Những đàn voi ‘đi lạc’ và hành trình gian nan để được trở về nhà

Ya Bích là một cá thể voi được sinh ra và lớn lên dưới những tầng xanh ở Buôn Đôn. Thế nhưng, những ngày được sống tự do, sống trọn vẹn theo bản năng trong vòng tay hào sảng của núi rừng Tây Nguyên của Ya Bích, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ya Bích được huấn luyện để làm du lịch chở khách tham quan. Đồ vật quen thuộc trên lưng Ya Bích chính là chiếc ghế bành to, đủ cho 2 người lớn và 1 trẻ em ngồi. Với sức nặng trung bình từ 150 đến 200kg một chuyến, ngày ngày Ya Bích phải thực hiện cả chục chuyến đi. Chuyến tối đa kéo dài tới 60 phút.

Hình ảnh quen thuộc của những cá thể voi ở Buôn Đôn

Đến năm 2019, ngôi sao may mắn đã mỉm cười với Ya Bích. Ya Bích được chọn để tham gia thí điểm vào mô hình du lịch thân thiện với voi. Rời khỏi khu du lịch, trở về với mẹ thiên nhiên, với bầu trời thênh thang là mái nhà và ngọn cây là nguồn sống, từng khoảnh khắc đó có lẽ đều là ước mơ của 71 cá thể voi nhà trên dải đất này.

Tưởng như những ngày tháng được sống đúng với bản năng ở đúng nơi mình thuộc về ấy, sẽ kéo dài được lâu. Thế nhưng đến đầu năm 2020, Ya Bích đã bị đơn vị quản lý voi – là một khu du lịch, thu hồi về do nhu cầu sử dụng dịch vụ cưỡi voi lớn. Những chuỗi ngày bị xiềng xích lại bắt đầu. Sau một thời gian tiếp tục chở khách, có lẽ vì đã quá mệt mỏi, vì đã quá nhớ nhung những cánh rừng già thăm thẳm, Ya Bích gục ngã. Không được quan tâm chăm sóc, Ya Bích mất chỉ vài ngày sau đó.

Những người chủ đã chọn kinh tế, còn Ya Bích thì không được phép lựa chọn.

Trong 71 cá thể voi nhà còn sót lại ở Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang được chăm sóc, khai thác tại tỉnh Đắk Lắk. Loài voi ở Việt Nam nói chung và ở Đắk Lắk nói riêng đang phải đối diện với nhiều nguy cơ.

Tại các điểm du lịch, voi thường phải trực tại điểm chờ khách cả ngày. Không được ăn, không được uống nước và chân bị xích dây xích ngắn dưới 10m. Nơi voi đứng là trên nền xi măng và ít có bóng mát.

Trong tự nhiên, voi thường sống theo đàn nhiều cá thể. Còn tại các khu du lịch hay vườn thú, voi bị xích riêng, tách biệt nhau, gây tác động rất lớn tới nhu cầu tâm lý, hành vi của voi. Với đàn voi nhà, tất cả voi cái đều đã hết tuổi sinh sản và đang phải phục vụ du lịch, bị tách biệt bầy đàn, sống cuộc sống riêng lẻ và bị chủ voi kiểm soát.

Bên cạnh đó, thức ăn ở các khu du lịch, vườn thú thường giống nhau ngày qua ngày, không đáp ứng được nhu cầu, tập tính của loài voi. Trong tự nhiên, voi thường tắm bùn để bảo vệ da hay ăn đất ở một số khu vực cụ thể để bổ sung muối, khoáng chất, và biết lựa chọn ăn vỏ hoặc rễ của các loại cây để chữa bệnh.

Chính vì những vấn đề đó, mà lượng voi đang ngày cảm giảm, nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng ở Việt Nam ngày càng lớn . So với năm 1980, số lượng đàn voi đã giảm tới 90%.

Kể từ năm 2018, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã hợp tác cùng Vườn Quốc Gia Yok Don (Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk) xây dựng mô hình chuyển đổi sang du lịch voi thân thiện, bao gồm không cưỡi voi, không có các hoạt động tương tác mang tính ép buộc voi. Thay vào đó, du khách sẽ được xem voi tự do đi lại, kiếm ăn, tương tác với nhau trong môi trường rừng tự nhiên. Bên cạnh đó là các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn loài voi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời vận động chủ voi đưa voi vào tham gia dự án, hướng dẫn chủ voi hoặc nài voi cách chăm sóc và nâng cao phúc lợi cho voi khi tham gia chương trình du lịch voi thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực giữa voi và nài voi.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án “Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”. Tổng giá trị khoản viện trợ là 55 tỉ đồng được triển khai từ tháng 12.2022 đến tháng 12.2026 với kỳ vọng chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi.

