Nương nhờ trí tuệ Đức Phật, tôi không còn sợ hãi

Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát. Con xin được hồi hướng công đức đọc Kinh A Di Đà của mình đến ông của con, cúi xin chư vị Phật, Bồ Tát phù hộ độ trì cho ông của con được tiêu trừ bệnh tật, sống lâu trăm tuổi.

Cúi xin chư vị Phật, Bồ Tát chứng giám.

Đó chính xác là những lời cầu nguyện trước chư Phật, Bồ Tát mà tôi dành cho ông mình. Từ bé, tôi đã được tiếp xúc với ông rất nhiều, ông tôi là một người hiền từ, nhân hậu, yêu thương, quan tâm con cháu. Giống như bao người cháu khác, tôi cũng rất yêu quý ông, tôi luôn yêu thích việc bóp vai, mát-xa lưng cho ông đỡ mỏi, sau này khi đi học xa nhà, mỗi khi về quê tôi đều dành chút thời gian đến chơi, thăm hỏi ông. Tôi đã quen với sự hiện diện của ông trong suốt hơn 20 năm cuộc đời mình. Có lẽ, chính vì thế mà tôi đã hình thành nên suy nghĩ rằng ông sẽ ở bên mình mãi mãi, bất cứ khi nào tôi nhớ ông hoặc đơn giản muốn gặp lại ông thì chỉ cần đi đến nhà ông là lại có thể được ngồi ôm tay, xoa bóp vai cho ông.

Vậy mà không ai lường trước được điều gì, ông tôi lâm bệnh nặng, sức khỏe còn rất yếu, hầu như không đi lại được, chỉ có thể nằm trên giường. Mọi người trong gia đình tôi đều lo lắng, chạy chữa cho ông, tuy nhiên, ai nấy cũng đều tự dặn lòng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Lúc đó, tôi đột nhiên cảm thấy sợ hãi, nỗi sợ chiếm lấy suy nghĩ và con người tôi, bảo phủ lên tôi là những suy nghĩ, cảm xúc u ám, tiêu cực. Tôi hiểu tình huống xấu nhất mà mọi người đề cập đến là gì. Thế nhưng, tôi lại không dám đối mặt với điều đó, tôi đã lựa chọn kéo dài mọi thứ lâu nhất có thể, bởi vì tôi chưa sẵn sàng cho việc từ nay về sau, gia đình tôi thiếu mất đi một thành viên, bà tôi mất đi một người chồng, bố mẹ tôi mất đi một người cha và tôi không còn có ông bên cạnh nữa.

Là một người tin tưởng vào Phật Pháp, tôi tìm đến Đức Phật Vô Lượng Thọ, Bồ Tát Quán Thế Âm, chăm chỉ đọc kinh, tụng chú, mỗi lần tụng xong tôi đều hồi hướng công đức của mình cho ông, kèm theo lời cầu xin ông sẽ được khỏi bệnh và sống thọ bên con cháu. Những lúc như vậy, tôi đều nghĩ mình đã giúp ông sống lâu hơn một chút, tin rằng việc chăm đọc kinh, tụng chú sẽ giúp ngăn chặn bước tiến của tử thần. Một thời gian sau, ông tôi qua đời, tôi mất ông thật rồi. Cuối cùng, tôi vẫn không thể tránh được điều làm tôi sợ hãi bấy lâu nay. Gia đình thiếu đi bóng ông làm tôi cảm thấy trống vắng, giống như ánh trăng khuyết không còn có thể tỏa sáng tròn đầy.

