Tự tử có thực sự chấm dứt khổ đau?

Phần lớn mọi người ở thế gian đều cho rằng, sau khi chết sẽ chấm dứt mọi khổ đau. Vì thế, rất nhiều người đã tìm đến con đường tự tử để kết thúc những rắc rối, lo âu, phiền muộn của mình và xem như đấy là giải pháp duy nhất để chấm dứt những tình cảnh đen tối nhất trong hiện tại.

Nhưng họ không biết rằng, tự sát chính là đang tự mở cánh cửa đầy khổ đau, không lối thoát cho bản thân mình.

Trong những năm gần đây, tự tử trở thành vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội, là vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Về mặt tâm lý, mỗi người chúng ta có ngưỡng cảm xúc cũng như mức chịu đựng trước những biến cố khác nhau, tùy vào mức độ mà mỗi người có những phản ứng về cảm xúc trước hành vi của mình. Và khi không thể chịu đựng được trước những áp lực về tâm lý, nhiều người thường tìm đến con đường chết thông qua việc tự tử. Đây là một hành động cố ý giết hại bản thân, cố ý cướp đi sinh mạng của chính mình.

Mạng sống con người rất quan trọng. Tất cả chúng ta đều muốn sống, đều mưu cầu hạnh phúc, nỗ lực hằng ngày để mọi thứ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những áp lực trong cuộc sống cũng như những nhu cầu của xã hội ngày càng cao, vì thế một số người thiếu sự tỉnh táo, sáng suốt về bản chất cuộc sống, nên rất dễ nảy sinh tư tưởng muốn chấm dứt và tự kết liễu cuộc đời.

Trong 45 năm qua, tỷ lệ tự tử đã tăng 60% trên toàn thế giới. Hằng năm, trung bình có khoảng hơn 800.000 người chết vì tự tử. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 40 giây, có một người nào đó trên thế giới tự sát. Con số thực tế có lẽ còn cao hơn nữa vì đây là một vấn đề nhạy cảm, do đó không được báo cáo đầy đủ. Giống như phần lớn tại các nước phát triển, nguyên nhân số một dẫn đến tử vong đối với thanh niên Nhật Bản là tự sát, số người chết do tự tử cao gấp năm lần so với tai nạn giao thông. Đây được xem là quốc nạn của đất nước này. Ở Việt Nam, mỗi năm số người tự sát từ 36.000 đến 40.000 người (theo TS Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).

Đức Phật khuyên mọi người nên đối diện với hiện thực cuộc sống, đối diện với những khó khăn, những khổ đau của mình để tìm ra giải pháp....

Đức Phật khuyên mọi người nên đối diện với hiện thực cuộc sống, đối diện với những khó khăn, những khổ đau của mình để tìm ra giải pháp….

Liệu có phải người tự tử chịu nghiệp nặng và không siêu thoát được?

Nhân tố quan trọng nhất dẫn đến nguy cơ tự tử là trầm cảm. Khi một người bị trầm cảm nặng do áp lực trong thời gian dài, sẽ luôn có cảm giác bất lực và tin rằng bản thân không thể thoát ra khỏi nỗi đau khổ vô tận này.

Các bệnh nhân bị giày vò bởi suy nghĩ “thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi” và lập tức họ sẽ kết liễu bản thân. Nguyên nhân tiếp theo là sự phụ thuộc vào các chất kích thích gây ra ảo tưởng, ảo giác và các suy nghĩ cùng cực, dẫn đến việc xảy ra những tình trạng xấu (có hơn 50% số người tự tử dính líu đến việc sử dụng ma túy và rượu bia, hơn 25% nằm trong lứa tuổi vị thành niên). Ngoài ra, còn có những tác động đến tâm lý từ môi trường, xã hội như bạn bè trêu chọc, người yêu bỏ rơi, quấy rối và lạm dụng tình dục, áp lực học hành do gia đình đặt nặng… Những việc này sẽ dễ dàng dẫn đến chứng rối loạn lưỡng cực (lúc thì vui đến phát cuồng, lúc thì buồn đến mức suy sụp tinh thần).

