Lậu hoặc là gì, biết về bốn lậu hoặc trong Phật giáo

“Lậu” là rỉ ra, là tươm rỉ bợn nhơ, dơ uế phiền não. “Hoặc” là mê lẩn, mê lú. Lậu hoặc là những dơ uế chảy tràn ngập đời sống của chúng sanh trong các cảnh giới, làm cho mê lẩn, lú lẩn tâm trí chúng sanh.

 

Có bốn dòng nước đen điu, bẩn thỉu chảy tràn, len lỏi khắp các cõi, nó không ngừng tươm rỉ những chất độc hại, dơ uế làm ô nhiễm tâm trí của chúng sanh: Đó là Dục Lậu, Hữu Lậu, Kiến Lậu và Vô Minh Lậu.

Tất cả chúng sanh bị trầm luân, trôi dạt, bị thống khổ, đoạ đày trong ba cõi, sáu đường; bị mê mờ, lặn hụp trong biển đen sinh tử không thấy bến bờ là do bị chi phối bởi Bốn Lậu Hoặc này. Chúng hiện đang có mặt khắp nơi, hoá trang nhiều khuôn mặt, phân thân trọng mọi lãnh vực sinh hoạt của thế gian, không dễ gì thấy biết. Vậy, phàm người học Phật, tu Phật thì phải nhận diện chúng, thấy rõ chúng để chúng không còn tác oai, tác quái, mê hoặc chúng ta trong nhiều đời kiếp nữa.

Đầu tiên, lậu hoặc là gì?

Āsava – Hán tạng dịch là lậu hoặc. “Lậu” là rỉ ra, là tươm rỉ bợn nhơ, dơ uế phiền não. “Hoặc” là mê lẩn, mê lú. Dịch như thế là đúng với nghĩa của giáo pháp. Tuy nhiên, từ āsava – xuất nguyên từ “ā” + căn “su” chỉ có nghĩa là trôi chảy. Sở dĩ được gọi vậy vì chúng chảy tràn ngập tất cả đời sống của chúng sanh trong các cảnh giới, tạo nên bợn nhơ, dơ dáy, uế tạp và làm cho mê lẩn, lú lẩn tâm trí chúng sanh.

1- Dục Lậu (kāmāsava).

Nghĩa chữ của “dục lậu” là do dục, bởi dục mà tươm rỉ ra bợn nhơ phiền não. Nhưng từ kāma chỉ có nghĩa là cõi dục, cõi vật dục, cõi của chúng sanh sống nhờ, sống bởi thế giới vật chất, ham muốn ngũ trần. Dục lậu len lỏi trong các cảnh giới; và chúng tồn tại dai dẳng trong tâm chúng hữu tình, không tha thứ cho một ai! Như vậy, dục lậu chỉ cho sự tham ái, dục vọng ngũ ngầm bên trong tất cả những ai còn phàm nhân. Nó là loại keo có năng lực dính hút, là cái gì cực kỳ lôi cuốn, làm say đắm tất cả chúng sanh. Chúng liên lỉ bám chặt, trồi lên dòng sống và chi phối mọi cuộc sinh tồn.

Dục lậu còn gồm những từ đồng một thuộc tính như: Ô nhiễm, hư hỏng, đồi bại, dơ bẩn, độc hại, bợn nhơ, xú uế, mê tối, lầm lạc… Mọi luyến ái dục lạc ngũ trần, đắm say vật chất đều thuộc về dục lậu.

2- Hữu Lậu (bhavāsava).

Chỉ cho sự tham ái, đeo dính, muốn có mặt, muốn tồn tại trong các cảnh giới. Nói cách khác – bhava (hữu) là hạt giống, là chủng tử; nó là tên gọi khác của hành (ái, thủ, hữu) đưa đến sanh, lão tử ở trong 12 duyên khởi. Với nghĩa này nên có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Dục hữu thì tương tợ dục lậu. Còn sắc hữu và vô sắc hữu là muốn nói đến những đam mê, dính mắc, chấp thủ, trầm mịch trong các trạng thái hỷ, lạc, xả của thiền định. Và chính những sắc ái, vô sắc ái ấy nó tươm rỉ ra phiền não vi tế không dễ gì thấy biết.

3- Kiến Lậu (diṭṭhāsāva).