Khoảng thời gian đó đã đánh dấu một bước chuyển mình trong suy nghĩ của tôi, giúp tôi thấm được hai chữ “vô thường” trong giáo lý Nhà Phật. Duyên lành chỉ đường dẫn lối cho tôi biết đến câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với bà Kisa, một người mẹ cũng chịu cảnh mất đi đứa con trai đầu lòng của mình. Đức Phật đã bảo với bà ấy rằng: “Này thiếu nữ, con hãy đến nhà nào chưa từng có người chết xin về đây cho ta vài hạt cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con”. Yêu cầu chỉ cần có vài hạt cải của Đức Phật có vẻ dễ dàng, thế nhưng khi bà Kisa đến hỏi từng ngôi nhà một trong thành Xá Vệ thì không có nhà nào là chưa từng có người chết. Trong lúc rơi vào tuyệt vọng, bà Kisa đã ngộ ra rằng ai rồi cũng phải chết, có hợp thì phải có tan, có đoàn tụ thì phải có lìa xa, đó là sự thật, là quy luật của tự nhiên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lời khai thị của Đức Phật Thích Ca với bà Kisa, dường như cũng là lời khai thị của Đức Phật dành cho chúng sinh muôn loài đề có thể nhận ra chân lý vô thường của cuộc sống này: “Trên đời này, có sinh là có tử, yêu thương xa lìa khổ, không có cái gì là cố định cả, tuỳ theo nhân duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi thay sớm hay muộn mà thôi”… Nhờ câu chuyện đó, tôi nhận ra sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật, vĩnh viễn không thể thay đổi được, ai sinh ra rồi cũng sẽ chết, bản thân tôi cũng sẽ đến thời điểm phải tan rã, chỉ là sớm hay muộn. Cho dù tôi có van nài, cầu xin cũng không thể thay đổi được chân lý vô thường này. Nỗi khổ khi phải chịu cảnh lìa xa là một trong những cái khổ trong giáo lý của Nhà Phật, nay nương nhờ lời dạy của Ngài mà tôi có được trí tuệ, tiêu trừ vô minh, vọng tưởng, không còn mang trong mình sự sợ hãi nữa.

Hóa ra bấy lâu nay, tôi sợ hãi khi phải đối diện với sự thật rằng một ngày nào đó ông sẽ mất, không phải là vì tôi sợ hãi cái chết. Mà là vì tôi sợ hãi sự thay đổi, sợ rằng mọi thứ sẽ không còn được như xưa nữa, sợ mất đi cảm giác có ông bên cạnh, mà vô tình để bản thân rơi vào vô minh, gần Phật mà không thấy được Phật, đọc kinh Phật nhưng lại không hiểu lời Phật, tụng chú Phật nhưng lại không hiểu ý nghĩa của thần chú. Mặt trăng tròn rồi sẽ khuyết dần cho đến khi biến mất, sau đó lại bắt đầu một chu kỳ tiếp theo, mặc dù chúng ta thấy trăng bị khuyết nhưng không có nghĩa rằng mặt trăng không còn tồn tại, sự thật là mặt trăng vẫn sẽ ở đó, trong chu kỳ riêng của mình. Hiểu ra được chân lý đó, tôi không còn nghĩ rằng mình đã mất ông mãi mãi, thứ mất đi chỉ là phần thân thể của ông mà thôi, còn thực chất chỉ cần trong lòng tôi còn nhớ đến ông, mỗi lần đọc kinh đều cầu phúc cho tất cả chúng sinh muôn loài thì ông tôi sẽ luôn sống mãi trong chính trái tim của tôi, của bà, của con cháu ông.

Đạo Phật trong trái tim tôi là vậy đó, không ràng buộc hay bắt ép phải làm theo một khuôn mẫu có sẵn, tất cả đều nhờ nhân duyên hội tụ đủ mà từ đó khai sáng, giáo dục, giảng giải, giúp cho người theo học tự ngộ ra chân lý. Đó có lẽ là một cái hay của Đạo Phật, là lý do vì sao mà mỗi con người chúng ta khi đã tin tưởng và thực hành theo giáo lý Phật Pháp lại có thể áp dụng để giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống đến như vậy dù là vấn đề nhỏ nhất, cho đến những vấn đề mang tính vĩ mô, quyết định bước ngoặt của một con người. Đạo Phật đối với tôi mang đậm tính “đời”, từ chính cái “đời” lại giống như bông hoa sen vươn mình tỏa ngát hương thơm thuần khiết, thanh tịnh, thoát tục, hướng cho con người ta đến sự giải thoát trọn vẹn, đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Quang Huy; địa chỉ: phường Dư Hàng Kênh, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.

Nguyễn Quang Huy