Mô thức học Phật (Phần 2)

Học Phật là tìm hiểu điều Phật dạy, là làm theo ý Phật, là đi tới chứng ngộ Đạo pháp và trở thành Phật. Đó là nét đặc thù độc đáo trong việc học Phật, không giống như những việc học khác ở thế gian.

Tam quán Không-Hữu-Trung

Mô thức này theo tiêu chuẩn luận lý: Quán cũng đọc là Quan có nghĩa nhận xét cân nhắc điều tà vạy với điều chân thực để đạt tới Chân lý. Thường dùng tiếng ghép đôi như quán niệm, quán giải, quán tưởng, quán chiếu, thiền quán, tà quán, chánh quán… Thông thường hay nói đến Tam quán:

– Không quán: Nhận ra mọi sự vật đều không có thực tánh, thực tướng như thường nói Vạn pháp giai không. Thể tánh vạn pháp là Không tịch.

– Hữu quán: Cũng gọi là Giả quán, nhận ra mọi sự vật đều vô thường, luôn luôn biến hóa chuyển dịch. Cái gọi là có thật chỉ là giả tạm, không bền vững lâu dài.

– Trung quán: Nhận ra lẽ Trung đạo, không phải Không, không phải Có, tiếng nhà Phật gọi là vô thực vô hư.

Phép Không quán dạy phá chấp Có. Phép Hữu quán dạy phá chấp Không. Phép Trung quán dạy hành giả giữ mức Trung, không phải Có, không phải Không. Đó là Chánh đạo trong Phật học, tin và làm theo đúng như Phật dạy.

Ngũ quán

Đi sâu vào chi tiết hơn có phép Ngũ quán:

– Chân quán: Nhận ra Chân đế, cái lý Chân thực để dứt bỏ sự chấp Không trong phép Không quán.

– Thanh tịnh quán: Nhận ra tâm Thanh Tịnh, dứt trừ được sở tri chướng, những sai lầm khi chấp Có trong phép Hữu quán.

– Quảng đại Trí tuệ quán: Nhận ra Trí tuệ khi Trung quán, dứt trừ được Vô minh.

– Bi quán: Do ba phép quán tưởng vừa nói trên nhận ra sự khổ não của chúng sanh, cần phải cứu độ chúng sanh cho hết khổ.

– Từ quán: Cũng do ba phép quán tưởng vừa nói trên nhận ra việc cần đem đến sự an vui cho chúng sanh.

Mô thức học Phật (Phần 1)

5

Quán pháp có hiệu năng diệu ứng trong mọi trường hợp từ việc to lớn quan trọng đến việc nhỏ nhặt thường ngày. Ví dụ điển hình: Để đối trị diệt trừ tính tham ăn, một Tỳ kheo khi thọ thực thức ăn thí chủ cúng dường đã hành pháp ngũ quán như sau:

– Tưởng đến giá trị món thực phẩm mà thí chủ đã đem cúng dường cho mình thọ hưởng, tưởng đến công lao khó nhọc của người đã tạo ra.

– Tự xét đức hạnh của mình có xứng đáng thọ hưởng hay không.

– Phải tự ngăn ngừa tính tham ăn.

– Coi món ăn đó như liều thuốc trị bệnh đói mà thôi.

– Chỉ vì cần có sức mạnh để tu hành nên tạm dùng món ăn đó mà thôi.

Tam học Giới-Định-Tuệ

Cũng gọi là Tam Tu, mô thức này theo tiêu chuẩn tăng trưởng nội lực của người hành trì. Ba phần học này theo thứ tự liên tiếp và có liên quan mật thiết với nhau: Trì giới mới sanh Định, có Định mới phát Tuệ, có Tuệ mới đoạn trừ Vô minh và Phiền não để rồi đắc Chân Tâm Thanh Tịnh.

– Giới học: Để giữ điều Giới cấm về cả tam nghiệp thân, khẩu, ý. Về Giới thì học tạng Luật.

– Định học: Để tìm hiểu Thiền định, tu sửa đức hạnh, tiến tới mức độ Thanh Tịnh. Về Định thì học tạng Kinh vừa tham thiền.

– Tuệ học: Để sáng tỏ Chân lý, đoạn trừ mê vọng nghi hoặc, diệt tận Vô minh. Về Tuệ thì vừa học tạng Luận vừa mở mang trí phân biện.

Khi viên thành đạo quả Tam học, hành giả có đạo vị thành Thánh, gọi là Vô học, nghĩa là không còn điều gì để học vì tâm đã thông suốt. Đây là quả vị A-la-hán trong Thanh Văn thừa và quả Bích-chi Phật trong Duyên Giác thừa. Khi đó gọi là Vô lậu học vì đã đạt tới Vô lậu tuệ, Vô lậu trí, không còn điều gì là không thông suốt sáng tỏ.

Tam giải thoát môn Không

-Vô tướng-Vô tác

Đây là ba cửa giải thoát, cũng gọi là Tam Tam muội (Ba phép Thiền định). Tam Niết-bàn môn (Ba cửa thông tới Niết-bàn). Đây là mô thức theo tiêu chuẩn Vô thượng Cứu cánh trong Phật pháp.

– Không môn: Thực chứng vạn pháp vốn là Không.

– Vô tướng môn: Thực chứng vạn pháp không có thể tướng, không có cả tướng Không nữa. Thực chứng Chân Không, không phải Ngoan Không khi còn chấp vào tướng Không đối nghịch với hữu.

– Vô tác môn: Cũng gọi là Vô nguyện môn, thực chứng không có mong cầu điều gì cho mình, không có tác nghiệp trong khi vẫn sinh hoạt bình thường cứu độ chúng sanh. Nói cách khác là vẫn sinh hoạt bình thường với Chân Tâm Thanh Tịnh, Trí Tuệ Vô lậu, không có tác nghiệp kể cả nghiệp lành vì lý do không còn ý niệm lành hay dữ.

Khi Đức Thích Ca trở về thành Ca-tỳ-la-vệ đã thuyết độ vua Tịnh Phạn Tam Giải Thoát môn. Nghe xong, nhà vua ngộ Đạo.

Kết luận: 

Học Phật là tìm hiểu điều Phật dạy, là làm theo ý Phật, là đi tới chứng ngộ Đạo pháp và trở thành Phật. Đó là nét đặc thù độc đáo trong việc học Phật, không giống như những việc học khác ở thế gian.

Về mặt hành trì, người thiện học cần tự vấn: Trong ba việc Tu, Thờ và Học Phật mình đã hội đủ cả ba hay chưa ? Việc nào đã thực hành trước, việc nào sau ? Điều quan trọng là ba việc cần hành trì đồng đều, cân bằng, không việc nào mạnh, việc nào yếu, có vậy mớidẫn đến đạo quả viên dung như ý.

Bảo Thông