Là gồm chung là 62 tà kiến như đã được đề cập đến trong kinh Brāhmajāla (Phạm võng). Do sự luyến ái ý tưởng, tư tưởng; các quan điểm, lý thuyết, triết lý cục bộ, giới hạn, lầm lạc, nghiêng lệch… lại còn chấp thủ vào chúng nữa nên đưa đến đối kháng, tranh chấp, bảo vệ. Đấy chính là kiến lậu. Là những phiền não thuộc về sở tri, kiến thức, quan niệm. Chúng đẻ ra biết bao nhiêu hỗn loạn, chiến tranh, hận thù, bạo tàn giữa cuộc đời. Những chủ thuyết chính trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lý tưởng và quan điểm của các tôn giáo với nhưng cố chấp tệ hại, xuẩn động đã làm tổn thương biết bao nhiêu sinh mạng; đã làm khô rỗng mọi giá trị nhân ái, công bằng và lẽ phải giữa con người và con người.

Nếu dục lậu, hữu lậu thuộc về phiền não tâm thì kiến lậu thuộc về phiền não trí – chúng tươm rỉ mọi dơ uế, bẩn thỉu từ thế giới tinh thần. Cho chí mọi lý tưởng có vẻ cao đẹp ở bên ngoài với mục đích phục vụ nhân sinh, đưa đạo vào đời, cải tạo xã hội, nếu không có trí tuệ dẫn lối, soi đường thì chúng đều đi theo gót chân bụi bẩn, dơ uế của kiến lậu vậy.

4- Vô Minh Lậu (avijjāsava).

Là trạng thái vô minh liên quan đến Tứ Diệu Đế, ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên… Đấy là không biết gì về khổ, về nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường khổ diệt. Nói theo thiền quán minh sát là không biết gì về tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn, của 12 duyên khởi; không biết rõ, thấy rõ “cái ta” là giả ngã, không thực tính, không thực thể, là tánh không.

Nói dễ hiểu hơn chút nữa, vô minh là trạng thái không sáng suốt, không tỉnh thức, không tỉnh giác, thiếu hiểu biết… Do vô minh che mờ nên tạo ra những hành động lầm lạc, gieo cấy các vọng nghiệp rồi trầm luân trong 3 cõi, 6 đường.

Trong 4 lậu hoặc, vô minh là lậu hoặc gốc. Có vô minh mới sinh “hành” và tiến trình duyên khởi sinh tử mới vận động. Vô minh nó tồn tại trong tâm trí phàm phu, cho chí nó còn đeo dính đến quả vị thánh A-na-hàm; chỉ khi đắc quả A-la-hán nó mới hoàn toàn vắng mặt “minh hiện, vô minh diệt” (1).

Tóm lại, sau khi đã nhận diện, đã thấy rõ, biết rõ 4 lậu hoặc; tuy chưa thể đoạn tận chúng nhưng cũng có thể làm cho nó muội lược, giảm dần dần, mỏng nhẹ đi. Bằng không, nếu cứ sống tràn bừa, không tu tập, không hành trì – thì 4 lậu hoặc kia sẽ thêm năng lực, thêm sức mạnh thành dòng cuồng lưu chảy siết (bạo lưu) cuốn phăng, nhấn chìm chúng sanh xuống vực thẳm thống khổ: Ác xứ, đọa xứ, địa ngục… Và khi mà dục lậu đưa đến dục bạo lưu (kāmogho); hữu lậu đưa đến hữu bạo lưu (bhavogho), kiến lậu đưa đến kiến bạo lưu (diṭṭhogho); vô minh lậu đưa đến vô minh bạo lưu (avijjogho) – thì dù có 10 đức Chánh Đẳng Giác ra đời cũng không cứu độ được!

Bảy cách đoạn trừ lậu hoặc (Sư cô Lan Nhã)

Liên hệ đề tài, cần phân biệt cho rõ:

– Chanda: Là muốn, là muốn làm, muốn thực hiện cái gì đó… như khi đói muốn ăn, khi khát muốn uống, muốn cắm hoa, muốn đọc sách… Tất cả cái muốn này là tự nhiên, là bình thường; chúng chỉ là ước muốn thuần tuý, chưa có dục, tham, ái gì cả. Nhưng kinh điển ở đâu cũng dịch là dục thì dễ sinh nhầm lẫn, ngộ nhận thật nguy hiểm vậy.