Những cá thể voi được sống trong môi trường tự nhiên, du khách cũng được nhìn ngắm voi trong không gian rộng lớn mát lành

Hiện nay, đã có 12 cá thể voi được hưởng lợi từ dự án. Trong đó có 7 cá thể voi được các nài voi trực tiếp đi theo chăm sóc voi của họ. Nếu như trong các mô hình quản lý truyền thống, voi thường sống trong sợ hãi vì bị huấn luyện, thì nay mỗi quan hệ giữa voi- nà voi đã trở nên thân thiện hơn, tin cậy hơn.

Theo chị Trần Thị Kim Loan, cán bộ điều phối tổ chăm sóc voi, Tổ chức Động vật Châu Á, trước đây, khi tỉnh Đắk Lắk chưa ban hành quy định cấm vưỡi voi thì chủ voi vẫn muốn sử dụng voi chở khách du lich vì họ có thu nhập trực tiếp hàng ngày, trang trải chi phí cuộc sống. Bên cạnh đó, các khu du lịch vẫn sử dụng voi vì quan niệm của khách du lịch là khi đến Đắk Lắk là phải cưỡi voi. “Khi quy định cấm cưỡi voi được ban hành, việc chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp những khó khăn về ngân sách khi lượng khách giảm, chi phí quản lý, đầu tư khu chăn thả tăng lên. Quá trình này sẽ cần thêm thời gian cũng như các hoạt động truyền thông mạnh mẽ để mọi người, bao gồm cả du khách để dần thay đổi suy nghĩ và nhận thức, ủng hộ mô hình mới thân thiện và nhân đạo với những chú voi.”, chị Kim Loan chia sẻ.

Hành trình mang voi trở lại với rừng của AAF, sau nhiều năm đã bắt đầu có hy vọng. Tại lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 (từ 10 -14.3 tại Đắk Lắk) chỉ có các hoạt động tương tác thân thiện với voi, không sử dụng voi để diễu hành trên đường phố, theo đúng cam kết của UBND tỉnh Đắk Lắk với Tổ chức Động vật châu Á.

Với những thành viên của AAF, voi hay bất cứ động vật nào khác, cũng đều có cảm xúc. Cũng biết đau, cũng biết hạnh phúc. Chia sẻ về động lực để AAF có thể kiên trì và kiên định suốt nhiều năm trên hành trình này, chị Kim Loan cho biết: “Được ngắm nhìn những cá thể voi trước kia cả ngày phải cõng khách, thân hình gầy ốm, ngay khi không có khách vẫn phải đeo chiếc bành to nặng trên lưng cùng đôi chân bị xích… nay được tận hưởng được cuộc sống tự do trong môi trường tự nhiên, ăn gì voi thích, đi đâu voi muốn và đặc biệt là voi được thể hiện các hành vi tự nhiên của chính mình là một phần thưởng rất lớn đối với chúng tôi. Nó là động lực khiến chúng tôi cố gắng làm tốt hơn công việc của mình mỗi ngày, với hy vọng có thể bù đắp cho những gian khổ, chịu đựng mà voi đã phải trải qua trước kia, và để mỗi ngày của nài voi và voi đều là một ngày hạnh phúc.”

Trong số 37 cá thể voi ở Đắk Lắk, hiện vẫn còn 25 cá thể vẫn đang bị “đi lạc” khỏi tự nhiên, khỏi bầy đàn. Trong thời gian tới, AAF cùng chính quyền địa phương hy vọng có thể mở rộng dự án, có thêm nhiều cá thể voi được ‘nghỉ hưu’ khỏi cuộc sống làm voi chở khách, để được sống tự do trong môi trường tự nhiên, để những thứ của rừng, lại được trả về rừng.

Và không chỉ là việc chuyển đổi mô hình du lịch với voi, mà xa hơn, đó còn là câu chuyện về giữ gìn bảo vệ những cánh rừng. Bởi rừng là nhà, rừng là nơi sự sống được sinh ra và nuôi dưỡng, là nơi để quay trở về.

Bài viết: Thùy Chi – Thiết kế: Đỗ An

Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Thùy Chi- Nhà báo