Nghiên cứu về cái “Khổ”

Đạo Phật là vui, là cực lạc, làm sao lại nói đến cái khổ? Vì khổ đối với vui đứng về mặt trái, có khổ tức là không vui, muốn vui thì phải dứt cho hết khổ, cho nên cần phải biết cái khổ.

Chúng ta vì vô minh che lấp tâm tánh, trong chân như nhận riêng ra có mình, có cảnh, rồi tùy theo nhân duyên hoá ra có khổ.

Hóa ra có khổ, nhưng cái khổ đó đã vì nhơn duyên, vì đối đãi (relativité) mà có, thì cái khổ đó không có tính nhất định; không có tính nhất định thì dầu có cũng như không, không còn đáng gọi là khổ được nữa.

Khổ tuy không thiệt có, nhưng hiện trong lúc đương mê, sinh vẫn khóc, đau vẫn khóc, già vẫn khổ, chết vẫn khổ.

Mà khổ thiệt, khi mới sinh ra, oe oe ba tiếng là đã khổ, khổ vì ở trong bụng mẹ không thở cũng sống, ra ngoài phải thở mới sống; trong bụng mẹ đương ấm áp, ra ngoài phải lạnh lẽo; cho nên mới sanh ra đã khổ. Về sau đói cơm khát sữa cũng khổ, lửa nóng nước lạnh cũng khổ, nhỏ khổ theo phần nhỏ, lớn khổ theo phần lớn; một đời lo bảo dưỡng cho toàn cái sinh mạng mà khổ.

Bảo dưỡng cho toàn sinh mạng, mà sinh mạng có phải dễ bảo toàn đâu, đói khát đau đã đành, mà ăn nhiều không tiêu cũng đau, uống nhiều ích bụng cũng đau; nguồn cao nước độc đau đã đành mà màn che sáo phủ cũng đau, lớn bé trẻ già đã mấy người một đời mà khỏi bị cái đau nó quấy rối. Người đương mạnh bạo, bị một trận đau hóa ra hèn yếu; nhà đang thịnh vượng, bị một trận đau hóa ra nghèo khổ; đui, điếc, tàn, tật, cảnh giới người ta biến ra cảnh giới địa ngục, cũng là vì một cái đau mà thôi.

Khổ đau sẽ nuôi mình lớn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kịp đến khi tuổi đã lớn rồi thời lại càng dễ đau hơn nữa. Đầu bạc răng rụng, đau lưng mỏi gối, đi đã không vững mà tủy lại loãng, xương lại giòn, có vấp có bổ đã gãy xương trật chân. Trời trở trở theo trời, đau bụng bão, nhức đầu, còn chi mà khổ hơn nữa.

Khổ mà có sống đời được đâu! Trong giới hạn một trăm năm là phải chết. Người đời ai không tham sống, ai không sợ chết, thấy cái chết đến nơi, không còn sức cự lại, khổ sở biết là ngần nào!

Mà khổ như vậy có phải là một đời đâu. Từ vô thỉ đến nay đến nay đã biết bao nhiêu đời, mà đời nào cũng sống, cũng già, cũng đau cũng chết, tức là cũng khổ.

Chẳng những sống già đau chết là khổ, lại vì mỗi đời cứ dính chặt theo cái thân vô thường này mà còn sinh ra biết bao nhiêu là chuyện khổ. Cái chi thân này ưa thời ưa, cái chi thân này ghét thời ghét, sanh ra nào thất tình, nào lục dục, đến đổi dây sầu thắt ruột, lửa phiền cháy gan, mà vẫn theo cái khổ hoài hoài, không chịu dứt cho hết khổ. Không danh lợi thì cầu cho được danh lợi, không thanh sắc thì cầu cho được thanh sắc; được danh lợi, thanh sắc một phần thì cầu cho được xấp hai, hai thì cầu cho được xấp bốn; cả đời rong ruổi theo danh lợi thanh sắc. Chạy ngược chạy xuôi, thiên phương bách kế, không biết là khổ lại tưởng là vui; lầm khổ làm vui, cho nên kiếp kiếp đời đời vẫn ở trong phạm vi cái khổ.

Cầu danh lợi thanh sắc mà khổ đã đành, mà cầu cho an nhàn cũng khổ. Cầu không được khổ đã đành, mà cầu được rồi cũng khổ.

Cái chi mình ưa mình muốn, hao tổn tinh thần biết bao nhiêu mới được, mà được rồi chưa thấy chi vui đã thấy khổ.

Vì sao? Vì được rồi mất đi cũng khổ, được rồi giữ cho đừng mất cũng khổ, được luôn không mất sinh nhàm cũng khổ. Thương muốn gần mà không được, cho nên khóc hết nước mắt vì ly biệt, đứt từng đoạn ruột vì tương tư, đến nỗi hóa điên hóa cuồng, hóa ngây hóa dại. Ghét muốn tránh lại đeo đuổi mãi không tha, làm cho lắm kẻ phải than câu họa vô đơn chí. Lại còn cừu nhơn gặp gỡ, oan gia đối đầu, đời này đời khác, cứ cùng nhau vay trả trả vay trong biển khổ.

Khổ như vậy, ai đã biết, lại không muốn hết khổ; mà muốn hết khổ, thời trước hết phải xét cho rõ nguồn gốc cái khổ.

Vì sao mà có khổ? Vì có mình, mình mới chịu khổ; nếu không có mình thì còn ai đâu mà chịu khổ nữa. Vậy mới biết nguồn gốc cái khổ là tánh nghĩ có mình, là cái ngã kiến.

Vậy thì muốn cho hết khổ, tất nhiên phải tu tập trừ cho hết ngã kiến, tức là trừ cho hết cái tánh nghĩ có mình mới được. Song cái tánh nghĩ có mình đó đã lâu đời lâu kiếp, dứt bỏ đi chẳng phải là dễ. Lắm khi ngồi tham thiền, ngồi niệm Phật, nghĩ đã dứt sạch rồi mà đến lúc đau bụng nhức đầu, thời mới biết tánh ngã kiến của mình kia vẫn còn nguyên hiện. Biết là quấy, biết là mê, mà dứt không được, bỏ không đành, cho nên không ra khỏi phạm vi cái khổ. Vì vậy, Phật gọi thế gian là khổ hải.

Chúng ta vẫn sẵn tánh ưa vui ghét khổ, đã biết sống là khổ, đã biết gốc khổ là tánh nghĩ có mình, thì phải gắng công tu tập đặng ra khỏi biển khổ.

Tự mình ra khỏi biển khổ là bậc A-la-hán, dắt người ra khỏi biển khổ là hạnh Bồ Tát, hoàn toàn hết khổ lại đủ sức dắt dìu chúng sanh đến chỗ hoàn toàn hết khổ là Phật. Biết cái khổ lợi ích như vậy, cho nên người tu hành đạo Phật cần phải nghiên cứu cái khổ, đặng đem người và mình ra khỏi phạm vi cái khổ.

Trích từ tạp chí Viên Âm, số 8, năm thứ nhất (1934).

Viên Âm