Quay lại cái đầu (Phần 1)
Người thiện học khéo tu đã hành tri pháp môn khai thị nghĩa là mở rộng tầm nhìn cho thấu suốt Vạn Pháp Chân Như theo tiến trình lần lượt mở mắt đủ cả năm loại, từ Nhục nhãn cho đến Phật nhãn.
Anh trước tôi sau,
Quay lại cái đầu
Anh sau tôi trước
Ta đều bằng nhau.
Anh phải tôi trái,
Quay lại cái đầu,
Anh trái tôi phải
Ta chẳng hơn nhau.
Thương kẻ cứng đầu
Chẳng ngó trước sau,
Chỉ nhìn một phía
Sự thật rõ đâu !
Dẫn giải:
Các học giả không thể tiếp nhận một cách chính xác và đầy đủ giáo lý vi diệu cao thâm của đạo Phật bằng từ ngữ trừu tượng và suy luận tinh tế. Pháp tánh Chân Như có khi trực tiếp thực chứng đại ngộ ở một sự kiện, một hành vi giản dị thông thường bất cứ ai cũng thực hiện được.
Quay lại cái đầu là một bằng chứng cụ thể trình bày trường hợp Đốn Giác Đốn Ngộ của hành giả nhất tâm phát nguyện theo Chánh pháp.
Trước hết là cần phải có hai người anh là đối thể và tôi là chủ thể thì sự kiện nhận thức nhìn nhau để đối chiếu mới thành tựu, ai trước ai sau, ai phải ai trái. Tôi là năng nhìn, Anh là sở nhìn theo phân tích của Phật học.
Thứ đến là cả hai người Anh và Tôi đều ở trong một không gian, đứng trên cùng một mặt phẳng, Phật học gọi là cùng một cảnh giới. Nếu không cùng một cảnh giới thì không có đối thể và chủ thể, không có Năng, không có Sở. Đây là lý Duyên Sinh giống như sợi giây nối hai người cho có liên hệ với nhau, mối liên hệ hỗ tương hai chiều từ Anh đến Tôi và từ Tôi đến Anh.
Những nhãn quan khác nhau
Cùng một đối tượng, một vật thể hay một sự kiện, cùng một người quan sát có nhiều nhãn quan khác nhau tùy theo vị trí đứng nhìn, cương vị ứng xử và tùy theo cách nhìn, phương tiện dùng để nhìn. Ví dụ dẫn chứng:
Cùng là một ngôi nhà, có nhiều nhãn quan khác nhau tùy ở vị trí đứng của người quan sát: Đứng ở ngoài đường phía trước, phía sau, hai bên hông, trên máy bay nhìn xuống, ở trong ngôi nhà mỗi phòng hay ở hành lang…
Cùng là một phụ nữ, có nhiều nhãn quan khác nhau tùy ở cương vị của người ứng xử: Đứa con nhỏ của bà này nhìn đó là người mẹ, người chồng nhìn đó là vợ mình, người cha của bà này nhìn đó là con gái mình…
Cùng là một vật thể, có nhiều nhãn quan khác nhau tùy ở phương tiện dùng để nhìn: Một đốm trắng nhìn thấy nhỏ bằng mắt thường, thấy to bằng kính hiển vi, có màu khác không phải trắng nếu đeo kính màu…
Câu hỏi đặt ra: Có rất nhiều nhãn quan như vậy, cách nhìn nào đem đến nhận thức Chân lý, đem đến Sự thật đáng tin cậy hơn cả ? Trả lời: Cách nhìn nào cũng đúng và cũng sai, nghĩa là đều phản ánh Sự Thật nhưng là Sự Thật tương đối, Sự Thật giả tạm, Sự Thật một phần, Phật học gọi là Giả Đế, không phải là Sự Thật tuyệt đối, Sự Thật trọn vẹn tròn đầy, Phật học gọi là Chân Đế, Thánh Đế hay Diệu Đế. Quán sâu hơn, người khéo tu thấy có năm cách nhìn bằng năm con mắt khác nhau gọi là Ngũ Nhãn:
Nhục nhãn là mắt ở thân thể con người, nôm na gọi là Mắt thịt trong từ ngữ Người trần mắt thịt. Theo nghĩa đen cụ thể, đó là cơ quan thị giác. Theo nghĩa bóng trừu tượng, đó là sự nhận thức thiển cận của phàm phu dung tục chỉ căn cứ vào hình tướng bên ngoài. Theo Phật học, đó là sự nhận thức bên ngoài của đối tượng chỉ tiếp nhận được pháp tướng tức hiện tượng của đối tượng, không đủ khả năng tiếp nhận được pháp tánh tức bản thể của đối tượng. Khả năng nhìn thiếu sót này gọi là Thức Tâm.
Thiên nhãn là mắt của bậc tu Thiền định đã đạt tới trình độ Chư Thiên, có tầm nhìn xa trông rộng hơn Nhục nhãn, có khả năng thìn thấu suốt Sắc giới bất luận xa gần, trong ngoài, sáng tối. Đây là khả năng có tầm nhìn không còn bị chướng ngại bởi Không gian, ánh sáng…
Tuệ nhãn là mắt của bậc tu đã đạt tới đạo vị Thanh Văn và Duyên Giác có tầm nhìn xa trông rộng hơn Thiên nhãn chiếu tỏ Chân Không Vô Tướng nghĩa là pháp tánh tức bản thể của sự vật.
Pháp nhãn là mắt của bậc Bồ tát đã giác ngộ nhận ra tất cả các pháp môn để độ chúng sanh, từ pháp tướng đến pháp tánh và phương tiện hóa độ chúng sanh. Pháp nhãn có tầm nhìn toàn diện và sâu xa hơn Tuệ nhãn. Khả năng nhận thức cao thăm vi diệu này gọi là Giác Tâm.
Phật nhãn là mắt của chư Phật có khả năng riêng biệt, dung thông và siêu việt hơn cả bốn loại mất vừa kể trên.
Người thiện học khéo tu đã hành tri pháp môn khai thị nghĩa là mở rộng tầm nhìn cho thấu suốt Vạn Pháp Chân Như theo tiến trình lần lượt mở mắt đủ cả năm loại, từ Nhục nhãn cho đến Phật nhãn. Người chưa Khai Thị nghĩa là nhắm mắt, chưa mở cả Nhục nhãn thời tâm mê mờ Vô Minh không nhận thức ra điều gì hết. Thế gian thường tình nói là Có mắt như mù, có tai như điếc nghĩa là Tuy có nhìn mà không thấy, có nghe mà không thủng. Thành ngữ này dịch từ câu chữ Hán Thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn.
(còn tiếp).
Bảo Thông