Ngôi chùa đầu tiên của cao nguyên Di Linh

Nằm bên Quốc lộ 20, chùa Linh Thắng là địa điểm tâm linh nổi bật, thắng cảnh nổi tiếng của cao nguyên Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tiền thân chùa cổ là ngôi Niệm Phật Đường mái tranh, vách ván.

Tài liệu tại chùa ghi nhận, năm 1933, nhận thấy cần có nơi sinh hoạt tôn giáo, các cụ Trương Quang Thám, Huỳnh Duyên Quỳ đã vận động công nhân của đồn điền trà, cà phê tại địa phương đóng góp, tạo dựng Niệm Phật Đường.

Mặt trước chùa Linh Thắng hiện nay.

Năm 1940, ngôi Niệm Phật Đường trở thành trụ sở của Hội An Nam Phật học tỉnh Đồng Nai Thượng (một tỉnh cũ ở Nam Trung Bộ).

Tuy vậy, người dân địa phương vẫn quen gọi Niệm Phật Đường là chùa Di Linh và xem đây là ngôi chùa đầu tiên tại cao nguyên này.

Từ năm 1933 đến 1957, Niệm Phật Đường trở thành chốn tạm dừng chân trên bước đường vân du hoằng hoá của các vị sư thầy: Vĩnh Thông, Tâm Cảm, Nhất Hạnh, Mãn Giác…

Năm 1958, để đáp ứng sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo tại địa phương, Niệm Phật Đường được xây dựng mới và đổi tên thành chùa Linh Thắng. Hiện nay, chùa Linh Thắng là trụ sở chính của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Di Linh.

Không gian chùa xanh mát…

Chùa Linh Thắng tọa lạc giữa núi rừng Di Linh đã gần một thế kỷ. Suốt những năm tháng ấy, ngôi chùa là biểu tượng văn hóa tâm linh, tôn giáo của người dân nơi đây.

Ngoài việc không gian thoáng đãng, xanh mát, ngôi chùa nổi tiếng bởi sở hữu những báu vật mang tính nghệ thuật, văn hóa tâm linh. Một trong số này là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh được tạc từ 2 cây gỗ dâu hàng ngàn năm tuổi nguyên khối khổng lồ.

Chùa có nhiều cây cổ thụ khiến cảnh quan thêm phần cổ kính, trầm mặc.

Báu vật ngàn năm tuổi

Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh gắn liền với tên tuổi của cố Thượng toạ Thích Thắng Phước. Trước khi viên tịch, Thượng toạ Thích Thắng Phước nổi tiếng với biệt tài điêu khắc gỗ. Ông từng được mệnh danh là “người thổi hồn vào gỗ” tại cao nguyên Di Linh.

Khi còn trị sự tại chùa Linh Thắng, ông thường nuối tiếc khi phát hiện những gốc, rễ cây quý có tuổi đời trên 500 năm bị người dân vứt bỏ sau khi đã cưa hạ để lấy gỗ. Sau nhiều trăn trở, ông quyết định biến các gốc, rễ cây quý trăm tuổi này thành những tác phẩm điêu khắc.

Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh (phía sau tượng bằng đồng) được tạc từ 2 cây gỗ dâu ngàn năm tuổi nguyên khối.

Dưới con mắt nghệ thuật cùng đôi bàn tay khéo léo, Thượng toạ Thích Thắng Phước đã biến những gốc, rễ cây tưởng chừng bỏ đi thành các tác phẩm điêu khắc sinh động, tinh xảo như: tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Hộ pháp, Tiêu diện…

Năm 2007, Thượng toạ Thích Thắng Phước biết một xưởng gỗ tại địa phương sở hữu 2 cây gỗ dâu nguyên khối có kích thước lớn, tuổi đời hàng ngàn năm. Ông đã liên hệ, đưa 2 cây gỗ khổng lồ này về chùa tạc tượng với ý định lưu giữ báu vật của tự nhiên.

Được sự cho phép của chính quyền địa phương, ngay trong năm, ông mời thêm 2 nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng ở Huế về chùa. Sau đó, ông và các nghệ nhân này tiến hành điêu khắc 2 cây gỗ ngàn năm tuổi thành bộ tượng Tây Phương Tam Thánh trong 2 năm.

Bộ tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam là Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ dâu nguyên khối lớn nhất.

Bộ tượng gồm: tượng Phật A Di Đà cao 3,6m trong tư thế đứng uy nghi, tay bên trái cầm đài hoa sen, tay bên phải duỗi thẳng để dẫn lối cho chúng sinh hướng đến thiện tâm.

Tiếp theo là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 3,5m, một tay cầm bình nước cam lộ, một tay cầm cành cây dương liễu. Cuối cùng là tượng Bồ Tát Đại Thế Chí cao 3.5m, tay cầm cành hoa sen.

Sau khi hoàn thành, bộ tượng được an trí tại chánh điện của chùa Linh Thắng. Năm 2012, ba bức tượng trên được xác lập kỷ lục Việt Nam là Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ dâu nguyên khối lớn nhất

Hà Nguyễn- Vietnemnet