Nợ mẹ những con chữ
Phải qua lớp 3, tôi mới biết mẹ chưa bao giờ được đi học. Và tôi đã ngây thơ đề nghị: “Con sẽ dạy cho mẹ, mẹ nhé!” vào một buổi tối thích thú vì được mẹ tuốt trứng chí, gãi lưng, xoa tai. Để rồi mắt lim dim, chìm sâu vào giấc ngủ và quên mất.
Mẹ bảo chỉ muốn tôi bày thôi. Vì tôi là út ít, còn bé và rất hay gần gũi với mẹ. Với bố, mẹ chẳng dám. Với các anh, mẹ ngại mà với các chị, mẹ lại ngượng. Không biết chữ rất thua thiệt, chẳng khác gì người mù và lắm khi còn bị bố mắng cho.
Bố bảo mẹ là: “Chỉ biết trông vào đống vách”. Dù tôi có ý muốn quên nhưng mẹ cứ nhắc mãi với lại thấy thương mẹ và muốn ra oai với cả nhà, nên tôi quyết làm cô giáo một phen.
Cô giáo đây chẳng phải như cô giáo của những trò chơi trẻ con. Mà là cô giáo thật hẳn hoi. Cô giáo của mẹ.
Buổi học đầu trôi qua rất căng thẳng, cho cả mẹ lẫn con. Tôi gò lưng viết rất đẹp mấy dòng o, a bằng viết chì. Rồi nắm lấy bàn tay to bè, thô ráp của mẹ để đồ lên.
Cứ tưởng là dễ ai dè sao quá khó và chưa hết dòng đầu đã gãy ngay hai cái ngòi bút lá tre, rồi còn rách cả giấy. Tự mẹ chứ ai! Tay mẹ cứng đơ như thế kia.
Nhìn tôi phụng phịu với khuôn mặt nhiều thất vọng, mẹ ra chiều biết lỗi: “Cũng do mẹ dốt quá mà. Thôi cố thêm với mẹ một tị, nhé!”. Thấy dạy mẹ viết quá gian nan lại rất bẩn, bởi đã viết được gì đâu mà tay của hai mẹ con đều lấm lem những mực là mực, tôi xoay qua dạy mẹ đọc.
Tôi đánh vần trước, mẹ đánh vần sau và cứ được dăm bảy lần như vậy tôi lại kiểm tra. Mẹ cau trán, nhíu mày… và cười, bảo: “Mới đấy mà đã quên. Sao mà mẹ dốt thế nhỉ?”.
Nghe ra, tôi đã hết hào hứng với việc làm cô giáo của mẹ ngay từ hôm ấy nhưng rồi cứ bị mẹ nhắc mãi, tôi lại phải cố thêm một thời gian nữa nhưng cũng chẳng thu lượm được kết quả gì.
Thêm mấy tuần nữa lớp học được duy trì, chỉ để mẹ viết được vỏn vẹn có mỗi một vần và biết gạch ở dưới. Thế mà mẹ rất mừng và tôi cũng rất vui sướng lẫn hãnh diện.
…Sau khi mẹ mất, tôi thường xúc động đến lặng người mỗi khi bắt gặp lại chữ ký thật đơn sơ và non nớt của mẹ, được tìm thấy từ đâu đó. Chắc chẳng có ai trên đời có được một chữ ký rất lạ và thật vụng như là chữ ký của mẹ tôi.
Hình ảnh mẹ gồng người trên trang giấy mở, bàn tay lóng ngóng cầm bút, run rẩy và nhọc nhoài nguệch ngoạc theo từng con chữ. Và khó khổ đọc theo tôi từng âm, từng âm không ngờ cứ theo tôi mãi. Rưng rức hết cả cõi lòng.
Ngày ấy, tôi đâu ngờ chính sự chịu khó, nhẫn nại… của mẹ đã dạy cho tôi bao bài học ý nghĩa. Khi nản chán, tôi nhớ lại những giọt mồ hôi rịn ướt trán, mẹ vẫn kiên trì đánh vần tới, đánh vần lui.
Khi muốn buông xuôi, tôi nhớ đôi môi mím lại đầy quyết tâm của mẹ lúc chật vật với cây viết cùng những o, a, c, b…
Nhớ, để dặn lòng mình phải vượt qua cho bằng hết những trắc trở, thử thách của cuộc đời.
Ngày làm cô giáo cho mẹ với chỉ duy nhất nỗi ao ước là có thể dạy mẹ biết chữ, tôi đâu có ngờ đời mình lại luôn gắn bó với những con chữ như thế này. Tôi đâu hay mình cứ phải đeo bám lấy những con chữ bất kể sớm, tối, ngày, đêm. Những con chữ mẹ học hoài vẫn không biết đọc và viết.
Còn tôi cứ bắt ngợp người khi phải lặn sâu thêm. Cái cảm giác chống chếnh, hoang mang… luôn luôn là thường trực.
Con chữ nào mới thật của mình? Con chữ nào là mượn vay? Con chữ nào làm mình vui? Con chữ nào khiến mình buồn? Con chữ nào hành hạ mình đến mất ăn, mất ngủ? Con chữ nào đưa mình thoát xác, bay cao? Con chữ nào nhẹ tênh, sao dễ bắt níu. Con chữ nào cứ mãi lơ lửng, xa vời.
Mỗi ngày đắm mình cùng chữ. Tôi lại đau đáu thương mẹ cặm cụi học chữ, một thuở nào. Và câu hỏi này, luôn lặp đi lặp lại. Một câu hỏi cứ khiến mình trở trăn: Sao ngày ấy tôi không cố thêm khi dạy mẹ? Và lúc này, sao tôi không thể cố thêm?