– Lobha: Do ngữ căn “lubh” là nắm giữ, ôm ấp. Tất cả những trạng thái tâm muốn ôm ấp, cầm nắm, bám víu, chiếm hữu, chiếm đoạt, san đoạt, vơ vét, cướp giật… tạo ra “lực hút” đều gọi là tham.

Tham có tính chất dính mắc, giống như mủ mít đối với ruồi, giống như nhựa để bẫy chim. Tất cả chúng đều đưa đến đau khổ, thống khổ, càng vùng vẫy càng bị siết chặt. Có nhiều mức độ khác nhau của tham. Có cái tham thô tháo, hạ liệt, thú tính. Có cái tham trung bình, vừa phải, rất người. Có cái tham vi tế dường như rất đẹp, rất thanh cao.

Các loài thú và người nhiều tham sân si thường có cái tham thô tháo, hạ liệt. Người nhiều nhân tính có cái tham chừng mực, vừa phải. Người có đời sống tinh thần thăng hoa thường có cái tham vi tế; ví dụ: mến thích một khung cảnh u nhã, yêu thích một câu thơ thanh cao, muốn nghe một bản hoà tấu êm đềm, ngắm nhìn một tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo, thích thú một mùi hương nhẹ, kín, thanh khiết…

“Thời Phật tại thế, có một vị tỳ-khưu trên đường khất thực trở về thấy có một hồ sen nước xanh trong, hương sen thơm ngào ngạt; vị ấy xuống tắm và thú vị ngửi hương thơm ấy. Vài lần như thế vị tỳ-khưu đâm ra khó bỏ sở thích của mình. Có một vị trời trông thấy, đã nói lên một câu kệ, chê trách “nhẹ nhàng” vị tỳ-khưu ấy là ‘kẻ trộm hương sen’.

– Pema: Là tình thương, sự yêu mến, tình thân ái trong cuộc sống đời thường. Pema này là vòng tay dịu dàng mềm mại gắn kết tình cảm giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, bè bạn, quyến thuộc, xóm làng… Nó là cái đẹp giữa đời thường, là trái tim trong cuộc sống, nếu thiếu nó thì thế gian sẽ khô cỗi, vô cảm, dửng dưng, lạt lẽo. Chỉ khi pema vượt quá giới hạn sinh ra đam luyến, dính mắc, đem lại sầu bi ưu não cho nhau thì không còn giữ được tính chất đẹp của nó nữa, đã bước sang dạng khác rồi. Như thế, pema cũng chưa phải là dục, là tham, là ái gì cả.

– Kāma: Ưa muốn, thích muốn, tham muốn vật chất. Ở đây bắt đầu xuất hiện năng lực của tham hay dục. Cũng từ ước muốn, thích muốn mà sinh tham muốn. Từ tham muốn vật chất, ham muốn ngũ trần mà sinh ra tham dục; và khi muốn hưởng thụ, lại tạo ra mê đắm, đam chấp. Cũng do từ kāma này mà sinh ra mọi hành động thiện hay ác. Nếu thiện thì được làm người hữu phúc, hoá sinh vào 6 cõi trời dục giới. Nếu là bất thiện thì sinh làm người bất hạnh và 4 đường khổ. Do vậy, tham muốn cõi dục được gọi là kāma taṇhā. Ở đây, xuất hiện thêm từ taṇhā để xác định là cái dục, cái tham này đã bước lên một cấp độ khác, có dấu vết của nguy hiểm rồi.

– Taṇhā: Được dịch là ái hay dục, còn được dịch là ái dục, dục lạc. Taṇhā này nó nằm khắp ba cõi: Ái cõi dục giới là kāma taṇhā. Ái cõi sắc giới là rūpa taṇhā – tức là chán cõi dục vật chất, mong thụ hưởng hỷ lạc của tinh thần. Ái cõi vô sắc giới là arūpa taṇhā – là chán cõi sắc giới, chỉ mong thụ hưởng trạng thái xả và nhất tâm của cõi vô sắc. Ba cái taṇhā này còn được hiểu sâu thêm một chút khi tu tập minh sát. Nếu ta đang dính mắc, say đắm trong các dục hiện tại (dục lạc ngũ trần) thì gọi là kāma taṇhā. Nếu ta thích thú cái gì đó, mong nó còn mãi bên ta – mong nó thường tồn, cầm giữ, níu giữ mãi sợ nó mất đi thì được gọi là bhava-taṇhā. Những người tu học mà mong đến cõi vĩnh hằng, thường lạc, thường ngã thì rơi vào ái này, nên bhava-taṇhā còn được dịch là hữu ái (do tham) rơi vào thường kiến. Ngược lại, nếu ta không thích cái gì, không vừa lòng điều gì, đối tượng nào, hoàn cảnh nào, ta lại muốn chối bỏ, phủ nhận, muốn chấm dứt, muốn triệt tiêu thì rơi vào abhava-taṇhā, là phi hữu ái (do sân), rơi vào đoạn kiến.

