Ngày Phật đản và những việc nên làm…
Ngày Phật đản ta trở về với giác ngộ, trở về quỳ dưới chân Phật tìm lại điều thiện tột cùng trong ta. Chúng ta sẽ chấm dứt những tháng năm, những kiếp lang thang, vô định và về với mái chùa yêu thương, về với ánh sáng Phật Đà.
Ngày Phật đản là một ngày để im lặng. Vì có những điều vĩ đại quá, cao siêu quá mà ngôn ngữ không thể diễn tả được nên phải im lặng. Đó là lòng tôn kính Phật của ta là tuyệt đối nên lúc này lời nói là thừa. Ta im lặng để nghe tâm hồn, nghe con tim, nghe niềm tôn kính Phật của ta trùm hết cả thế giới này.
“Nếu còn có hư không thì nguyện cho lòng tôn kính Phật của con cũng bằng như hư không. Nếu có biển sâu thì nguyện cho lòng tôn kính Phật của con sâu hơn biển. Núi có cao thì nguyện cho lòng tôn kính của con cao hơn núi. Nếu còn có cái gì mênh mông trên thế giới này thì nguyện cho lòng tôn kính của con mênh mông hơn những điều đó. Chính vì Đức Phật vĩ đại quá nên lòng tôn kính của ta không thể diễn tả hết được. Vì vậy, ta im lặng để lắng nghe lòng tôn kính bao trùm trời đất này”.
Ngày Phật đản là một ngày để tu. Chúng ta tất bật vì bao điều lo lắng trong cuộc sống; có thể chúng ta bị khơi gợi trong lòng mình một cái sân, cái tham, cái ích kỷ, hẹp hòi, hơn thua nhưng bước vào ngày cao cả, thiêng liêng này ta nguyện bỏ đi những thứ đó.
Hôm nay là một ngày để tu, để thay đổi, quyết không sống như cũ nữa. Nhiều kiếp đã trôi qua, chúng ta đã sống sai lầm. Nhưng hôm nay chúng ta quỳ dưới chân Đức Phật nguyện không sống sai lầm nữa. Cố gắng gạt bỏ những cái tham, sân, si, mà sống thành một con người khác, xứng đáng là con của Đức Phật kính yêu.
Hạnh phúc khi nhớ đến ngày Đức Phật đản sinh
Ngày Phật đản là một ngày để nguyện. Chúng ta khởi lên những ước nguyện cao cả cho mình và cho thế giới. Cho mình là xin phát nguyện một ngày nào đó ta phải xuất gia, vì chùa mới là tổ ấm, là bến bờ yên ổn, là nơi trở về. Còn nhà chỉ là con thuyền bấp bênh trên biển cả đầy sóng gió. Biết bao nhiêu con người còn u mê, tăm tối. Khi nhìn những điều này, chúng ta hãy ước nguyện sẽ xuất gia, tu hành chân chính, giác ngộ để giáo hóa chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều cần ánh sáng giác ngộ soi rọi vào tâm hồn họ, vì chính họ cũng không biết mình đang ở trong cảnh tăm tối.
Phật đản là ngày để tự vấn. Đó là tự hỏi trong suốt những ngày tháng qua mình đã sống như thế nào? Ta có thích nghe những lời khen, hay tại sao phải tự khen mình? Trong khi trong một giây phút giác ngộ ta nhận ra rằng mình có rất nhiều lầm lỗi. Phật đản là một ngày tỉnh ngộ, biết nhìn nhận lỗi lầm để sửa đổi.
Phật đản là một ngày để yêu thương. Vì bắt đầu của một sự tu hành đều là trải lòng mình để yêu thương chúng sinh. Nhiều khi chúng ta nghe nói về lòng từ bi, tụng kinh về lòng từ bi, thoáng nghĩ về lòng từ bi, nhưng thật sự chúng ta chẳng hay chưa từng yêu thương ai. Vẫn sống cho mình trong tham lam, ích kỷ, tầm thường. Nhưng ngày Phật đản, chúng ta phải bắt buộc tâm hồn mình yêu thương mọi người, yêu thương muôn loài. Nói “bắt buộc” là vì không phải ai cũng tự dưng yêu thương muôn loài. Không phải tụng một bài kinh về yêu thương là ta đã yêu thương. Thậm chí chúng ta đã quỳ trước Đức Phật để quy y, chúng ta đã nguyện tu hành, biết tôn kính Phật nhưng lòng từ bi vẫn chưa xuất hiện. Nên ta phải gieo vào đó lòng từ bi và ép nó xuất hiện.
Phật đản là ngày để ngồi lại bên nhau, nhìn thấy nhau, nắm tay nhau và nói cho nhau những lời tử tế. Hứa với nhau rằng sẽ sống để yêu thương nhau, để cho thế giới này bớt cô đơn. Mỹ, Nga, các nước ở Châu Âu đã mất rất nhiều tiền để đi tìm một sự sống ngoài trái đất này. Mà bằng niềm tin họ nghĩ là có. Họ nghĩ trái đất không phải là nơi duy nhất có sự sống nhưng đến hôm nay chưa chính thức tìm ra nơi nào ngoài trái đất. Trái đất của ta có sông, có núi… có những con người sống để ghét nhau, giết nhau, hại nhau từng ngày.
Phật đản là một ngày để quay về, vì chúng ta đã lang thang nhiều kiếp. Chúng ta đã trôi theo dòng luân hồi sinh tử. Trong đó, chúng ta có ghét, có thương, khi tạo tội, khi tạo phước như một con tàu trên biển mênh mông, vô định. Ngày Phật đản ta trở về với giác ngộ, trở về quỳ dưới chân Phật tìm lại điều thiện tột cùng trong ta. Chúng ta sẽ chấm dứt những tháng năm, những kiếp lang thang, vô định và về với mái chùa yêu thương, về với ánh sáng Phật Đà.
Phật đản là ngày để bước đi. Khi đã trở về, đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời, chúng ta lại bước đi. Chúng ta bước đi để gieo ánh sáng của Phật Đà vào trong cuộc sống này, đồng thời để đem nhiều người về với điều thiện và với Đức Phật, vì còn có rất nhiều người chưa biết trở về.
Phật đản là ngày để quỳ xuống. Chúng ta ai cũng thích đứng ngẩng cao đầu để nghĩ mình giỏi, hơn người. Giờ đây, ta quỳ xuống với Đức Phật vì Người là ngọn núi bao la mà ta chỉ là hạt bụi. Ta quỳ xuống dưới những bậc đáng quý trong cuộc đời này, tức những Thánh nhân, những Vĩ nhân, Chư tôn đức – những người chân tu để biết rằng mình phải sống cho cuộc đời này như những vị đó. Chúng ta quỳ xuống dưới tất cả mọi người, với cây, cỏ, trăng, gió,… chúng ta tôn trọng tất cả.
Phật đản là một ngày để đứng lên. Đứng lên từ sự bạc nhược của chính mình trong vô lượng kiếp. Mình là một con người hèn nhát, khiếp nhược, sợ hãi nhưng hôm nay là một ngày ta đủ sức mạnh để đứng lên, chiến thắng sự hèn nhát đó. Chúng ta đã sợ hãi trước sức mạnh của người khác, sợ hãi lỗi lầm, sợ hãi sự ham muốn của chính mình, sợ hãi sự bạo lực, hung dữ của người chung quanh. Hôm nay, ta phải đứng lên, chiến thắng chính sự sợ hãi đó, làm chủ bản thân. Đã là con Phật thì không được sợ hãi bất cứ điều gì, kế cả cái chết.
TT. Thích Chân Quang