Cốt lõi của sự tu tập (Phần 3)

Trong bước đường tu tập thoát khổ, hành giả phải luôn vun bồi đầy đủ ba loại trí tuệ là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Trong đó, chỉ có tu tuệ mới thực sự là tuệ giác giải thoát.

Giữ tâm ý trong sạch (tu tâm dưỡng tánh)

Trong bước đường tu tập thoát khổ, hành giả phải luôn vun bồi đầy đủ ba loại trí tuệ là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Trong đó, chỉ có tu tuệ mới thực sự là tuệ giác giải thoát. Muốn thanh lọc tâm y trong sạch, thoát khỏi hoàn toàn khổ đau, chúng ta phải tu tập theo đạo lộ Giới – Định – Tuệ (Bát Chánh đạo). Trong đó, định tâm giúp chế ngự phiền não trong tâm ý thức bằng pháp hành thiền định và tuệ giác giúp diệt tận phiền não ngủ ngầm trong tâm vô thức nhờ pháp hành thiền tuệ. Cho nên, thiền định và thiền tuệ là pháp hành trực tiếp dựa trên nền tảng giới đức đưa hành giả từ bờ mê đến bến giác.

Cốt lõi của sự tu tập (Phần 2)

278934592_4892665014161959_6499184642237248209_n

1- Pháp hành thiền định (Samatha)

Thiền định (thiền chỉ) là pháp hành mà hành giả phải hướng tâm, tập trung trên một đối tượng thiền định duy nhất để tâm dần dần được tĩnh lặng, định tâm trên đối tượng đó. Khi có định tâm, năm chi thiền (tâm, từ, hỷ, lạc, nhất tâm)’ xuất hiện và chế ngự được năm phiền não (tham, sân, hôn thụy, hoài nghi, trạo hối), dẫn đến chứng đắc các tầng thiền Sắc giới và Vô sắc giới. Nhờ vậy, hành giả có thể an trú và hưởng sự an lạc nhất thời trong tầng thiền ấy.

Trong 40 đề mục thiền định (hơi thở là đề mục phổ biến), hành giả chọn một đề mục thích hợp với mình làm đối tượng để tu tập, rồi tìm đến vị Thiền sư uyên thâm về pháp học Phật giáo và thuần thục về pháp hành Phật giáo (nhất là pháp hành thiền định) để nương nhờ, tu tập về đề mục thiền định ấy. Nếu là người tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và đủ các thuận duyên khác, hành giả có thể chứng đắc được các tầng thiền Sắc giới và Vô sắc giới, rồi luyện thành công các phép thần thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tầm thông, túc mạng thông, thần túc thông), cũng như nhập định hưởng lạc ngay hiện tại hay tái sinh kiếp sau ở cõi trời Phạm Thiên tương ứng với tâm thiền đã chứng ngay khi chết.

Tuy nhiên, pháp hành thiền định chỉ có chức năng chế ngự các phiền não tạm thời (như đá đè cỏ), chứ không thể diệt trừ phiền não vĩnh viễn. Ngay cả thần thông cũng không phải là yếu tố giải thoát thực sự và không thể thắng được nghiệp lực, có khi lại mê hoặc quần chúng, khiến họ tăng trưởng tham vọng, không tin nhân quả, nuôi dưỡng tà kiến, rồi dấn thân vào tà đạo. Người có thần thông, chưa chắc là bậc Thánh vì thần thông xuất phát từ thiền định, chứ không phải là tuệ giác. Một vị sinh về cõi Phạm Thiên, sống thanh tịnh trong thời gian dài, nhưng khi hết phước, họ sẽ quay lại làm người bình thường, với đầy đủ các thứ phiền não làm họ khổ đau như trước. Cho nên, thiền định là đường đi của những ai chán sợ và muốn lìa bỏ đời sống Dục giới, chứ không cầu giải thoát tuyệt đối, chứng ngộ Niết-bàn. Người cầu đạo giải thoát chỉ tu tập thiền định để có tâm tĩnh lặng mà kiểm soát phiền não, rồi lấy đó làm nền tảng để thực hành thiền tuệ mà giác ngộ chân lý, buông bỏ khổ đau.

Chỉ có pháp hành thiền tuệ mới có khả năng đoạn tận phiền não (nhổ cỏ tận gốc). Qua cuộc đời của Đức Phật, khi còn là Đức Bồ-tát, Ngài đã từng thực hành thiền định với sự hướng dẫn của Đạo sĩ Alāra Kālāmagotta và Đạo sĩ Udaka Rāmaputta, rồi chứng đắc tất cả các tầng thiền định (bát thiền), nhưng Ngài vẫn chưa giác ngộ. Cho đến khi, Ngài tự tu tập thực hành thiền tuệ dưới cội cây bồ-để mà thành tựu Phật quả Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên, thiền tuệ là pháp hành chỉ có trong Phật giáo, là tinh hoa của Phật giáo, dẫn chúng sinh đến cứu cánh giải thoát rốt ráo.

2- Pháp hành thiền tuệ (Vipassanā)

Thiền tuệ (thiền quán, thiền Tứ niệm xứ, thiền minh sát) là pháp hành mà hành giả thiết lập và phát triển chánh niệm trên Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp), rồi hướng tâm quan sát sự biến diệt của các hiện tượng trên thân và tâm (sắc pháp và danh pháp bên trong lẫn ngoài ) ngay thời khác hiện tại, để có tuệ giác thấy biết rõ thật tánh sinh diệt hay tam tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) của các pháp, dẫn đến giác ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Tứ Thánh đạo, Tứ Thánh quả, Niết-bàn, diệt tận mọi phiền não, tham ái, trở thành bậc Thánh A-la-hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi trong tam giới.

Muốn vậy, hành giả phải thực hành Giới – Định – Tuệ. Trong Bát Chánh đạo, nhóm giới gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng; nhóm định gồm có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định; nhóm tuệ gồm có chánh kiến và chánh tư duy. Do đó, khi bỏ ác, làm thiện và thanh lọc tâm, chúng ta cũng đang thực hành Bát Chánh đạo. Pháp hành giới đức làm nền tảng nương nhờ cho pháp hành thiền định phát triển. Nhờ vào định tâm kiểm soát các phiền não, hành giả mới thực hành thiền tuệ hiệu quả.

(còn tiếp).

Tỳ Khưu Phước Hưng