Còn nữa, trong Thập nhị duyên khởi, taṇhā được dịch là ái (ái, thủ, hữu), ngại rằng không nói đủ nghĩa của taṇhā. Tại sao vậy? Vì trong taṇhā, ở nơi taṇhā, cái gì thích thì phát sanh tham, cái gì không thich thì phát sanh sân. Vậy ở trong taṇhā nó có đầy đủ tham, sân, thương, ghét! Ta phải nhận diện chúng, thấy rõ chúng, nếu không, không thể tu tập minh sát để chấm dứt khổ (dukkha) được!

– Rāga: Là dục, ái dục, là tình dục. Đây là dục nguy hiểm nhất trong quan hệ, ái luyến nam nữ. Nếu say mê đeo đuổi dục tình, đắm đuối trong tình dục thì được gọi là rāga. Nó như uống nước mặn, càng uống càng khát, không bao giờ thoả mãn cơn khát. Bản chất của tình dục là càng thêm thì càng thiếu. Đến quả vị thánh A-na-hàm mới cắt được rāga này (2). Không ngạc nhiên gì khi bà Visākhā, vị thánh Nhập Lưu mà có đến 20 người con, gồm 10 trai, 10 gái, vì bà mới vào dòng giải thoát, mới cắt được 3 sợi đầu, nhưng“tình dục” và “bất bình” thì còn y nguyên (3).

Tuy nhiên, ta hãy lưu ý:

– Nếu rāga có pema tiếp sức, do sự thương yêu chân thành, thuỷ chung như tiền thân Bồ-tát và nàng Yasodharā thì sợi dây luyến ái, buộc ràng kia trở thành chất keo gắn kết họ với nhau trên con đường tu tập công hạnh ba-la-mật.

– Trong tình thương, yêu mến, thân ái (pema), trong ham muốn ngũ trần (kāma), trong ái dục, dục lạc (taṇhā), và trong tình dục (rāga) đều có sự tham dự của tâm sở tham (lobha), tạo nên sự dính mắc. Nếu tất cả chúng (pema, kāma, taṇhā, rāga) được hướng dẫn đúng đắn, được trí tuệ soi đường, được nhiều thiện pháp nâng đỡ – thì chúng tạo nên sự đồng lòng, chung sức, tiến tu, hướng thượng rất tốt vậy!

Lưu ý thêm

Đối với Phật giáo Nam tông, học Phật, tu Phật nên đi thẳng vào từ Pāḷi hoặc ít ra là có từ Pāḷi đi kèm để khỏi lân lộn giữa các khái niệm. Nói thật, tôi cũng đã từng “điên đầu” về những từ như dục, ái, tham, ái luyến, ái dục, hỷ tham, ái tham, dục tham, tình dục, dục ái… và cho đến bây giờ vẫn còn lẫn lộn, đôi nơi chưa điều chỉnh, đính chính được.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, từ ngữ nguyên Pāḷi như trên mà dịch ra “vài lần” sang ngôn ngữ khác thì khái niệm ban đầu bị lệch nghĩa, sai trật như thế nào? Và có lẽ Bắc truyền cũng vậy, dường như thầy Tuệ Sỹ có khuyến cáo Tăng Ni sinh là nên học Sanskrit, nếu không sẽ rơi vào “Phật của Tàu” mà không hề biết!

Cẩn bút.

Ghi chú:

(1) Trong 10 kiết sử: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh – thì, Tu-đà-hoàn cắt được 3 sợi đầu; Tư-đà-hàm làm nhẹ 2 sợi kế; A-na-hàm cắt 5 sợi đầu; A-la-hán mới cắt được 5 sợi cuối.

(2) Xem chú thích 1.

(3) Xem chú thích 1.

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH