Vấn đề “Tâm” trong Kinh Pháp Cú
Có thể nói, tâm là một từ quan trọng bậc nhất trong đời sống của con người, trong nghiên cứu triết học, nghiên cứu tâm lý học… và nhất là trong tu tập, nghiên cứu Phật học.
Tiếp theo vài bài chúng tôi viết về Tâm trong các truyền thống Phật giáo; Tâm trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền; Tâm trong Văn học Phật giáo Việt Nam…
Bản chất của việc tu tập của Phật giáo, dù theo tông phái, hệ phái, pháp môn nào thì vẫn là hiểu và tu tâm. Ví dụ như thiền tông chủ trương ngộ tâm thành Phật, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật.
Nội dung quan trọng nhất của các bộ kinh Đại thừa Phương Quảng chính là bàn về tâm, nói về tâm từ nhiều giác độ, nhiều khía cạnh, nhiều phương diện, nhiều chiều kích, nhiều yếu tố khác nhau.
Trong bài này, người viết chỉ nói về tâm theo góc nhìn của kinh Pháp cú thuộc hệ thống Nguyên thủy. Khác với truyền thống Đại thừa, thiền tông hay chỉ rõ thực thể, bản chất của tâm, các kinh nguyên thủy như kinh Pháp cú thì tập trung nói về dụng, tướng, các trạng thái biển chuyển thay đổi liên tục, tế nhị, khó nhận diện của tâm :
‘Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến’.
(PC 36, theo bản dịch HT. Minh Châu)
Tâm khó thấy, khó biết, khó nhận diện vì không hình tướng, không màu sắc, không lớn nhỏ.
Thông qua biểu hiện của các ham muốn chúng ta biết nó quay cuồn, buông lung như con ngựa hoang, như con trâu rừng.
Ai là người trí tuệ, có học Phật biết nhận diện và biết điều phục cái tâm buông lung, phóng túng thì cuộc sống sẽ bớt khổ, bình yên an lạc.
Nhưng đa phần tâm mọi người:
Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến. (Pc 35)
Khi gặp những việc trái ý, nghịch lòng, lo lắng sợ hãi thì:
Tâm hoảng hốt giao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên. (Pc 33)
Người có trí tuệ, có tu học trước tiên phải làm cho tâm ngay thẳng như người thợ làm mũi tên, bằng cách sống lương thiện, ăn ngay nói thẳng, suy nghĩ điều thiện, không dối trá quàng xiên.
Khi tâm không được tu tập, không được chế ngự, không được điều phục:
Như cá quăng lên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới;
Tâm này vùng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực Ma. (Pc 34)
Không tu tập theo lời Phật dạy, không thực hành chánh pháp, tín tâm sẽ suy hoại, khó thành tựu định lực, trí tuệ.
Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp,
Tịnh tín bị rúng động,
Trí tuệ không viên thành (Pc 38)
Khi tâm không được tu tập, tâm ma, tánh ác, thói xấu hoành hành thì sẽ cuộc sống sẽ bị ma tâm chi phối không chạy đâu trốn được cả.
Chạy xa, sống một mình,
Không thân, ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm,
Thoát khỏi Ma trói buộc (Pc 37)
Ai muốn sống tỉnh thức, không lo lắng sợ hãi bất an vì dục vọng và tâm ôm ấp hận thù thì tâm đoạn tuyệt những suy nghĩ xấu ác bất thiện, thân không làm những việc xấu ác bất thiện, miệng không nói những lời xấu ác bất thiện:
Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không (hận) công phá,
Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi. (Pc 39)
Phòng hộ tâm không để buông lung theo các dục vọng tham lam và dùng gươm trí tuệ để chặt đứt gốc rễ của tâm tham:
Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống Ma với gươm trí ;
Giữ chiến thắng không tham (Pc 40)
Tâm tà ác buông lung theo các dục, quay cuồng theo sự hận thù ích kỷ thì nó gây hại cho chính bản thân mình còn lớn hơn kể thù nữa.
Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân.( Pc 42)
Chư Phật, Bồ Tát, Cao Tầng, Hiền trí chỉ có thể chỉ dạy hướng dẫn chúng ta tu tập điều phục cái tâm buông lung xấu ác chứ không có cha mẹ bà con anh em nào tu tập thể cho chúng ta, điều phục giùm tâm cho chúng ta được.
Khi tâm được tu tập, được điều phục, được nhu nhuyến được ngay thẳng, được thiện lành, được sáng suốt, được thanh tịnh thì chẳng những cuộc sống của chính chúng ta, người thân của ta được an lạc, hạnh phúc tốt đẹp mà chúng ta còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho Phật pháp, cho cuộc đời, cho chúng sanh:
Ðiều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn. (Pc 43)
Đọc bài này nếu muốn hiểu được giá trị ý nghĩa to lớn thiết thực trong lời dạy của đức Phật thì hãy quay lại, quan sát tâm mình, xét lại tính mình, nhìn ra những khổ đau, buồn phiền, ưu sầu, bất an do tâm không được tu tập điều phục mang lại; cũng như những thảnh thơi, an vui hạnh phúc cao thượng khi tâm được nhận diện, điều phục, tu tập.
Giá trị và phẩm chất cuộc sống của con người được nâng cao tỉ lệ thuận với phẩm chất tâm vậy.
TS.Thích Hạnh Tuệ