Câu chuyện 3: Khoanh tay chịu đòn
Thuở xưa có một người bị bệnh đầu sài, người nhà mua cho hắn một cái mũ rất đẹp màu sắc sặc sỡ để hắn đội che mụt ghẻ.
Một hôm có gã bán trái lê nói với hắn:
– Này! Anh hãy để tôi ném trái lê vào mũ anh, cho dù ném bao nhiêu trái, tôi đều cho anh hết được không?
Hắn đáp: – Được! Tôi đứng ở đằng xa, nếu anh ném trúng mũ của tôi thì tôi đưa mũ cho anh; còn ném không trúng tôi lấy hết trái lê của anh.
– Nếu tôi ném trúng đầu anh thì sao?– Cũng không sao cả.– Rất tốt! Lời nói như đinh đóng cột nhé!
Gã bán lê đứng đằng xa ngắm ngay chiếc mũ của tên đầu sài mà ném. Lúc đầu, gã ném được mấy trái nhưng đều không trúng. Khi tên đầu sài cúi xuống nhặt trái lê thì ngay lúc đó bị gã ném trúng. Hắn vẫn ngoan cố bất chấp, chỉ quyết nhặt trái lê cho bằng được; cho dù đầu hắn bị ném trúng mấy lần, máu chảy lênh láng cũng chẳng màng tới,mục tiêu của hắn là những trái lê. Cuối cùng, chẳng những hắn thua độ mất chiếc mũ đẹp mà chiếc đầu sài bị đau đớn chịu không nổi, chỉ vì được mấy trái lê.
Bài học đạo lý
Người xưa nói: “Tham thì thâm” chẳng sai tí nào. Con người chúng ta đều mắc bệnh chứng tham vặt. Nói ví dụ, người bình thường đến ngày lễ hay ngày tết đều có phong tục đi biếu quà cáp; nếu như chỉ là tình cảm bạn bè qua lại hai bên thì không có vấn đề gì. Nhưng sự kết bạn vì có ý đồ vụ lợi người khác, hoặc vì kinh doanh mua bán, hay tặng quà cáp cho những cơ quan, xí nghiệp thì người nhận quà sẽ chịu thiệt thòi rất lớn. Chúng ta biết rõ là họ thả mồi, thí con tép bắt con tôm; đây là những người thiếu lý trí để chọn lựa.
Chúng ta có biện pháp gì không? Chúng ta biết U, Lệ, Kiệt, Trụ là những ông vua thời xưa, vì tham đắm sắc đẹp mà vô đạo; chẳng những họ mất đi giang sơn, mà còn làm cho nhiều trung thần và nhân dân chịu tai họa, ngay bản thân họ cũng để lại tiếng xấu cho muôn đời sau. Ví dụ này, chẳng phải vì ham việc nhỏ mà hỏng việc lớn hay sao? Ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta vì tham chút danh lợi mà tính toán tranh đoạt với mọi người; hoặc bán rẻ nhân cách và đạo đức; hoặc tạo rất nhiều ác nghiệp, nhưng lại hưởng được chẳng bao nhiêu, khiến trải qua nhiều đời kiếp chịu khổ báo vô cùng. Có đáng làm không?
Cổ đức dạy: “Giang sơn muôn dặm, ăn ngày ba bữa”. Hoặc: “Nhà rộng nghìn phòng, đêm ngủ hai thước”. Nhưng khi chúng ta chạy theo giang sơn muôn dặm và nhà lớn nghìn phòng này phải trả giá biết bao nhiêu tâm huyết và tạo bao nhiêu ác nghiệp, lại kết oán thù biết bao nhiêu người. Chúng ta biết không? Nếu như vì hạnh phúc nhiều người trong xã hội, chúng ta trả giá bao nhiêu cũng xứng đáng; còn vì bản thân chúng ta thì hãy nghĩ đến tương lai nhiều đời nhiều kiếp mà tu nhân tích đức.
Mỗi ngày trên các trang báo đều đưa tin trộm cướp, giết hại, lừa gạt, tham ô, đánh ghen v.v… xảy ra hàng ngày. “Lưới pháp luật lồng lộng, tuy rộng nhưng khó mà thoát”. Ai là người có thể trốn thoát sự trừng phạt của pháp luật? Vì sao người thế gian có tầm nhìn hẹp hòi như thế? Vì họ tham việc nhỏ mà bỏ việc lớn. Đời người vốn rất ngắn ngủi, nên nói: “Sống chưa đến một trăm năm mà thường lo nghìn tuổi”. Chúng ta chi tiêu tiết kiệm để phòng khi có việc cần, nếu như còn dư thì làm từ thiện xã hội cũng là tích đức cho tương lai. Tại sao cứ khăng khăng tích lũy mầm tai họa cho mình và con cháu. Linh hồn của con người và muôn vật dùng ở đâu mới đúng?
Có người nói: “Hôm nay có rượu uống say, chớ đợi qua ngày ngồi ngáp ly không”. Khi bạn sống say chết mộng, mơ mơ màng màng đi vào cung điện Diêm Vương cũng không biết; đến khi vua phán xử bạn đi đầu thai làm thân trâu, ngựa, heo, chó thì mới hối hận hay sao? Vậy bạn uống rượu có tốt không? Hay uống nước đồng sôi, nuốt hòn sắt nóng? Đương nhiên uống rượu cũng không nhất định làm ác. Nhưng tiền tài, rượu ngon, sắc đẹp làm mê muội con người, bạn nắm chắc mình chống cự được mấy phần trăm? Bằng không bạn nên tu học Phật pháp, hiểu rõ nhân quả trước sau. Nếu bạn không nỗ lực tu hành thì có người nào thoát được mê hồn trận?
“Đời người như giấc mộng”. Nếu như chúng ta tranh thủ thời gian tu học, mặc dù ngắn ngủi nhưng vẫn tu học được pháp xuất thế, thoát khỏi sinh tử; lại vun trồng các công đức, làm cho nhiều đời nhiều kiếp sống an vui. Dẫu cho ngắn ngủi nhưng cũng có giá trị và ý nghĩa cuộc sống vô cùng. Nếu như bạn cứ “sống say chết mộng”. Hoặc gây nhân khổ báo vào đời sau thì một khi mất thân người muôn kiếp khó lại được; bạn sẽ không có cơ hội tu hành được nữa. Tham việc nhỏ mà hỏng việc lớn;hoặc nương việc nhỏ mà thành việc lớn, chỉ khác nhau có một chữ (cách nhau một niệm thiện ác). Quả báo khác nhau quá rõ ràng.
Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận