Chuyển hóa bệnh tật thành hạnh phúc
Thiền định chính trong quá trình chuyển hóa tâm là làm sao thấy được mọi sự việc đều có tính tích cực chứ không phải tiêu cực, và chúng ta có được sự tự do rất lớn lao để làm điều này bởi vì mọi sự việc đều xuất phát từ tâm ta.
Chúng ta cảm nhận hạnh phúc hay gánh chịu khổ đau, được khỏe mạnh hay bị đau ốm, tất cả đều được quyết định bởi tâm, bởi cách suy nghĩ của chúng ta.
Bằng việc chuyển hóa các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, chúng ta sử dụng chính các vấn đề bất ổn để làm lợi lạc cho bản thân và cho tất cả chúng sinh hữu tình. Nói cách khác chúng ta sử dụng các vấn đề bất ổn để phát triển tâm mình và mang hạnh phúc niềm vui đến cho mọi người. Một khi chúng ta chuyển hóa được các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, đặc biệt là chuyển hóa thành con đường tu giác ngộ, thì sự chịu đựng bệnh tật tự nó có thể trở thành liều thuốc chữa bệnh. Và đây mới là thuốc chữa bệnh thực sự, vì nó không chỉ chấm dứt sự đau khổ mà còn loại bỏ các nguyên nhân của căn bệnh cũng như tất cả các đau khổ khác nữa – tức là các nghiệp bất thiện, các tâm mê lầm và các chủng tử bất thiện trong tâm ta. Yếu tố tâm lý của việc chuyển hóa suy nghĩ là hết sức quan trọng trong việc chữa lành bệnh, vì nó cho phép chúng ta có khả năng không chỉ chấm dứt tất cả khổ đau mà còn giúp chúng ta thành tựu giác ngộ.
Bằng việc luôn nhớ đến mục đích của cuộc đời ta, đó là nhận lấy trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ, chúng ta sẽ trải qua mỗi vấn đề bất ổn xảy đến – dù đó là bệnh ung thư, AIDS hay thậm chí là cái chết – vì lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình. Khi gặp phải một vấn đề bất ổn, chẳng hạn như một căn bệnh nào đó, chúng ta nên chịu đựng căn bệnh đó với ý niệm thay thế cho các chúng sinh khác đang cùng bị căn bệnh ấy, và thay thế cho cả những ai đang gặp phải nhiều vấn đề bất ổn tồi tệ hơn thế nữa. Chúng ta nên hồi hướng sự chịu đựng vấn đề bất ổn của mình đến việc giải thoát cho vô số chúng sinh khỏi mọi vấn đề bất ổn cũng như nhân của các vấn đề đó, và đưa họ đến hạnh phúc tối thượng.
Chịu đựng các vấn đề bất ổn của mình với ý niệm thay thế cho các chúng sinh khác không chỉ giúp tịnh hóa được nhân của các vấn đề mà còn đưa ta đến sự mãn nguyện. Chuyển hóa các vấn đề bất ổn của chúng ta vào con đường tu giác ngộ sẽ tịnh hóa được vô số các chướng ngại và tích lũy công đức lớn lao. Bằng cách này, chúng ta sẽ thấy mãn nguyện cho dù đang phải chịu đựng bất kỳ vấn đề bất ổn nào. Ngay cả nếu như ta đang trải qua sự tuyệt vọng thì với thái độ nói trên ta vẫn có thể vui thích tâm trạng này. Thật ra thì sự tuyệt vọng sẽ tan biến một khi chúng ta tu tập chuyển hóa tâm.
Chúng ta có thể chuyển hóa mọi vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, hạnh phúc trong đời này và vượt khỏi đời này. Chúng ta có thể chuyển hóa mọi thất bại của mình, cho đù đó là trong kinh doanh, trong việc học hỏi hay tu tập tâm linh. Chúng ta có thể chuyển hóa cả sự chê bai, tiếng xấu, – thậm chí cả cái chết, điều mà từ khi sinh ra đời ta đã luôn cố gắng tránh né. Thay vì từ chối cái chết, nhiều hành giả Mật tông đã vui vẻ chấp nhận và sử dụng nó như một phương tiện thiện xảo để phát sinh các thực chứng của con đường tu giác ngộ và tái sinh trong cõi tịnh độ của bậc giác ngộ viên mãn. Nhiều thiền giả cầu nguyện suốt đời để được sinh vào cõi tịnh độ như thế và sử dụng cái chết như một phương tiện để đạt được mục đích, vì đó là một cách thức nhanh chóng để thành tựu giác ngộ. Một cõi tịnh độ, nơi không có khổ đau, cũng giống như một xã hội hoàn toàn lý tưởng (utopia). Trong nhiều năm, tôi đã nhầm lẫn giữa hai từ “utopia” và “Ethiopia”. Tôi tưởng rằng Utopia là xứ sở của hạn hán, chiến tranh và nhiều vấn đề bất ổn khác. Tôi đã nhìn một cõi tịnh độ như địa ngục và nhìn địa ngục như là tịnh độ!
Chúng ta có thể chuyển hóa bất kỳ vấn đề nào, thậm chí cả cái chết, thành ra hạnh phúc. Điểm chính không nằm ở chỗ ngăn chặn sự chịu đựng các vấn đề bất ổn, mà là ngăn không cho các điều kiện mà chúng ta gọi là “các vấn đề bất ổn” đó làm rối loạn tâm chúng ta, và thay vào đó, ta sử dụng chúng để hỗ trợ con đường tâm linh mà ta đang tu tập. Mục đích chính của chúng ta là không để các vấn đề bất ổn trở thành chướng ngại của quá trình phát triển tâm trên con đường đưa tới giác ngộ viên mãn.
Lama Zopa Rinpoche