Thập Bát Giới (Phần 4)
Cá nhân con người ví như giọt nước hòa nhập vào đại dương, giọt nước là của đại dương, đại dương không phải là của giọt nước. Đây là nhân vô ngã trong lý sắc không.
2. Diệu quán Thập Bát Giới giai không (tiếp theo)
Pháp Vô Ngã
Pháp vô ngã diễn ý Vạn pháp Giai Không, tất cả mọi sự vật đều là không thực. Thập bát giới trong số Vạn pháp đương nhiên là không thực. Lục căn và Lục thức đã dẫn giải ở trên là không thực. Lục trần coi như Tứ đại trong thiên nhiên, đối thể của Lục thức cũng là không thực. Tứ đại trong thiên nhiên hiểu rõ ràng như sau:
Địa đại là tất cả những chất cứng đặc như Đất, đá, kim loại…
Thủy đại là tất cả những chất lỏng như Nước, hơi nước, các dung dịch…
Hỏa đại là tất cả những chất cung cấp nhiệt năng như lửa, ánh sáng mặt trời…
Phong đại là tất cả nhưng chất khí chuyển động như không khí chuyển động thành gió…
Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã gọi chung là Nhị Vô Ngã chính là lý sắc không.
Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh đoạn đầu có dẫn giải: Đức Quán Tự Tại Bồ tát tức Đức Quán Thế Âm Bồ tát, trong khi Ngài hành trì Bát nhã Ba-la-mật-đa tức nền Trí tuệ sâu xa đưa đến Bờ Giác, khi ấy Ngài soi tỏ thấy rằng Ngủ uẩn đều là Không. Sự soi tỏ thấy như vậy độ thoát khỏi các sự khổ não tai ương. Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc sắc tức là không, không tức là sắc. Cho đến thọ, tưởng, hành thức cũng đều như vậy.
Để hiểu tưởng tận lý sắc không, tuy hai mà một, tuy một mà hai hai trường hợp cụ thể dẫn giải minh bạch như sau:
Con người mang tâm phàm tục chúng sanh thường chấp ngã, thấy cái ta là Có, cái của ta là Sự Thật như người thân trong gia đình, họ hàng, của cải, danh vọng… tất cả đều là của Ta, Ta có quyền chiếm giữ và bảo vệ. Đây chỉ là vọng ngã cái ta giả hữu, là Tục đế. Không quán sâu xa thì mới nhận ra cái gọi là ta, là của ta là Không Có, Ta chỉ là một thành phần trong gia đình, một người dân trong nước, một cá nhân trong tập thể cộng đồng của nhân loại. Đây mới là chân ngã, là Chân đế trong cuộc sống thực tế của con Người hòa nhập vào môi trường nhân sinh xã hội. Cá nhân con người ví như giọt nước hòa nhập vào đại dương, giọt nước là của đại dương, đại dương không phải là của giọt nước. Đây là nhân vô ngã trong lý sắc không.
Ca dao Việt Nam đã dạy người dân nếp sống Vô Ngã Vị Tha ngay từ lúc còn bé thân mình không phải là của riêng mình:
Bé là thân của mẹ cha,
Lớn lên thân của quốc gia sau này.
Một người đứng yên trên mặt đất ở một vị trí nhất định: Trường hợp này bảo là không có sự di chuyển. Tuy người này không di chuyển trên mặt đất nhưng người này có di chuyển trong không gian vũ trụ vì lý do lúc nào trái đất cũng đang di chuyển quay xung quanh mặt trời và tự quay xung quanh mình nó, tạo nên bốn mùa và ngày đêm. Như vậy là chẳng phải không có, chẳng phải có. Đây là Pháp vô ngã trong lý Sắc Không. Đây mới là Chân Không Diệu Hữu trong Phật giáo Đại thừa.
Có những trường hợp đơn giản hơn nữa, ai cũng có thể chứng nghiệm được: Đêm sáng trăng, trên trời có gió làm mây bay, người ở dưới đất nhìn lên có cảm nhận như mặt trăng di chuyển, khi luồn dưới mây đi ra khỏi đám mây. Người đi thuyền trên sông thấy cây trồng ở bờ đê di chuyển. Người đi xe trên xa lộ thấy cảnh vật chạy lùi về phía sau… Tóm lại, tất cả vọng thức đều sai lầm vì lý do Chấp Ngã, Chấp Tướng.
(còn tiếp).
Bảo Thông