Tâm là nhân tố chính trong việc chữa lành

Giống như người thầy thuốc, chúng ta phải chẩn đoán ra bệnh, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc để chữa lành bệnh.

Ngài Vô Trước (Asanga), người đặt nền tảng cho học phái Duy Thức của đạo Phật viết:

Cần phải chẩn đoán bệnh, để loại bỏ nguyên nhân của nó,

Và dùng thuốc để đạt được khỏe mạnh

Đau khổ phải được nhận biết, nguyên nhân phải được loại bỏ,

Phương thuốc để chấm dứt bệnh phải được áp dụng, và sự chấm dứt đạt được (diệt đế).

Học cách buông bỏ những lo nghĩ, căng thẳng không cần thiết, chúng ta đã để cho hạnh phúc có cơ hội tỏa sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ta. Ảnh: Pixabay.

Học cách buông bỏ những lo nghĩ, căng thẳng không cần thiết, chúng ta đã để cho hạnh phúc có cơ hội tỏa sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ta. Ảnh: Pixabay.

Trong đạo Phật, việc chẩn bệnh và phương thuốc được chứa trong Bốn Chân Lý: Chân lý rằng chúng ta đang khổ đau, chân lý về tại sao chúng ta khổ đau, chân lý rằng ta có thể chấm dứt sự khổ đau của chúng ta, và chân lý về con đường dẫn đến giải thoát. Chúng ta có thể chọn đi theo con đường này. Ngay khi đối phó với những khó khăn hàng ngày, chúng ta có thể cải thiện đời sống mình. Tâm là chìa khóa. Bằng sự hướng dẫn và tu tâm thích hợp, chúng ta có thể kinh nghiệm được sức mạnh chữa lành. Kinh Pháp Cú (Dharmapada) nói:

Tâm dẫn dắt mọi hiện tượng.

Tâm là nhân tố chính, đi trước mọi hành vi.

Nếu nói hay làm với một tâm độc ác,

Khốn khổ sẽ theo sau, giống như xe theo sau do ngựa kéo.

Mọi hiện tượng do tâm dẫn dắt.

Tâm là nhân tố chính, đi trước mọi hành vi.

Nếu nói hay làm với một tâm thanh tịnh,

Hạnh phúc theo sau, như bóng theo hình.

Hạnh phúc thật sự và trường cửu không đến từ môi trường vật chất hay bên ngoài, mà qua sự bằng lòng và sức mạnh của tâm. Ngài Dodrupchen viết:

Người có học nhận ra rằng mọi hạnh phúc và đau khổ đều tùy thuộc vào tâm, do vậy, phải tìm hạnh phúc từ chính tâm. Bởi vì họ hiểu rằng mọi nguyên nhân của hạnh phúc hoàn toàn ở trong chúng ta, nên họ không dựa vào những nguồn bên ngoài. Nếu chúng ta thấu biết điều này, thì dù chúng ta có đối mặt với những vấn đề khó khăn gây ra bởi người hoặc vật, chúng cũng không thể làm thương tổn chúng ta. Hơn thế nữa, chính sức mạnh của tâm này cũng sẽ ở với chúng ta để cung cấp cho chúng ta an vui và hạnh phúc vào lúc chết.

Thật tánh của tâm chúng ta là an bình. Học cách buông bỏ những lo nghĩ, căng thẳng không cần thiết, chúng ta đã để cho hạnh phúc có cơ hội tỏa sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ta. Đạo Phật tin rằng tâm thức có thể chuyển hóa cảm xúc, và hạnh phúc không chỉ có thể mà là thuộc quyền của chúng ta. Chúng ta không cần phải để sự lo nghĩ làm chủ. Buông bỏ là một đường lối thông thường, nó không phải là một thái độ lạ thường nằm riêng trong một tôn giáo hay triết học nào, như trong Kinh Thánh (Eccles 30:5) nói:

Không nên buông thả mình cho buồn rầu,

và tự hành hạ mình vì lo nghĩ.

Sự vui vẻ của lòng là đời sống của mọi người,

niềm vui là cái làm cho cuộc sống kéo dài.

Cẩn thận với sơ suất, an ủi lòng mình,

xua tan phiền muộn ;

Vì phiền muộn là sự hủy hoại của nhiều người

và không ích lợi gì cho ai.

Ghen tỵ và thù hận làm ngắn đi cuộc sống,

lo nghĩ chỉ đem lại già sớm.

Một trái tim vui vẻ chan hòa giúp ăn nhiều,

cho những ai muốn thưởng thức bữa ăn ngon.

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.