TP.HCM: Ban Tôn giáo Chính phủ thăm Chư Tôn đức Khóa Bồi dưỡng Trụ trì 2023
Sáng ngày 09/6/2023 (nhằm ngày 22/4/Quý Mão), ông Lê Minh Khánh – Trưởng phòng Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ, đã có chuyến thăm và chia sẻ kiến thức về “Một số điểm cần lưu ý trong Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo”, tại Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL.2567 – DL.2023.
Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo qua 5 năm thực thi, bao gồm 9 Chương, 8 Mục và 68 Điều, quy định rõ về các hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo, thành lập các tổ chức trực thuộc, hay quy định về tài sản tôn giáo… Ông Khánh nêu rõ hai văn bản quan trọng về việc điều chỉnh Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, bên cạnh các luật về đất đai, dân sự, xuất nhập cảnh… (những luật liên quan trực tiếp đến Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo), gồm:
- Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
- Nghị định 162 để hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành của Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo có hiệu lực cùng ngày 01/01/2018.
Nói về tình hình tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, ông Khánh cho biết, tại Việt Nam hiện có 41 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, hoặc cấp đăng ký hoạt động trực thuộc 16 tôn giáo, trong đó bao gồm GHPGVN. Về số lượng các chức sắc, chức việc và tín đồ được ghi nhận rơi vào khoảng 26,5 triệu tín đồ, với gần 30.000 cơ sở thờ tự, 55.000 chức sắc và 155.000 chức việc. Trong đó, ông Khanh khẳng định, Phật giáo chiếm số lượng đông đảo nhất, với hơn 18.000 cơ sở tự viện, gần 55.000 Tăng Ni và số lượng tín đồn theo thống kê sơ bộ của Sách Trắng thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, là khoảng hơn 14 triệu tín đồ, chiếm gần 50% trong biểu đồ các tôn giáo.
Theo đó, với tư cách là Trưởng phòng Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo, ông Khanh nhấn mạnh các vấn đề cần lưu ý trong số 68 Điều của Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, đặc biệt liên hệ đến vai trò của vị Trụ trì tại các cơ sở Tịnh xá, sâu sát đến đời sống thực tiễn của Tăng Ni, như: đăng ký sinh hoạt tôn giáo hằng năm, vấn đề đăng ký sinh hoạt ngoài cơ sở, mời các tổ chức hay cá nhân nước ngoài vào Việt Nam v.v… Đối với từng trường hợp, vấn đề, đều có các biểu mẫu tương thích, nhằm kiện toàn trong hệ thống quản lý, dễ dàng cho chư Tôn đức Tăng Ni thực hiện đăng ký.
Tại Khóa BDTT 2023, ông Trưởng phòng Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo cũng đã trình bày rõ đến chư Tôn đức những hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết trong việc thành lập cơ sở Tự viện, Tịnh xá; bổ nhiệm Ban Quản trị tự viện; tạo con dấu cho từng cơ sở; việc sắc phong, tấn phong Giáo phẩm, chức sắc, chức việc; thuyên chuyển thành phần nhân sự tại Tịnh xá; đăng ký các hoạt động Hội thảo, sự kiện Phật giáo v.v…
Ông Khánh khẳng định, bên cạnh Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt về Phật giáo, phần lớn đều y cứ theo Hiến chương của GHPGVN để thực hiện công tác quản lý tôn giáo.
Khép lại chuyến thăm của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, TT. Giác Hoàng – UV.HĐTS, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Tổng Thư ký VNCPHVN, Trưởng ban Văn hóa Giáo đoàn III kiêm Phó Thường trực Ban Giáo dục GĐ III, trú xứ Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), thay mặt toàn thể hội chúng, dành lời tri ân vì những chia sẻ quý báu của ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo về Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho chư Tôn đức Tăng Ni tham dự Khóa BDTT 2023.
Sau đây là một số hình ảnh tại Khóa BDTT 2023 Ngày thứ năm:
Ban TTTT Hệ phái