẽ giải đáp dễ dàng những câu hỏi cho đức vua. Nhờ vậy, Pháp và Luật của Như Lai được bảo lưu, truyền thừa lâu dài trên thế gian.
Giữa biển khổ của cuộc đời, giáo Pháp và giới luật chính là hải đảo bình yên để chúng sinh nương tựa, là kim chỉ nam dẫn đường đưa chúng sinh từ tối ra sáng, từ vô minh đến trí tuệ, đi đến giác ngộ giải thoát.
Vì vậy, chúng ta theo lời Phật dạy, nương tựa chính Pháp và giới luật chính là tự mình đem lại hạnh phúc cho mình và cho chúng sinh, không chỉ đời này mà còn đến nhiều đời về sau.