Mở góc nhìn từ những cuốn sách

Khởi đầu một mình, giờ đây đã có nhiều người bạn đồng hành cùng Hải Đăng trong hành trình “cho đi” - Ảnh: NVCC

Khởi đầu một mình, giờ đây đã có nhiều người bạn đồng hành cùng Hải Đăng trong hành trình “cho đi” – Ảnh: NVCC

Xuất phát từ tình yêu với sách và lòng tha thiết lan tỏa tri thức đến mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ, Thái Hải Đăng (22 tuổi, quê ở Vĩnh Long) đã cùng bạn bè xây dựng nên “kho tàng” sách cho trẻ em khó khăn.

Hơn nửa năm thành lập, dự án “Sách đến tay em” của Thái Hải Đăng đã hoàn thành 10 đợt trao tặng sách. Qua mỗi đợt, hơn 300 cuốn sách được trao tặng đến các em nhỏ ở vùng sâu, trải dài nhiều địa điểm từ Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình đến Hà Nội, Vĩnh Long….

Bắt đầu những năm học cấp ba, Hải Đăng được bạn bè và thầy cô truyền tải tình yêu với sách. Từ thói quen đọc để giải trí, theo thời gian, sách trở thành người bạn thân thiết với chàng trai trẻ. Khi bước vào cánh cửa đại học, tại Hà Nội, Đăng gắn bó với Vườn Yêu Thương – Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà – một tổ chức thành lập từ năm 2008, cậu càng nhận ra tầm quan trọng của sách.

Từ tình yêu sách đến cầu nối tri thức

Trong một lần đến Sa Pa, với dự định tặng sách cho trẻ em nơi đây để lưu giữ kỷ niệm, Hải Đăng bất ngờ nhận lại nhiều cảm xúc khi “cho đi”. Do đó, vào cuối tháng 7-2022, cậu cùng bạn bè bắt tay xây dựng dự án “Sách đến tay em”, nhằm trao tặng sách một cách nghiêm túc và bài bản.

Mở góc nhìn từ những cuốn sách ảnh 1
Đối với Đăng, từng quyển sách được các em mở ra kèm theo đó là một hy vọng cho tương lai tươi sáng – Ảnh: NVCC

“Sách đến tay em” hoạt động với mục tiêu phát triển văn hóa đọc. Trên hành trình xây dựng dự án, Hải Đăng nhiều lần nhận ra ý nghĩa của sách và sự cho đi. “Như trong một lần tiếp xúc với các thầy cô ở vùng sâu, khi biết được chuyện nhiều học sinh lớp 7, lớp 8 đã có 2-3 người con. Tôi cảm thấy rất buồn khi biết tin bởi với tôi, việc sinh con sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của các em nơi đây”, Đăng kể.

Lần khác khi đang trao tặng sách, một bạn nhỏ học lớp 8 đến thỏ thẻ với Đăng: “Anh ơi, anh có cuốn sách nào dạy võ không? Em muốn được học võ”. Ánh mắt rưng rưng, khao khát một quyển sách của đứa trẻ khi ấy càng thúc đẩy Hải Đăng trên hành trình lan tỏa tri thức.

Thông qua dự án của mình, chàng trai 22 tuổi mong muốn đưa sách trở thành công cụ tác động đến tâm hồn, giúp trẻ em vùng sâu tiếp cận với nhiều góc nhìn mới.

Xin phép được trao tặng

Không đặt nặng áp lực “thiện nguyện”, Hải Đăng xem dự án “Sách đến tay em” như một cơ hội để bản thân được cho đi và nhận lại trải nghiệm.

Hành trình tìm kiếm sách trao tặng của cậu bạn trẻ bắt đầu từ việc kêu gọi cá nhân, cho đến những lần kết nối, thông qua câu lạc bộ sách. Nhiều lần, giữa nắng hè ở Hà Nội, Đăng cùng bạn bè đi đến từng nơi xin nhận sách. Thấy đây không phải kế hoạch lâu dài, cậu kêu gọi tài trợ từ các nhà sách, doanh nghiệp, để phát triển thêm nguồn sách.

Ngoài ra, khi tìm nơi trao gửi sách, Hải Đăng luôn quan niệm: “Khi cho đi, phải tìm hiểu xem người nhận có mong muốn món quà đó hay không. Vậy nên tôi luôn xin phép trước để được trao tặng”.

Phải cân bằng giữa dự án và việc học, có những đêm Hải Đăng ngủ 2,3 tiếng. Dù vậy, từng quyển sách đều được Đăng chọn lọc kỹ lưỡng trước khi trao đi. Chàng trai 22 tuổi luôn tự hỏi: “Liệu các em có thích sách không? Có đủ sách không? Những sách này có phù hợp với các em không?”. Với Đăng và các bạn trẻ khác trong dự án, niềm vui của họ chỉ đơn giản là những tủ sách được gửi đi luôn có người đón nhận.

Khi sách đã đến tay các em nhỏ, Đăng liên hệ người phụ trách ở từng nơi để tìm hiểu về tình hình đọc sách của các em. Một lần, cậu bạn nhận được phản hồi từ giáo viên rằng phần lớn những cuốn sách gửi đến chưa phù hợp với học sinh tiểu học, khiến Đăng càng nghiêm túc hơn trong hành trình “cho đi”.

Mở góc nhìn từ những cuốn sách ảnh 2
Tiếp nối hành trình

Luôn trăn trở về chi phí, nhân lực thực hiện dự án, Hải Đăng và các bạn của mình không ngừng triển khai nhiều hoạt động gây quỹ. Từ những buổi talkshow, hội chợ để kêu gọi, thu nhận sách, “Sách đến tay em” đang được vun vén từng ngày, chuẩn bị cho những chuyến trao tặng mới trong tương lai. Tháng ba này, Đăng đang tất bật đưa dự án đến Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tiếp nối hành trình lan tỏa văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, Hải Đăng tham gia vào hai dự án khác mang tên “ATM Cây gậy trắng” và “ATM Những điều nhỏ nhoi”. Dự án đầu tiên, cậu cùng mọi người kêu gọi, gây quỹ mua gậy trắng, gửi tặng người khiếm thị. Với dự án thứ hai, Đăng cùng các bạn mình trao tặng người lao động khó khăn những phần quà nhỏ, cổ vũ sức mạnh tinh thần cho họ. Dù là hoạt động, dự án nào, cậu bạn trẻ luôn gắn liền sự san sẻ của bản thân với tấm lòng trách nhiệm.

“Người cho – tặng người khác trước hết phải xuất phát từ sự hân hoan, hoàn toàn tự giác và tự nguyện. Thiếu đi 3 lẽ ấy thì việc làm cao cả này sẽ lệch hướng”, Đăng chia sẻ.