Tóm lược về cuộc đời Tôn giả Ma Ha Ca Diếp

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp được biết đến là vị Thánh tăng đệ nhất đầu đà trong 10 đại đệ tử của Đức Phật. Khi còn ở thế tục, Ngài có tên là Tất Bát La Da Na.

Từ khi chào đời đến khi trưởng thành, Ngài lộ rõ khí chất phi thường, tấm lòng rộng độ và đặc biệt là không ham thích ngũ dục, chỉ muốn tu phạm hạnh, thường hướng tới chí nguyện xuất gia tu hành.

Để cùng tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời cao quý của Ngài, mời quý vị cùng theo dõi và đón đọc bài viết dưới đây.

cuoc-doi-ton-gia-ma-ha-ca-diep-tu-luc-dan-sinh-den-khi-thanh-bac-dai-dau-da-de-nhat-160413

1. Sự hạ sinh của Tất Bát La Da Na

Tất Bát La Da Na sinh ra và lớn lên trong dòng dõi Bà La Môn cao quý tại thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà. Khi mẹ Ngài đang du ngoạn tại vườn thượng uyển, ngồi dưới gốc cây Tất Bát La thì bà liền hạ sinh Ngài. Lúc mới sinh, Ngài có hình dung đoan chính, khôi ngô, đẹp như tượng vàng, trên thế gian chưa có đứa trẻ nào có hình tướng giống Ngài.

Một điều kỳ lạ đó là khi bà vừa hạ sinh thì dưới gốc cây Tất Bát La xuất hiện một tấm y tuyệt đẹp để bọc lấy thân Ngài. Mẹ Ngài tin rằng người có phúc, có đức sẽ được chư Thiên cúng dường và đây chính là phước của Tất Bát La Da Na. Do điềm lành này cùng nhân duyên hạ sinh dưới gốc cây Tất Bát La nên cha mẹ đặt tên cho Ngài là Tất Bát La Da Na (Thọ Hạ Sinh).

2. Trí tuệ hơn người

Tất Bát La Da Na là một thanh niên tuấn tú, thông minh. Ngài thông thạo các môn thơ phú, toán số, hội họa, khắc ấn cho đến các biện luận thế gian, đoán trước thời vận trong mỗi ngày đêm có bao nhiêu điềm tốt xấu…

Bên cạnh đó, Ngài biết tất cả các loại tiếng: Tiếng đất chuyển động, tiếng sét, tiếng kêu của loài cầm thú,…; biết coi các tướng: Tướng nghề nghiệp, tướng nam nữ, tướng tốt xấu…; biết hết các tướng trạng, các sự chuyển động, biết cách giải trừ tai ương, pháp cúng tế thần lửa và chư thiên đại nhân,…

Tất cả mọi sự trong thế gian không gì là không rõ, không nơi nào là không biết, Ngài có trí tuệ, tài lý luận đanh thép, nhạy bén, khôn ngoan. Và trên đời này, khó có thể tìm được người như vậy!

3. Tình duyên phạm hạnh của Tất Bát La Da Na

Năm tháng trôi qua, Ngài đến tuổi lấy vợ, cha mẹ hết lời khuyên bảo để Ngài chấp thuận chuyện cưới xin. Nhưng với tâm ý chỉ muốn tu phạm hạnh, không ham thích cuộc sống vợ chồng nơi thế tục, hưởng thụ dục lạc nên Ngài nhiều lần từ chối. Vì cha mẹ không đồng ý nên Ngài buộc phải cho thợ khắc tượng một người phụ nữ hình sắc như tượng vàng Diêm Phù Đàn để làm khó cha mẹ.

Không ngờ rằng, được sự giúp đỡ của một Bà La Môn mà cha mẹ Ngài lại tìm được một cô gái với đúng hình tượng Ngài đề ra. Tên cô ấy là Bạt Đà La. Biết chuyện, Ngài liền thưa:

– Thưa cha mẹ, tâm con thật không thích ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh, mà nay đấng song thân đã ép con lập gia đình. Do vậy, ngày nay con phải theo thứ lớp đi khất thực đến xứ ấy để xem người con gái kia có đúng sự thật như lời sứ giả nói hay không.

Và Ngài từ giã quê nhà và đi khất thực đến thành Ca La Tỳ Ca. Tình cờ nàng Bạt Đà La từ trong nhà mang thức ăn tự tay dâng cúng tới Ngài.

