Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật

Đoàn thanh tra của Bộ VH-TT&DL do ông Phó Chánh thanh tra Hà Văn Lâu làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế hiện trạng các hạng mục và hiện vật tại di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia chùa Phước Hải, Q.1, TP.HCM - Ảnh: BGN

Đoàn thanh tra của Bộ VH-TT&DL do ông Phó Chánh thanh tra Hà Văn Lâu làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế hiện trạng các hạng mục và hiện vật tại di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia chùa Phước Hải, Q.1, TP.HCM – Ảnh: BGN

 

Đó là một trong những nhận định trong kết quả buổi làm việc, sáng nay 13-4, của đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tại chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, Q.1, TP.HCM) – tự viện được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia từ năm 1994.

 

Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật ảnh 1

Thượng tọa Thích Huệ Công, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Đại diện Phật giáo người Hoa TP.HCM; Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Q.1; đại diện UBND Q.1; Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Phước Hải làm việc cùng đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL

Theo đó, sau khi tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế hiện trạng các hạng mục và hiện vật theo danh mục hồ sơ xếp hạng di tích tại chùa Phước Hải, đoàn thanh tra đã khẳng định di tích vẫn giữ nguyên trạng yếu tố gốc cấu thành di tích; hiện vật tại di tích đầy đủ theo hồ sơ, không bị thất lạc, hư hỏng; công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích và không gian di tích được thực hiện theo quy định, không có việc các khu vực bảo vệ bị xâm hại.

Đoàn cũng đã phát hiện một vài hiện vật không rõ nguồn gốc được đưa vào di tích không có trong danh mục; các bình hoa có kích thước lớn ghi tên người cung tiến đặt trên bàn thờ là chưa hợp lý.

Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật ảnh 2

Tượng Quan Âm và Thiện Tài, Long Nữ bằng giấy bồi được thờ tự tại chùa Phước Hải

Đoàn thanh tra cũng có ý kiến đến Ban Quản lý di tích di chuyển 2 tháp đèn tại khu vực nội tự, 2 tượng sư tử đá phía trước cửa chính không nằm trong hồ sơ xếp hạng ra khỏi di tích, sắp xếp lại nơi đặt các đồ vật liên quan đến thờ cúng, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cũng như các đề nghị khác liên quan tới việc tiếp nhận hiện vật, linh vật không rõ nguồn gốc.Liên quan đến các hiện vật ngoại lai tại chùa Phước Hải, Phó Chánh Thanh tra Hà Văn Lâu khẳng định, các hiện vật không nằm trong danh sách hồ sơ di tích thì đều được xem là hiện vật ngoại lai. Với những hiện vật này, ông Hà Văn Lâu nhấn mạnh, cần phải xử lý, di dời ra khỏi di tích nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa Việt.

Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật ảnh 3

Thượng tọa Thích Minh Quang phát biểu tại buổi làm việc với đoàn thanh tra sáng 13-4-2023 tại chùa Phước Hải

Kiến nghị về vấn đề này, Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết, chùa Phước Hải là một ngôi chùa rất đặc biệt trên địa bàn TP.HCM, nó không chỉ là di tích quốc gia mà còn là một cơ sở tôn giáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM, vì vậy, “với những hiện vật không nằm trong hồ sơ danh sách, nhưng lại có mặt trong chùa này từ trước thời điểm chùa được Nhà nước xếp hạng di tích, thì cơ quan chức năng nên cân nhắc xem xét kỹ hơn vấn đề loại bỏ ra khỏi chùa”, Thượng tọa phản ánh.

Tại buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL, Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Phước Hải trình bày những khó khăn hiện nay mà chùa đang đối diện, đặc biệt về tình trạng xuống cấp của nhiều hạng mục. Cụ thể: lớp sơn tường bên trong và bên ngoài công trình đã bị ẩm, bong tróc; một số cấu kiện gỗ bị mối mọt, tượng Thanh Long và Bạch Hổ tướng quân bằng chất liệu giấy bồi có dấu hiệu hư hỏng; phần mái ngói bị hỏng dẫn đến nước mưa chảy dột vào chánh điện, ảnh hưởng đến kết cấu và tượng gỗ bên trong chánh điện mỗi khi mưa to…

Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật ảnh 4

Ông Hà Văn Lâu phát biểu kiến nghị tại buổi làm việc

Đại đức trụ trì kiến nghị các cấp chính quyền lãnh đạo sớm thực hiện các phương án sửa chữa, trùng tu phù hợp và nhanh nhất để di tích chùa Phước Hải được bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Được biết, trước đó một ngày, 12-4, đoàn thanh tra của Bộ VH-TT&DL đã có buổi làm việc tại tổ đình Giác Lâm – một trong 2 ngôi chùa trong 5 di tích thanh tra trong đợt này.

Liên quan đến vấn đề trùng tu, sửa chữa chùa Phước Hải, Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa cho biết, năm 2014, Ban Quản lý chùa đã tham vấn, phối hợp với cơ quan chức năng Q.1, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM lập dự án xin tu sửa cấp thiết các hạng mục hư hỏng. Dự án đã được chấp thuận với nguồn ngân sách là 4 tỷ đồng, tuy nhiên khi thực hiện thì lại gặp khó khăn về kinh phí với các nhà thầu nên phải hủy bỏ.

Thanh tra di tích chùa Ngọc Hoàng: Vẫn giữ nguyên hiện trạng gốc, không thất thoát hiện vật ảnh 5

Đoàn thanh tra khảo sát thực tế chùa Phước Hải, một công trình mang dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng người Hoa trên địa bàn TP.HCM được xếp hạng là Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia

Thời gian sau, tình trạng xuống cấp của chùa ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Tăng chúng cũng như khách du lịch thập phương viếng thăm, Ban Quản lý chùa tiếp tục có đơn đề nghị xin tu sửa nhưng chưa có kết quả phản hồi.

Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.10, TP.HCM) được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15-10-1994. Chùa được xây dựng đầu thế kỷ XX, với kiến trúc mang đậm nét tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn TP.HCM. Di tích này hiện có 81 hiện vật là tượng thờ, liễn đối, hoành phi, bài vị… bằng chất liệu gỗ, giấy bồi có giá trị rất lớn về mặt văn hóa, nghệ thuật.