Trong trường hợp này, gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô giáo sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với những người đang có ý nghĩ tự tử. Bởi trong những lúc tuyệt vọng nhất, họ thường có những biểu hiện cầu cứu đối với những người bên cạnh gần gũi mình. Nếu chúng ta tinh ý sẽ nhận ra được điều này. Như những người có lối sống nội tâm, trước khi tự tử, đột nhiên họ thường nói rất nhiều, gọi điện thoại hỏi thăm người thân thường xuyên hơn bình thường. Còn những người có tâm lý hướng ngoại, thường nói huyên thuyên, hoạt bát vui vẻ, khi có ý định tự tử thì trong giai đoạn này, họ sẽ có biểu hiện trái ngược hoàn toàn như im lặng, giam mình trong phòng, cắt đứt mọi quan hệ… Đây là biểu hiện của sự trầm cảm nghiêm trọng. Lúc đó, họ rất cần những sự hỗ trợ của người thân như một nhịp cầu chia sẻ dưới hình thức trấn an, tư vấn thì cơ hội cứu sống người đó sẽ cao hơn, giúp cải thiện tinh thần người đó trở lại mức bình thường. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả các dịch vụ y tế và thành lập các trung tâm tư vấn cho những người bị khủng hoảng, cũng là việc cần thiết nên làm.

Dưới góc nhìn Phật giáo, chết không phải là dấu chấm hết và tự giết mình là một tội rất lớn. Bởi vì, đức Thế Tôn đã dạy “thân người khó được” (nhân thân nan đắc). Trong kinh Phạm Võng cũng nói: “Một khi mất thân người, muôn kiếp khó có lại được” (nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục). Thân người còn khó được hơn cả việc con rùa mù sống trong đại dương, trăm năm mới trồi đầu lên một lần mà chui đúng vào bọng cây đang lênh đênh trên biển. Vấn đề này thường được chỉ dạy rất rõ ràng trong các bài kinh mà đức Phật đã để lại. Dẫu biết rằng tấm thân năm uẩn này là giả tạm, nhưng chúng ta cần phải lấy thân này làm phương tiện để tu thân hành thiện, giữ gìn năm giới để tịnh hóa thân tâm và tu tạo các công đức. Nếu không biết trân trọng tấm thân này mà còn tìm cách hủy diệt, thì không biết đời nào mới được sinh làm người trở lại.

Đức Phật khuyên mọi người nên đối diện với hiện thực cuộc sống, đối diện với những khó khăn, những khổ đau của mình để tìm ra giải pháp và giải quyết một cách triệt để chứ không nên trốn chạy. Nếu sự khổ đau ấy là do nghiệp nhân chúng ta đã tạo trong quá khứ, bây giờ phải trả quả thì trốn chạy không phải là cách tốt, vì ta không thể trốn chạy mãi được. Cuộc sống này vốn công bằng, không ai có thể thoát khỏi nhân quả cho dù chạy lên trời cao hay lặn xuống biển sâu. Chi bằng chúng ta đối diện với quả khổ ấy để rồi tìm cách chuyển hóa, như thế mới có cơ may chuyển được nghiệp khổ.

Còn việc tìm đến cái chết để trốn tránh mọi việc là một hành động tiêu cực, vì tự tử không thể giải quyết được vấn đề mà còn bỏ lại người thân, gia đình, con cái, bạn bè và những công việc còn dở dang không đi tới đâu. Và đây là đang mở màn cho sự đau khổ bất tận. Thân ta dù chết nhưng tâm vẫn hoạt động, tự tử sẽ khiến cho thần thức của người ấy dễ rơi vào cõi xấu và sẽ khó được làm người trở lại.