Sau khi hỏi chuyện thì biết rằng Bạt Đà La cũng có chí nguyện tu phạm hạnh, không thích ngũ dục. Nhưng vì để làm yên lòng cha mẹ và giữ gìn chí nguyện thanh cao mà hai người chấp nhận kết hôn.

Tuy nên duyên vợ chồng, cùng chung sống trong căn phòng nhưng cả hai đều thúc liễm thân tâm, không xúc nhiễm với nhau. Đêm đến, nếu Ngài nằm ngủ thì nàng Bạt Đà La đứng dậy đi kinh hành và ngược lại nếu nàng Bạt Đà La nằm ngủ thì Ngài lại đứng dậy đi kinh hành. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, hai người hoàn toàn không nằm ngủ chung với nhau.

4. Xuất gia tu hành và trở thành vị đầu đà đệ nhất
Tôn giả Đại Ca Diếp - Vị đại đệ tử đầu đà đệ nhất (ảnh minh họa nguồn internet)

Tôn giả Đại Ca Diếp – Vị đại đệ tử đầu đà đệ nhất (ảnh minh họa nguồn internet)

Sau khi cha mẹ qua đời, chứng kiến cảnh khổ não chúng sinh: chúng sinh đi đứng qua lại chịu các khổ não không ngừng, những con bò cày chẳng từng tạm nghỉ,… Ngài và nàng Bạt Đà La quyết định xả tục xuất gia tu hành phạm hạnh. Ngài cũng hứa rằng sau khi tìm được bậc minh sư thì sẽ báo tin cho nàng Bạt Đà La biết.

Vào một buổi sáng, mặt trời vừa ló dạng, Đức Thế Tôn chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chính lúc ấy, mặt trời vừa xuất hiện, Tất Bát La Da Na tìm lối xuất gia với tên gọi là Đại Ca Diếp.

Một hôm, Tôn giả Đại Ca Diếp đang ôm bình bát đi khất thực, với tướng mạo phi phàm, Ngài bị 2 người con gái tiến lại đưa đẩy, cố ý mê hoặc làm chặn đường của Ngài. Mọi người chỉnh trang phục thêm quyến rũ, bàn tán xì xào cách tán tỉnh Ngài.

Nhưng Ngài không màng tới bởi Ngài đang quyết đi tìm đạo sư, một lòng tu phạm hạnh, không còn mong cầu ngũ dục thế gian. Và khi nhìn thấy hình ảnh Đức Phật đang ngồi thiền, Ngài ngạc nhiên, mừng rỡ:

– Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Giáo Sư. Ta, ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Vô Thượng. Ta ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Nhất Thiết Trí. Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Thế Tôn Nhất Thiết Trí. Ta thấy được Thế Tôn. Ta thấy được Đấng Vô Ngại Tri Kiến. Ta thấy được Phật.

Sau đó, Ngài quỳ gối trước Đức Phật và thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, con là đệ tử Thanh văn của Ngài. Cúi xin Thế Tôn làm thầy con, con là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn.

Sau khi trở thành đệ tử Phật, Ngài ngày đêm tinh tấn thực hành hạnh đầu đà và không lâu sau chứng đắc quả A La Hán, với danh đệ nhất đầu đà.

Thời điểm đó, Đức Phật đã cho phép người nữ xuất gia. Khi ấy, nhớ lại lời hứa thuở xưa với Bạt Đà La, Ngài đã nhập định, dùng thiên nhãn thì thấy rằng Bạt Đà La đang xuất gia tu học với ngoại đạo. Vì thế nên Ngài liền tìm phương tiện giáo hóa để nàng quay về quy y Đức Phật. Nhờ tinh tấn thực hành Pháp mà chẳng bao lâu, Bạt Đà La đắc quả A La Hán, trở thành tỳ kheo Ni có Túc mạng thông bậc nhất bên ni chúng.

Với lòng quy kính Đức Thế Tôn và mong nguyện hoằng truyền giáo Pháp, sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Đại Ca Diếp đã mở đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.Nhờ đó, lời dạy của Đức Phật được kết tập thành hệ thống và được chính thức lưu truyền dưới các hình thức truyền tụng, ghi chép thành kinh văn trên lá, giấy… cho đến ngày nay.

Mong rằng qua những lời kể trên mà quý vị hiểu hơn về cuộc đời của đệ nhất đầu đà – Tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Từ đó cảm niệm, tán dương ân đức của Đức Phật, ân đức tu hành và lưu truyền pháp hạnh đầu đà của Ngài Ca Diếp tới thế hệ sau.