Thanh tra tổ đình Giác Lâm không liên quan tới việc quản lý tiền công đức
Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Lâu phát biểu trong buổi thanh tra, làm việc tại tổ đình Giác Lâm, Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia – Ảnh: BGN
Đó là khẳng định của Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Lâu trong buổi làm việc theo quyết định thanh tra các di tích trên địa bàn TP.HCM, diễn ra sáng nay 12-4, tại tổ đình Giác Lâm – Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.
Đoàn thanh tra do ông Hà Văn Lâu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) làm trưởng đoàn; tham gia đoàn công tác còn có ông Nguyễn Minh Khang, Phó Trưởng phòng Quản lý Di tích, Cục Di sản văn hóa; ông Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên Phòng Quản lý Di sản Văn hóa – Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Bình; bà Lê Thị Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận; cùng các thanh tra viên của Bộ và các ban ngành Q.Tân Bình và P.10 sở tại.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn thanh tra tại tổ đình Giác Lâm sáng 12-4-2023
Đón tiếp và làm việc với phái đoàn có Thượng tọa Thích Đạt Đức, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.Tân Bình; Thượng tọa Thích Từ Tánh, Trụ trì tổ đình Giác Lâm; cùng Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Q.Tân Bình; Ban Trụ trì tổ đình Giác Lâm tham dự.
Ông Hà Văn Lâu cho biết đây là công việc thường niên của Bộ VH-TT&DL đã làm ở 20 tỉnh thành có các Di tích quốc gia hiện hữu. Năm nay, Thanh tra Bộ VH-TT&DL làm việc với các di tích trên địa bàn TP.HCM, nhằm phát huy tốt công tác duy tu, bảo dưỡng tại các di tích trường tồn lâu dài, để lại cho muôn đời sau.
Đoàn khảo sát thực tế hiện trạng di tích
Ông Lâu cũng cho biết rằng việc thanh tra không liên quan đến Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ông Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết thêm việc thực thi Thông tư 04/2023/TT-BTC liên quan tới quản lý tiền công đức sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai.
Sau khi làm việc, nghe báo cáo, kiểm tra thực tế hiện trạng và các hiện vật theo danh mục hồ sơ xếp hạng, đoàn thanh tra đã khẳng định công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích và không gian di tích được thực hiện theo quy định; hiện vật tại di tích đầy đủ theo hồ sơ, một số hiện vật bằng gỗ có dấu hiệu bị nứt; công tác duy tu, sửa chữa được Ban Trị sự thực hiện theo đúng quy định tu sửa cấp thiết…
Tại chánh điện của ngôi tổ đình gần 300 năm tuổi trên địa bàn TP.HCM
Đoàn thanh tra cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số hiện vật đang có tại tổ đình Giác Lâm vào hồ sơ di tích, đồng thời di chuyển tượng nghê (chất liệu xi-măng) ở giảng đường ra khỏi di tích và một số đề nghị khác liên quan tới thực hiện trùng tu, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ cũng như tiếp nhận các linh vật không rõ nguồn gốc…
Được biết, ngày mai đoàn sẽ thanh tra chùa Phước Hải (Q.1).
Tổ đình Giác Lâm tọa lạc tại số 118 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM; được lập năm 1744, trải qua 3 đợt trùng tu, được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia năm 1988.
Đại diện Ban Trụ trì tổ đình cho biết một số hạng mục trong tổ đình bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là hệ thống thoát nước xuống cấp dẫn đến tình trạng ngập úng khi mưa lớn. Năm 2020, tổ đình đã phối hợp với cơ quan chức năng Q.Tân Bình lập dự án xin tu sửa, được Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn thực hiện bằng vốn xã hội hóa. Tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn, việc huy động kinh phí theo hướng xã hội hóa không thực hiện được. Tổ đình cũng đã thêm 2 lần có đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Bảo tồn tại di tích tổ đình Giác Lâm hiện có 117 tượng thờ; 97 hiện vật khác có niên đại đầu thế kỷ XVIII-XX cùng 87 hiện vật là liễn đối, hoành phi, bài vị…