Công đức cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng ta, đời đời khó trả hết. Kinh Vu Lan đã dạy: “Cõng cha mẹ tất cả hai vai, giáp vòng hòn núi Tu-di, đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền”. Huống chi là khi sống chưa chắc đã tận tâm báo hiếu với song thân, làm cho cha mẹ buồn rầu lo lắng mà giờ đây lại muốn tự hủy hoại, giết thân mình, đây là một hành động vô cùng bất hiếu. Chưa nói đến việc không làm được lợi ích gì cho xã hội, không đóng góp cho cộng đồng, cho những người đã bỏ mạng hy sinh vì đất nước để bảo vệ cuộc sống ấm no cho chúng ta. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn và muốn trốn tránh tất cả mà quyết định kết liễu bản thân.

Thần thức của người tự sát sẽ đi về đâu?

Ngược lại với những trường hợp tự tử vì tâm tiêu cực, là những người hy sinh thân mạng của mình để đem lại an vui, hạnh phúc cho số đông, cho tập thể và họ ra đi trong trạng thái an nhiên, thì đấy là một sự hy sinh vĩ đại, được mọi người ca tụng và lưu danh sử sách. Điển hình như sự kiện HT. Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963, là sự kiện lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX. Ngài được mọi người xưng tụng là vị Bồ-tát xả bỏ thân mạng để giữ gìn đạo pháp, cũng như làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam.

Là một người tu học, chúng ta cần biết về nghệ thuật lắng nghe để trở thành một vị Bồ-tát Quán Thế Âm, hiểu rõ các nguyên nhân sâu xa và đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Nghệ thuật này không khó nếu chúng ta biết lắng nghe bằng một thái độ không phê phán, làm cho nạn nhân có cảm giác rằng người thân luôn thấu hiểu bằng tâm từ bi và đứng về phía họ. Cảm giác khi được đồng cảm và đứng về phía mình, sẽ làm cho nạn nhân hài lòng và nghĩ rằng nỗi đau của mình đã có người thấu hiểu được. Và từ đó, việc chia sẻ các lời khuyên chân thành từ phía người thân, sẽ giúp nạn nhân tự lực cánh sinh trong hòn đảo đầy bão táp phong ba của cuộc đời mình.

Có những người không trân trọng tấm thân này mà tự mình hủy hoại nó khi nghiệp lực của mình chưa tới. Có thể nói được làm thân người thật khó vô cùng. Thân là tác phẩm hoàn hảo của tâm và ý. Tâm nghĩ đẹp thì tự thân sẽ đẹp, ý nghĩ xấu thì thân cũng chịu xấu theo. Khổ vui do mình tạo nên. Gieo nhân lành sẽ nhận được quả ngọt, muốn được an vui thì ta nên ngừng làm việc xấu ác, luôn giữ thân, khẩu, ý lành.

Cho dù thân hiện đời như thế nào thì chúng ta cũng nên hoan hỷ bằng lòng chấp nhận và nỗ lực tu tập, làm phước để cải đổi, tô bồi những điều tốt thì thân này sẽ thay đổi và tốt đẹp hơn theo thời gian, sớm giác ngộ để thành Phật như trong giáo lý từng nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Thay vì tự sát, chúng ta nên nuôi dưỡng tấm thân này bằng cách ăn uống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe, tập thể dục, thiền định ít nhất 10 đến 15 phút mỗi ngày để suy ngẫm những hành động, sự việc đã xảy ra và cố gắng chánh niệm trong từng việc làm, bảo vệ thân tâm một cách cẩn thận để ngăn chặn những tâm xấu ác nảy sinh. Nên tạo điều kiện tốt nhất để thân mình hoàn thành những chức năng đặc thù của nó, luôn biết trân quý và sống ý nghĩa nhất để sau khi mất đi không phải tiếc nuối.

Thân tâm tạo nên sự sống, vì không có nó thì sẽ không có sự sống, và sự sống tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào những yếu tố này. Vì vậy, mỗi chúng ta phải trân trọng, chớ để kiếp người trôi qua một cách uổng phí. Đừng vì những chuyện đau khổ khi chưa có hướng giải quyết mà tự kết thúc cuộc đời mình, bởi có được thân người khó lắm, hãy biết yêu thương và bảo vệ.

Tâm Khiết